Với nội dung mang đậm tính giải trí cùng phần kỹ xảo hoành tráng, “Aquaman” đã thắp lại hy vọng cho DCEU vốn đang cực kỳ rệu rã sau thất bại của “Justice League” (2017).
Thể loại: Hành động, giả tưởng
Đạo diễn: James Wan
Diễn viên lồng tiếng: Jason Momoa, Amber Heard, Nicole Kidman, Patrick Wilson, Willem Dafoe
Zing.vn đánh giá: 8/10
Aquaman là bộ phim duy nhất đến từ DCEU trong năm 2018. |
Chuyện phim Aquaman xoay quanh Arthur Curry (Jason Momoa) – đứa con mang hai dòng máu của con người trên mặt đất và tộc Atlantis dưới biển khơi.
Khi biết rằng mẹ mình là nữ hoàng Atlanna (Nicole Kidman) bị xử tử vì có con ngoài giá thú, anh thề sẽ không bao giờ trở về Atlantis.
Một năm sau các sự kiện trong Justice League, vua Orm (Patrick Wilson) bèn liên kết các vương quốc dưới biển để nuôi âm mưu tấn công mặt đất. Biết tin dữ, công chúa Mera (Amber Heard) bèn tìm đến Arthur để nhờ giúp đỡ.
Với sự trợ lực từ tể tướng Vulko (Willem Dafoe), cả hai bèn lên đường tìm chiếc đinh ba huyền thoại của vua Atlan (Graham McTavish). Tuy nhiên, chuyến hành trình không hề đơn giản khi Orm ra lệnh cho Black Manta (Yahya Abdul-Mateen II) truy sát người anh cùng mẹ khác cha của mình.
Kỹ xảo và hành động mãn nhãn
Với kinh phí lên tới 200 triệu USD, Aquaman mang đến những trải nghiệm hình ảnh mãn nhãn và choáng ngợp. Như Asgard của Thor (2011) hay Wakanda trong Black Panther (2018), bộ phim giới thiệu cho khán giả một thế giới dưới lòng đại dương đầy mê hoặc.
Không bị gói gọn trong diện tích của một quốc gia hay hòn đảo, Atlantis trải dài dưới đại dương rộng lớn với nhiều bộ tộc và nền văn hóa riêng biệt. Tạo hình của từng chủng tộc hay các loài thủy quái lạ mắt đều được chăm chút tới từng chi tiết.
Aquaman sở hữu phần hình ảnh, kỹ xảo cực kỳ vượt trội. |
Hệ thống “bảy biển” với hàng loạt tàn tích cổ đại khổng lồ hay những thành phố lộng lẫy và đầy màu sắc với lối kiến trúc đặc trưng giúp nâng tầm Aquaman về mặt hình ảnh, thậm chí giúp gợi nhớ tới siêu phẩm Avatar (2009) của James Cameron.
Tuy vẫn chọn tông màu lạnh truyền thống của DC, nhưng Aquaman có phần ánh sáng biến chuyển hợp lý, giúp khung hình thường xuyên trở nên tráng lệ.
Yếu tố hành động cũng là điểm cộng sáng giá của tác phẩm. Những pha cận chiến bằng đinh ba diễn ra với tốc độ cao và góc máy thay đổi liên tục – điều mà James Wan từng áp dụng cho Fast & Furious 7 (2015). Mỗi trận chiến đều được dàn dựng kỹ lưỡng, giúp thể hiện rõ uy lực và sự kịch tính trong từng cú ra đòn.
Đặc biệt, trường đoạn hải chiến cuối cùng giữa hai phe với quân số đông đảo cùng vô số loài quái thú đạt độ hoành tráng chẳng kém gì loạt phim sử thi The Lord of the Rings.
Các cảnh hành động trong phim diễn ra vô cùng hấp dẫn. |
Là đạo diễn chuyên trị phim kinh dị, James Wan tranh thủ lồng ghép không ít cảnh hù dọa, giúp tác phẩm thêm phần phong phú. Yếu tố âm nhạc được xử lý khéo léo, giúp tăng cảm xúc cho nhiều trường đoạn then chốt trong phim.
Cốt truyện giải trí, dễ đoán
Tuy sở hữu phần nhìn hoành tráng, nhưng nội dung của Aquaman chưa thực sự mang nhiều nét đột phá. Thay vì tập trung xây dựng quá trình trưởng thành trong tính cách của Aquaman, tác phẩm muốn nhấn mạnh vào hành trình truy tìm cây đinh ba trong huyền thoại của Atlantis.
Do đó, xuyên suốt thời lượng, Arthur Curry chẳng có mấy cơ hội để chứng tỏ bản thân, nhất là khi thử thách dành cho anh không quá khó khăn. Các tình tiết trong phim thường dễ đoán, đi theo mô-típ truyền thống của dòng siêu anh hùng.
Khi theo dõi Man of Steel (2013), người hâm mộ hoàn toàn hiểu được tại sao Clark Kent (Henry Cavill) vốn sở hữu sức mạnh hơn người, nhưng lại luôn bình tĩnh, khiêm tốn, và chẳng bao giờ hại ai.
Trong khi đó, dù đã cố lồng ghép nhiều mốc thời điểm khác nhau trong cuộc đời Aquaman, bộ phim của Wan chưa thể chỉ ra tính cách khác biệt của siêu anh hùng đại dương. Những chuyển biến tâm lý diễn ra một cách đơn giản, và mối tình giữa Arthur với Mera cũng chưa thực sự rõ nét.
Aquaman tập trung vào yếu tố giải trí nên phần nội dung còn khá dễ đoán. |
Dễ thấy cách tiếp cận Aquaman của James Wan mang đậm tính giải trí và rất phù hợp với số đông khán giả đại chúng. Tính nặng nề và đen tối truyền thống của DC gần như không tồn tại, nên nhà làm phim gốc Á có thể thoải mái lồng ghép nhiều tình huống hài hước hơn.
Diễn xuất mới ở mức tạm ổn
Thật trớ trêu khi vị cứu tinh DCEU lúc này lại là Aquaman còn ít tiếng tăm, chứ không phải Superman hay Batman (Ben Affleck). Khác với hình ảnh nghiêm túc thường thấy trong nguyên tác truyện tranh, Arthur Curry trên màn ảnh là nhân vật hào sảng, nhưng đồng thời không thiếu những giây phút bốc đồng, nông nổi.
Với tính cách khá giống với bản thân ngoài đời thực, Jason Momoa dễ dàng thể hiện rõ cá tính nhân vật và chiếm trọn cảm tình của người hâm mộ. Song, diễn xuất của tài tử ở những phân đoạn đòi hỏi sức nặng nội tâm là chưa thực sự tốt.
Nữ chính Amber Heard thực sự giúp khung hình bừng sáng với mỗi lần xuất hiện bởi ngoại hình nổi trội. Tuy nhiên, biểu cảm của cô ở nhiều phân đoạn khó cũng là chưa tốt.
Nữ hoàng Atlanna do Nicole Kidman thủ vai cũng rơi vào trường hợp tương tự. Song, lý do đến từ việc cơ mặt của thiên nga Australia đã bị “dao kéo” quá nhiều.
Dàn diễn viên Aquaman có ngoại hình sáng, nhưng không mang nhiều sức nặng diễn xuất. |
Tuyến phản diện Orm có nhiều tiềm năng, nhưng lại bị các nhà làm phim bỏ phí một cách đáng tiếc. Gã lấy lý do môi trường và sinh vật biển bị tàn phá để gây chiến, nhưng chủ đề này gần như bị bỏ rơi ở nửa sau tác phẩm.
Từ đây, Orm nhanh chóng biến thành mẫu ác nhân một chiều quen thuộc trong dòng phim siêu anh hùng. Ngoài ra, vai tể tướng Vulko của Willem Dafoe cũng còn nhạt nhòa, thiếu dấu ấn.
Nhìn chung, Aquaman đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của DC sau khi đã bị bỏ lại quá xa trong cuộc đua với Marvel. Dù vậy, hãng vẫn cần đưa ra thêm nhiều thay đổi tích cực hơn nữa để giúp DCEU có thể sớm sáng ngang MCU.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.