Tác phẩm chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Nhật Bản mang đến bầu không khí u ám bởi những trò chơi đẫm máu từ một thế lực bí ẩn.
Nhân vật chính của Alice in Borderland là Arisu (Kento Yamazaki) – một thanh niên thất nghiệp và ham mê trò chơi điện tử. Trong một lần bỏ nhà đi bụi, anh chàng cùng hai người bạn thân là Chota (Yuki Morinaga) và Keita (Keita Machida) bày trò nghịch ngợm rồi trốn vào phòng vệ sinh công cộng.
Lúc này, ánh đèn xung quanh họ bỗng vụt tắt. Khi trở ra ngoài, bộ ba nhận thấy toàn bộ dân cư Tokyo dường như đã biến mất, còn hệ thống điện cũng không còn hoạt động.
Sau một hồi tìm kiếm khắp nơi, Arisu cùng nhóm bạn vô tình tham gia vào một trò chơi chết người. Từ đây, họ phải liên tục chiến đấu để có thể tồn tại và tìm cách thoát khỏi vùng đất kỳ bí.
Nội dung “bình cũ, rượu mới”
Trên thực tế, Alice in Borderland là một tác phẩm điển hình thuộc dòng phim “battle royale” (chiến đấu sinh tồn) quen thuộc. Thể loại bắt đầu từ tiểu thuyết cùng tên ra mắt năm 1999 của Koushun Takami và dần được ưa chuộng trên toàn thế giới.
Dễ thấy nhất chính là loạt phim The Hunger Games ăn khách hoặc các tựa game đình đám như PlayerUnknown’s Battlegrounds (PUBG) hay Fornite. Ngoài ra, nội dung phim còn khiến người xem liên tưởng tới bộ truyện As the Gods Will khi các học sinh trung học trên khắp Nhật Bản buộc phải tham gia những trò chơi chết chóc.
Alice in Borderland thuộc dòng phim “battle royale” quen thuộc. |
Sở hữu ý tưởng không mới, nhưng Alice in Borderland vẫn có sự lôi cuốn nhất định nhờ hàng loạt bí ẩn xung quanh “vùng đất không lối thoát”. Nơi đây được ví như một quốc gia khi người mới đến phải “gia hạn visa” bằng cách tham gia các trò chơi sinh tử.
Nếu chiến thắng, họ sẽ được nhận thêm thời gian sống tương đương với con số trên tấm bài tây. Còn thua cuộc trong trò chơi cũng đồng nghĩa với cái chết. Nếu hết hạn visa, họ sẽ bị giết bởi một phát đạn từ trên trời giáng xuống. Song, nếu vùng đất này được xem như một đất nước, thì cư dân hay những kẻ lãnh đạo của nó là ai vẫn còn là ẩn số.
Thậm chí, chi tiết thu thập đủ những lá bài tây để thoát khỏi vùng đất không lối thoát do Hatter (Nobuaki Kaneko) tuyên bố dường như cũng chỉ là một trò lôi kéo không bằng cớ. Về những tập cuối, một số câu hỏi được giải đáp, nhưng đồng thời mở ra thêm nhiều biến số mới khó lường.
Sự kịch tính đến từ những trò chơi “xoắn não”
Xương sống của Alice in Borderland nằm ở những trò chơi thách thức toàn bộ giác quan của các nhân vật. Ở điểm này, phim tỏ ra sáng tạo hơn As the Gods Will và mang nhiều nét tương đồng với Escape Room (2019).
Hàng đêm, các trò chơi sẽ xuất hiện ngẫu nhiên tại nhiều địa điểm trong thành phố và được đại diện bởi một lá bài tây. Chất bài biểu hiện đặc tính riêng của mỗi trò như đánh vào thể lực, tâm lý hay yêu cầu tính đồng đội. Còn con số tượng trưng cho độ khó và tương đương số ngày visa mà người chiến thắng giành được.
Series đưa ra một số thay đổi về mặt nội dung so với nguyên tác truyện tranh. |
So với nguyên tác truyện tranh, bản phim chuyển thể có nhiều sự thay đổi để trở nên kịch tính hơn. Đơn cử như thay vì “bốc quẻ”, trò chơi đầu tiên mà Arisu và nhóm bạn phải đối mặt là lựa chọn giữa hai cánh cửa “sinh” – “tử” qua một loạt căn phòng liên tiếp mà không có bất cứ sự gợi ý nào.
Càng về sau, mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn khi chỉ trí tuệ và tình bạn là không đủ. Nhiều trò còn đánh lừa người chơi để họ phí sức và mạng sống một cách vô ích. Thậm chí, có thời điểm những người bạn thân buộc phải sát hại lẫn nhau để có thể sống sót.
Alice in Borderland tận dụng tốt bối cảnh rộng lớn nhưng tăm tối và vắng vẻ của những địa điểm quen thuộc như bệnh viện, chung cư, công viên… Mỗi góc khuất hay những dãy hành lang dài lại mang đến một bất ngờ mới. Phần âm thanh cùng nhạc nền ấn tượng giúp tạo ra những trường đoạn hồi hộp kéo dài xen lẫn jump-scare thỏa mãn.
Nhờ đó, loạt phim tạo ra bầu không khí chung ngột ngạt và tuyệt vọng. Các nhân vật luôn sống trong nỗi sợ hãi khi án tử treo trên đầu liên tục đếm ngược. Mỗi vết thương nhỏ đều trở thành chí mạng khi thời gian vài ngày là không đủ để bình phục cho thử thách tiếp theo. Việc họ tham gia những trò chơi chỉ để kéo dài thêm sự sống ít ỏi và níu giữ hy vọng mong manh được giải thoát khỏi cơn ác mộng.
Song, kỹ xảo phim lại là điểm trừ khi chưa được đầu tư đúng mức. Khán giả có thể dễ dàng nhận ra phần đồ họa vụng về qua hình ảnh động vật hoang dã hay các vụ nổ. Ngoài ra, nhiều trò chơi tỏ ra “nguy hiểm”, nhưng lại được giải quyết quá dễ dàng. Arisu đôi lúc tìm thấy đáp án nhờ là nhân vật chính mà không có lời giải thích cụ thể.
Sự biến chất của con người trong thế giới vô pháp
Giống như nhiều bộ phim cùng đề tài, Alice in Borderland bóc trần bản chất con người khi rơi vào lằn ranh sinh tử trong một thế giới không hề có luật pháp. Đó là nơi mà bạn bè thân thiết đến mấy cũng có thể quay ra sát hại, lừa lọc lẫn nhau chỉ để giữ mạng.
Có những người ngây thơ quyết hy sinh vì tình nghĩa, có kẻ mệt mỏi mà buông xuôi. Song, cũng có những kẻ chọn sống sót mà bất chấp mọi hậu quả hay chỉ đơn giản là sống thật với bản ngã và những ham muốn thấp hèn. Nhờ đó, Hatter – một tay xã hội đen có tài hùng biện – dễ dàng trở thành “ông trùm” của nơi đây.
Gã lập ra tổ chức Bãi Biển với những luật lệ buông thả cùng tình dục và ma túy nên thu hút được hàng trăm người theo chân chỉ nhằm để thoải mái thỏa mãn dục vọng. Cảm giác hạnh phúc giả tạo khiến họ tạm quên đi sự u tối của vùng đất không lối thoát và tình nguyện trở thành con tốt thí đi thu thập các lá bài.
Bản chất con người dần được bộc lộ qua các trò chơi sinh tử. |
Ngoài ra, Alice in Borderland còn xây dựng câu chuyện quá khứ và quá trình thay đổi tính cách rõ rệt cho nhiều nhân vật. Ngoài hình mẫu “cool ngầu” thường thấy như Usagi (Tao Tsuchiya), phim còn có những nhân vật “biến thái” như Nigari (Dori Sakurada) hay Mira (Riisa Naka).
Thế nhưng, ngay khi khán giả vừa trở nên đồng cảm, tác phẩm lập tức mang đến những cái chết bất ngờ đến ngỡ ngàng hệt như loạt Game of Thrones. Đây là những tình tiết có thể gây sốc cho những ai chưa từng đọc qua bộ truyện gốc.
Nhìn chung, Alice in Borderland là làn gió mới đối với dòng phim chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản khi phần nào làm tốt hơn nguyên tác. Tác phẩm là minh chứng cho việc những kịch bản quen thuộc vẫn có thể trở nên hấp dẫn nếu đội ngũ sản xuất biết thêm thắt gia vị một cách khéo léo.