“The Bricklayer” là phim hành động đầu tiên chào sân phòng vé Việt năm 2024. Phim có cốt truyện quen thuộc, dễ đoán nhưng ghi điểm nhờ yếu tố giải trí.
Genre: Tội phạm, Hành động, Giật gân
Director: Renny Harlin
Cast: Aaron Eckhart, Nina Dobrev, Tim Nelson, Collins Jr….
Rating: 6.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
The Bricklayer (tựa Việt: Điệp vụ cuối cùng) là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Noah Boyd, một cựu đặc vụ FBI.
Kịch bản được xây dựng theo motif “cao thủ ẩn thân”, vốn đã quá quen thuộc ở thể loại phim hành động. Song nhiều tác phẩm có nội dung tương tự vẫn ăn khách gần đây như Wrath of Man (2021), Nobody (2021) hay Bullet Train (2022) cho thấy motif này vẫn giàu tiềm năng khai thác.
Câu chuyện dựa trên motif quen thuộc
“Cao thủ ẩn thân” trong The Bricklayer là Steve Vail (Aaron Eckhart) – một cựu tình báo CIA. Vì bất mãn trước cách làm việc của tổ chức, Steve Vail quyết định rời đi, chuyển sang hành nghề thợ xây. Ngày nọ, Radek (Collins Jr) – người từng là cộng sự thân thiết của Steve Vail đã ám sát các nhà báo quốc tế và đổ hết mọi tội lỗi cho CIA.
Trước tình hình cả thế giới chống lại nước Mỹ, CIA đến cầu cứu Vail, bởi chỉ anh mới có thể tìm được Radek. Vail đã nhận nhiệm vụ phần vì muốn ngăn cản người bạn cũ, phần để vượt qua nỗi ám ảnh trong quá khứ. Đồng hành cùng anh trên hành trình này là Kate (Nina Dobrev), một nữ điệp vụ CIA mới vào nghề.
Kịch bản The Bricklayer xây dựng trên motif quen thuộc của các phim hành động. |
Nhịp phim rất nhanh là ấn tượng ban đầu về The Bricklayer. Chuyện phim mở ra bằng một vụ nổ súng. Điều này ngay lập tức tạo dựng sự hồi hộp, căng thẳng cho người xem. Ở những diễn biến tiếp theo, tác phẩm chỉ dành một khoảng nghỉ nhỏ để giới thiệu nhân vật. Gần như trong toàn bộ phần sau, nhiều cảnh đánh đấm diễn ra dồn dập, mang đậm nét đặc trưng của những tác phẩm hành động giải trí kiểu Hollywood.
Tuy nhiên, vì tràn ngập cảnh hành động, The Bricklayer dành rất ít thời lượng cho câu chuyện. Thậm chí trong một số tình huống, phim lạm dụng đánh đấm thay cho việc diễn giải xung đột nội tâm nhân vật, đơn cử như khi Vail quyết định tham gia phi vụ dù trước đó đã từ chối. Đạo diễn Renny Harlin lựa chọn trình bày một phân đoạn hành động đẹp mắt thay vì xoáy sâu vào lý do buộc anh thay đổi quyết định.
Ngoài ra, phim cũng có nhiều phân cảnh ngược dòng quá khứ. Thuật kể dẫu phức tạp song hầu như không đóng góp được nhiều cho câu chuyện, nội tâm nhân vật cũng chưa được khai thác đủ sâu.
Hai nhân vật chính là Steve Vail và Kate được xây dựng với cá tính rõ ràng, cho thấy các bước trưởng thành nhất định. Tuy nhiên, quá trình dẫn đến sự biến chuyển đó còn thiếu thuyết phục, bởi phim dành quá ít khoảng nghỉ để nhân vật được phát triển.
Điểm sáng nhất trong câu chuyện của The Bricklayer nằm ở tuyến phản diện. Radek hiện lên là một tên tội phạm chìm sâu trong hận thù. Hắn chẳng màng đến tiền bạc hay danh vọng. Thứ hắn muốn là trả thù những kẻ đã hãm hại gia đình mình. Chính vì vậy, gã phản diện này vừa tạo được đồng cảm nhưng cũng gây tò mò, bởi ai cũng hiểu rằng không có giới hạn nào cho một kẻ đã mất đi tất cả.
Cuối cùng, The Bricklayer chắc chắn không phải là một tác phẩm “lười biếng” của đạo diễn Renny Harlin. Ông thực chất đã cố gắng thêm thắt các yếu tố chính trị, hay âm mưu toàn cầu để làm dày câu chuyện. Song điều đó chưa thể tạo nên sự phá cách cho một motif phim vốn đã quá quen thuộc.
Khả năng diễn xuất của Aaron Eckhart và Nina Dobrev chưa được khai thác trọn vẹn. |
Ngoài ra, The Bricklayer có hai cú plot-twist nhưng cả hai đều dễ đoán, khiến cho cái kết trở nên ngô nghê đối với những khán giả khó tính.
Yếu tố giải trí gỡ điểm
Để khỏa lấp sự rập khuôn của kịch bản, The Bricklayer chiêu đãi khán giả bằng một bữa tiệc hành động thịnh soạn.
Bên cạnh các pha đấu súng nghẹt thở, tác phẩm còn sở hữu nhiều phân cảnh đặc trưng của thể loại hành động như những màn đua xe đường phố, cảnh cháy nổ, hay đấu dao… Việc đa dạng các pha hành động tạo hứng thú rất lớn cho khán giả khi dõi theo hành trình phim.
Đặc biệt, các tình huống đánh đấm cũng hạn chế sử dụng cắt cảnh, mà cố gắng bắt trọn tình tiết nhờ sự chuyển động mượt mà của máy quay. Dù khiến những cảnh hành động vơi bớt năng lượng, song điều đó làm chúng trở nên chân thật hơn. Một điểm mạnh khác của cách làm này là giúp khán giả giảm đi cảm giác mệt mỏi khi phải theo dõi quá nhiều phân cảnh hành động xuất hiện dồn dập.
Thêm vào đó, lối biên tập âm thanh đầy sinh động cũng giúp The Bricklayer trở nên chân thật và kịch tính hơn. Khán giả có thể nghe rõ tiếng của từng cú đấm, của khoang máy bay đang cất cánh hay đặc biệt là tiếng va chạm của những loại vũ khí sắc nhọn.
Với kinh phí chỉ khoảng 24 triệu USD, số tiền được xem là khá thấp đối với các dự án hành động ở Hollywood, thật khó để mong đợi nhiều hơn ở The Bricklayer về phần kỹ xảo. Đạo diễn Renny Harlin thực chất đã làm tốt nhất những gì trong phạm vi của mình.
The Bricklayer đáp ứng khá tốt “phần nhìn” dù ngân sách thấp. |
Bàn về diễn xuất, Aaron Eckhart đó nay vẫn cho thấy mình là một diễn viên đầy tài năng, xứng đáng nhận được nhiều vai diễn lớn hơn những gì anh đang có. Hóa thân cựu điệp viên Vail trong The Bricklayer, Aaron Eckhart đã có màn trình diễn xuất thần trong các phân đoạn hành động. Tuy nhiên, anh lại chưa có nhiều đất diễn cảm xúc do phải đảm nhiệm một nhân vật thiếu chiều sâu.
Điều tương tự cũng xảy ra với Nina Dobrev trong vai Kate. Cá biệt, nhân vật của cô đôi lúc cư xử khá ngô nghê, cũng chưa có nhiều cơ hội thể hiện trong các phân đoạn hành động.
Nhìn chung, The Bricklayer đơn thuần là một tác phẩm hành động, giải trí tầm trung. Phim dựa theo motif cũ nhưng vẫn dễ tiếp cận, đặt điểm nhấn vào yếu tố giải trí thay vì cốt truyện. Đây vốn được coi là một kiểu “thức ăn nhanh” khá được ưa chuộng của ngành công nghiệp điện ảnh.
Trong thời điểm rạp chiếu nội địa bị phủ kín bởi các phim kinh dị, The Bricklayer vẫn là một lựa chọn “đổi gió” hợp lý dành cho khán giả.