Tác phẩm tiểu sử về Thủ tướng Anh Winston Churchill tương đối khô khan, nhưng vẫn thu hút khán giả tới tận phút chót nhờ diễn xuất đỉnh cao của tài tử gạo cội Gary Oldman.
Thể loại: Tiểu sử, lịch sử
Đạo diễn: Joe Wright
Diễn viên chính: Gary Oldman, Ronald Pickup, Kristen Scott Thomas, Lily James, Ben Mendelsohn
Zing.vn đánh giá: 7/10
Darkest Hour là tác phẩm tiểu sử về Winston Churchill, và gây chú ý trong mùa giải thưởng điện ảnh năm nay bằng màn lột xác của Gary Oldman. |
Bộ phim Darkest Hour lấy bối cảnh thời gian là tháng 5/1940, khi Thế chiến II bắt đầu bùng nổ rộng khắp châu Âu. Đức Quốc xã tiến quân xâm lược Bỉ và Hà Lan, trong lúc quân đồng minh Anh – Pháp bị thất thế trên nhiều mặt trận.
Lúc này, Quốc hội Anh cho rằng Thủ tướng đương nhiệm Neville Chamberlain (Ronald Pickup) đã quá mềm yếu trong công cuộc bảo vệ quốc gia, buộc ông phải từ chức và tìm kiếm người kế nhiệm. Winston Churchill (Gary Oldman) – Bộ trưởng Bộ Hải quân – lập tức được Quốc hội và Hoàng gia Anh lựa chọn làm người bảo vệ vận mệnh xứ sở sương mù.
Vốn là người nóng nảy, cứng nhắc, lại mắc phải một số sai lầm trong quá khứ, vị thủ tướng mới thực tế không được lòng nhiều người. Ngay cả Vua George VI (Ben Mendelsohn) cũng hoài nghi năng lực của Churchill, đánh giá rằng ông không phải là lựa chọn tốt nhất cho thời điểm nước sôi lửa bỏng.
Winston Churchill nhậm chức vào giai đoạn đen tối bậc nhất của lịch sử nước Anh. Cả châu Âu như chìm trong tuyệt vọng trước đà tiến công như vũ bão của Đức Quốc xã. Gần như toàn bộ lực lượng quân đội Anh lúc bấy giờ bị quân Đức bao vây tứ phía tại bãi biển Dunkirk (Pháp), và có thể bị tiêu diệt hoàn toàn bất cứ lúc nào.
Bởi thế, trong nội bộ Quốc hội Anh, bắt đầu có không ít người muốn tìm kiếm giải pháp hòa bình, ngồi vào bàn đàm phán với Adolf Hitler. “Nên hòa hay nên đánh”, đó chính là câu hỏi đè nặng lên vai Winston Churchill.
Tác phẩm chính kịch không dành cho số đông
Darkest Hour là bộ phim mới nhất của đạo diễn Joe Wright – người từng thực hiện nhiều tác phẩm tâm lý đáng nhớ chuyển thể từ văn học như Pride & Prejudice (2005), Atonement (2007) hay Anna Karenina (2012).
Anh cũng từng có lần thử sức với dòng phim tâm lý tiểu sử qua tác phẩm The Soloist (2009). Nhưng cuộc hợp tác cùng hai ngôi sao Jamie Foxx và Robert Downey, Jr. không gây ra tiếng vang và gặt hái thành công như kỳ vọng.
Sau thất bại toàn diện ở dòng phim phiêu lưu thần thoại với Pan (2015), Joe Wright quyết định trở lại với bối cảnh lịch sử nước Anh quen thuộc, xây dựng tác phẩm tiểu sử dựa trên nhân vật có thật là vị thủ tướng vĩ đại Winston Churchill của nước Anh với Darkest Hour. Tác phẩm cho thấy sở trường của nhà làm phim tài năng, với nhiều điểm nhấn đáng khen về mặt chất lượng sản xuất.
Darkest Hour có cấu trúc tương đối gọn gàng và mục tiêu lịch sử – chính trị rõ ràng. Chuyện phim tóm gọn trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6/1940, tức “thời khắc đen tối” của lịch sử nước Anh hồi đầu Thế chiến II.
Các sự kiện được đề cập, bối cảnh, cùng hệ thống nhân vật trong phim đều bám sát và tập trung quanh những hoạt động chính trị của tân thủ tướng Churchill. Còn nội dung liên quan đến đời tư hoặc quá khứ, hoàn cảnh cá nhân của ông, lẫn các nhân vật khác, đều rất hạn chế.
Câu chuyện của Darkest Hour rất đơn giản, bám sát lịch sử. Song, đây thực tế không phải là tác phẩm dành cho số đông. |
Do đó, tổng thể câu chuyện Darkest Hour khá đơn giản, không quá rắc rối. Kết quả cuối cùng của tác phẩm không có gì bất ngờ bởi bất cứ ai cũng biết quyết định cuối cùng của Winston Churchill từ trước khi theo dõi bộ phim.
Song, Darkest Hour thực tế không phải là tác phẩm dành cho số đông khán giả đại chúng. Tông phim khá trầm, và toàn tác phẩm được phủ bầu không khí căng thẳng từ đầu đến cuối.
Ngay cảnh mở đầu, khán giả có cơ hội chứng kiến màn tranh cãi nảy lửa của Quốc hội Anh, gợi mở ra những nguy cơ chết người mà xứ sở sương mù chuẩn bị phải đối mặt. Chúng tiếp tục thoắt ẩn thoắt hiện, dần bao trùm và khiến tác phẩm trở nên u tối, tuyệt vọng đúng như tựa đề.
Thêm vào đó, Darkest Hour chủ yếu xoay quanh giới chức chính phủ cùng các hoạt động chính trị, với nhiều sự kiện diễn ra liên tục, liên quan đến nhiều nhân vật, sự kiện khác có thật trong lịch sử.
Bộ phim gần như không giới thiệu hoàn cảnh, hay diễn giải cụ thể điều gì đang xảy ra, mà buộc khán giả phải tự tìm hiểu thông qua các màn đối thoại giữa nhân vật. Điều đó khiến Darkest Hour trở nên khô khan, khó nắm bắt với những ai không có kiến thức nền nhất định về nước Anh và châu Âu trong quãng thời gian lịch sử ấy.
Cùng với đó, tác phẩm thiếu vắng một số khoảnh khắc tạo cao trào cảm xúc. Điều này khiến tiết tấu bộ phim không có điểm nhấn lên xuống cần thiết. Mọi thứ cứ thế trôi qua đều đặn, đôi lúc có thể gây mệt mỏi cho người xem.
Nhiều dụng ý nghệ thuật tinh tế
Không kể đến phần kịch bản khô khan và bầu không khí u ám, Darkest Hour vẫn là một xuất phẩm chất lượng. Bộ phim tập trung duy nhất vào trăn trở “nên hòa hay nên đánh” của Churchill, chứ không kể lể sự kiện đời tư, tâm lý một cách lan man, dài dòng như nhiều tác phẩm tiểu sử khác.
Phần kỹ thuật của tác phẩm được thực hiện rất tốt. Bộ phim sở hữu nhiều khung hình đẹp, chuyển cảnh mượt mà. Nhà quay phim Bruno Delbonnel chủ yếu lựa chọn bối cảnh nội với không gian tù túng, tối tăm, nhằm khiến bầu không khí trở nên nặng nề. Đồng thời, ông sử dụng nhiều hiệu ứng ánh sáng, màu sắc, bố cục khá tinh tế, nhằm thể hiện ý đồ của từng cảnh phim.
Quay phim và ánh sáng trong phim chứa đựng nhiều dụng ý liên quan tới bối cảnh, nội dung tác phẩm. |
Trong những phòng họp kín hay cung điện u ám, ánh sáng mặt trời hiếm hoi hắt ra từ cửa sổ hoặc ánh đèn chỉ chiếu leo lét, không ngừng chớp tắt. Chi tiết nghệ thuật vừa thể hiện sự chán nản, vô vọng của con người và hoàn cảnh, vừa thể hiện tia hy vọng nhỏ bé, hiếm hoi giữa đêm trường tăm tối.
Hoặc trong cảnh phim khi lần đầu tiên Winston Churchill phát biểu trước toàn thể dân chúng qua sóng phát thanh, toàn bộ khung hình được bao bọc bởi ánh đèn tín hiệu đỏ gắt, tạo ra không gian vừa bức bối, vừa sục sôi cuồng nộ, giúp phản chiếu tâm lý nhân vật tại thời điểm đó.
Trong không ít cảnh quay chân dung các nhân vật, đặc biệt là Winston Churchill, họ như bị đóng khung, lúc thì qua ô trống trên cửa, lúc thì nằm gọn trong góc căn phòng nhỏ. Điều đó tạo ra cảm giác tù túng, giống như nhân vật đang bị giam cầm trong khung hình, hay chính là bị vây quanh bởi tình thế căng thẳng, bức bách.
Có thể nói, phần kỹ thuật hình ảnh của Darkest Hour đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng cảm xúc, hỗ trợ về mặt kể chuyện và giúp gia tăng giá trị cho tác phẩm.
Màn trình diễn xuất sắc của Gary Oldman
Từ lúc Darkest Hour công bố tạo hình Winston Churchill của Gary Oldman, khán giả đã cảm thấy choáng váng và tò mò bởi ngoại hình như “lột xác” của tài tử gạo cội nước Anh. Cộng thêm vô số giải thưởng điện ảnh dịp cuối năm, Oldman hiện được đánh giá là ứng cử viên số một cho giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Oscar 2018.
Khi theo dõi bộ phim, khán giả có thể nhận thấy những lần vinh danh dành cho Gary Oldman trong thời gian qua là hoàn toàn xứng đáng. Ông đã có màn trình diễn xuất sắc trong sự nghiệp. Cùng lớp mặt nạ hóa trang, Oldman như đem đến một Winston Churchil bằng xương bằng thịt, đầy sống động, với cử chỉ, thần thái, giọng nói rất sát nhân vật ngoài đời thực.
Theo dõi màn trình diễn trong phim của Gary Oldman, khán giả có thể thấy những giải thưởng điện ảnh trong thời gian qua dành cho ông là hoàn toàn xứng đáng. |
Winston Churchill của Gary Oldman chính là linh hồn của toàn bộ tác phẩm. Từ đầu tới cuối phim, khán giả dõi theo hành trình trở thành thủ tướng và điều hành đất nước của ông, đồng cảm với những vấn đề, áp lực đang đè nặng lên vai nhân vật.
Người xem cứ thế dõi theo từng hành động, đường đi nước bước mà ông đưa ra, cùng vui, cùng buồn, cùng căng thẳng, cùng phẫn nộ với những cảm xúc mà Churchill trải qua. Cũng như vai trò của Churchill với nước Anh ở “thời khắc đen tối, Gary Oldman đối với Darkest Hour thực sự bao trùm, mạnh mẽ và áp đảo. Một mình tài tử đã dẫn dắt cả tác phẩm, khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình cho tới phút chót.
Nhìn chung, Darkest Hour là một tác phẩm tiểu sử, tâm lý chính kịch chất lượng. Điểm nhấn lớn nhất của bộ phim chắc chắn là màn trình diễn xuất thần của Gary Oldman, giúp duy trì sự kịch tính cho tới phút chót. Song, phim vẫn thiếu đi một chút gì đó để trở nên khác biệt nếu so với các tác phẩm cùng thể loại.
Darkest Hour đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Giờ đen tối.