Bi Rain tỏa sáng trong câu chuyện xúc động về chiến tranh Triều Tiên

Tái xuất màn ảnh sau nửa thập kỷ vắng bóng, ông xã của Kim Tae-hee gây ấn tượng bằng màn trình diễn thuyết phục trong tác phẩm lịch sử kết hợp yếu tố thể thao “Um Bok Dong”.

Trailer bộ phim ‘Ông hoàng đường đua: Um Bok-dong’ Bộ phim lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật về tay đua xe đạp Um Bok-dong của Triều Tiên, với Bi Rain trong vai chính.

Thể loại: Thể thao, tâm lý, lịch sử
Đạo diễn: Kim Ryu-sung
Diễn viên chính: Bi Rain, Lee Beom-soo, Kang So-ra
Zing.vn đánh giá: 7/10

Bi Rain tỏa sáng trong câu chuyện xúc động về chiến tranh Triều Tiên
Bộ phim Race to Freedom: Um Bok-dong đánh dấu sự trở lại của Bi Rain trên màn ảnh rộng sau nhiều năm vắng bóng.

Race to Freedom: Um Bok-dong lấy bối cảnh những năm đầu thập niên 1910 khi bán đảo Triều Tiên còn nằm dưới ách đô hộ của đế quốc Nhật Bản. Um Bok-dong (Rain) là một chàng thanh niên trẻ tuổi hiền lành, chân chất, chuyên đi gánh nước đem bán để kiếm sống.

Xe đạp lúc này vẫn còn là loại phương tiện mới mẻ và đắt đỏ đối với người dân Triều Tiên. Bị mê hoặc bởi sự tiện lợi của thứ máy móc có thể giúp con người di chuyển nhanh hơn, xa hơn với ít sức lực hơn, Um Bok-dong quyết dành một số tiền lớn để mua cho mình một chiếc xe đạp phục vụ cho công việc.

Tiếc rằng, trong một lần sơ suất, chiếc xe quý hóa của anh “không cánh mà bay”. Cảm thấy tội lỗi vì đã làm mất đi khoản tiền lớn của gia đình, anh bèn bỏ nhà lên Seoul hoa lệ để kiếm sống.

Thời bấy giờ, giới Toàn quyền Nhật Bản thường xuyên tổ chức những giải đua xe đạp với sự tham dự của các vận động viên Triều Tiên lẫn Nhật Bản, với phần thắng liên tục được trao cho đại diện của đế quốc nhằm triệt tiêu tinh thần dân tộc của nước thuộc địa, cũng như củng cố thế lực cai trị về mặt văn hóa, xã hội.

Lúc này, ông chủ Hwang (Lee Beom-soo) – một nhà tư sản yêu nước – mang lý tưởng phải mang chiến thắng về cho Triều Tiên, từ đó giúp tăng cường tinh thần dân tộc và kích thích lòng yêu nước của người dân.

Nhờ vào khả năng lái xe trước kia, Um Bok-dong sớm lọt vào mắt xanh của ông chủ Hwang. Anh được đào tạo bài bản để trở thành vận động viên đua xe chuyên nghiệp, với mục tiêu giành lấy vinh quanh cho dân tộc trên đường đua.

Phim lịch sử / thể thao hấp dẫn, nhưng còn ôm đồm

Race to Freedom: Um Bok-dong thực chất là một tác phẩm bán tiểu sử khi lấy cảm hứng từ vận động viên xe đạp huyền thoại cùng tên có thật trong lịch sử Triều Tiên.

Tuy nhiên, khác với nhiều tác phẩm cùng thể loại thường tập trung vào tường thuật sự kiện và mang nặng tính tuyên truyền lịch sử, chính trị, tác phẩm mới của đạo diễn Kim Ryu-sung thiên về yếu tố thể thao, tâm lý, và muốn nhấn mạnh vào việc phát triển nhân vật.

Ngay từ những cảnh mở màn, bộ phim giới thiệu rõ cho khán giả mâu thuẫn chính của tác phẩm cũng như mục tiêu lớn nhất mà nhân vật hướng đến: những cuộc đua xe đạp với ước vọng chiến thắng mà người dân Triều Tiên mong đợi. Từ tiền đề trực diện và hấp dẫn đó, Race to Freedom: Um Bok-dong mới dần đi sâu vào hoàn cảnh lịch sử cùng câu chuyện của các nhân vật.

Bi Rain tỏa sáng trong câu chuyện xúc động về chiến tranh Triều Tiên
Ban đầu, câu chuyện trong phim đi theo mô-típ truyền thống, với nội dung hấp dẫn, dễ nắm bắt.

Sau đó, bộ phim tập trung vào giới thiệu nhân vật chính Um Bok-dong. Khán giả sẽ nhanh chóng nắm bắt được hoàn cảnh, xuất thân lẫn cá tính, tâm lý nhân vật chính tương đối đầy đủ thông qua phần miêu tả cuộc sống thường nhật tuy đơn giản nhưng hợp lý, thú vị, nhiều cảm xúc, chứ không bị đơn điệu, nhạt nhòa.

Những biến cố ban đầu diễn ra với gia đình nhân vật chính khiến cuộc sống của anh hoàn toàn đảo lộn. Câu chuyện diễn ra chân thực, không kịch tính quá đà hay giả tạo. Sau đó, người xem tiếp tục bị cuốn theo hành trình của anh trên con đường bén duyên với đường đua và hướng đến mục tiêu chiến thắng cuối cùng.

Nửa đầu của Race to Freedom: Um Bok-dong có cấu trúc và kịch bản đi theo đúng mô-típ của một bộ phim thể thao thông thường, với cấu trúc ba hồi truyền thống rõ ràng, liền mạch. Nhân vật chính rèn luyện, vấp ngã, rồi vượt qua chính mình để rồi cuối cùng bứt phá và giành lấy vinh quang.

Bên cạnh tuyến truyện chính xoay quanh Um Bok-dong và giải đua xe đạp, bộ phim còn mang đến tuyến truyện phụ diễn ra song song, nói về hoạt động của nhóm kháng chiến với tâm điểm là nhân vật Kim Hyung-shin (Kang So-ra). Mạch truyện diễn ra độc lập, không có tính kết nối nội dung cụ thể với mạch truyện chính, ngoại trừ mối liên kết mơ hồ giữa các nhân vật.

Tuy nhiên, trong nửa sau của tác phẩm, cảm nhận của khán giả càng thay đổi khi Race to Freedom: Um Bok-dong không còn là một tác phẩm thể thao, tâm lý đơn thuần. Bộ phim dần đi sâu nhấn mạnh hơn vào yếu tố lịch sử khi lồng ghép tính chính trị và tư tưởng ái quốc rõ nét. Lúc này, cả hai tuyến truyện mới hợp làm một.

Bi Rain tỏa sáng trong câu chuyện xúc động về chiến tranh Triều Tiên
Nửa sau của bộ phim bỗng nhiên bị mở rộng một cách thiếu hợp lý.

Sau nửa đầu tương đối trọn vẹn, Race to Freedom: Um Bok-dong bất ngờ mở ra thêm sự kiện, nhân vật và mục tiêu mới một cách quá đà. Hậu quả là mạch phim bị gãy và trở nên lạc điệu. Sự biến chuyển khiến cho tác phẩm trở nên ôm đồm thái quá, vượt ra ngoài mục tiêu và lý tưởng rõ ràng ban đầu.

Các sự kiện và mục tiêu mới mang đậm mục đích tuyên truyền lòng yêu nước một cách lộ liễu, có phần cực đoan và mang nặng tính sắp đặt, chứ không được đầu tư phát triển đầy đủ từ ban đầu. Điều đó khiến bộ phim bỗng chốc trở nên lộn xộn về thể loại, thừa thãi về sự kiện, nhân vật, nhưng chẳng có gì được tập trung đào sâu đến cùng.

Phần nội dung lịch sử / chính trị với mục tiêu đề cao tinh thần ái quốc chưa đủ sâu sắc, trong khi mảng miếng tinh thần thể thao lại thiếu chuyên môn, điểm nhấn để truyền cảm hứng. Nhân vật chính cứ thế lao vào cuộc đua và giành lấy vinh quang một cách dễ dàng và thiếu thuyết phục.

Thử thách lớn nhất được giới thiệu từ đầu phim được xử lý dễ dàng và nhanh chóng, nên tác phẩm đành phải nhanh chóng vẽ ra một thử thách mới kiểu “từ trên trời rơi xuống”. Nó diễn ra rất sơ sài, nông cạn, quá dễ đoán và dễ khiến khán giả cảm thấy hụt hẫng với đoạn kết mang đậm tính tuyên truyền của phim.

Bi Rain tỏa sáng bên cạnh dàn diễn viên chất lượng

Điểm nhấn lớn nhất của Race to Freedom: Um Bok-dong là màn trình diễn chất lượng đến từ dàn diễn viên thực lực. Các nhân vật trong phim đều hiện lên sinh động, chân thực, và hợp vai từ ngoại hình đến nét diễn xuất.

Nhân vật chính Um Bok-dong của Bi Rain được ưu tiên thời lượng lớn nhất để thể hiện khả năng diễn xuất tâm lý lẫn hành động. Trở lại màn ảnh rộng sau nửa thập kỷ vắng bóng, ông xã Kim Tae-hee đem đến cho khán giả màn trình diễn thuyết phục, tạo ấn tượng tốt.

Nét diễn mộc mạc, chân phương của Rain giúp anh thể hiện tốt hình tượng nhân vật hiền lành, chân chất, với tư duy về chiến thắng rất đơn thuần, trong sáng. Ngoại hình của anh cũng phù hợp với bản thân nhân vật, từ gương mặt cho đến hình thể lý tưởng của một vận động viên thể thao.

Bi Rain tỏa sáng trong câu chuyện xúc động về chiến tranh Triều Tiên
Bi Rain tỏ ra rất hợp vai Um Bok-dong và thêm một lần nữa cho thấy khả năng diễn xuất của anh.

Một nhân vật khác cũng được ưu ái nhiều đất diễn là nhà tư sản ái quốc Hwang Jae-ho do nam diễn viên Lee Beom-Soo thể hiện. Nhân vật của ông được xây dựng tốt về lý tưởng và chiều sâu tâm lý, qua đó trở thành hình tượng nhân vật tiền bối có vai trò truyền cảm và định hướng tương đối hợp lý.

Trong dàn diễn viên phụ, một vài nhân vật có vai trò quan trọng, nhưng chỉ được xây dựng sơ sài và vội vàng như nhân vật viên đại tá Nhật Bản Katzura (Jung Suk-won). Trong khi đó, một cái tên khác lại được xây dựng thừa thãi, không đóng góp vai trò gì cụ thể đối với cốt truyện, như nhân vật người em trai của Um Bok-dong…

Tiếc là dù sở hữu dàn diễn viên chất lượng và có thực lực, Race to Freedom: Um Bok-dong lại chưa khai thác hết tiềm năng thông qua việc xây dựng nhân vật còn hạn chế. Bản thân nhân vật chính có động cơ, lý tưởng còn khá đơn thuần và mơ hồ, hầu như không có sự phát triển đáng kể từ đầu đến cuối bộ phim.

Tuyến nhân vật phản diện của bộ phim ban đầu tỏ ra ấn tượng với vai trò tìm diệt người kháng chiến rất tàn bạo. Nhưng càng về cuối, chúng càng tỏ ra mờ nhạt, thiếu quyết đoán trong hành động.

Bi Rain tỏa sáng trong câu chuyện xúc động về chiến tranh Triều Tiên
Chất lượng kỹ thuật của bộ phim dừng lại ở mức khá khi vẫn còn để lộ một vài điểm yếu.

Chất lượng sản xuất kỹ thuật của bộ phim được thực hiện ở mức khá. Bối cảnh Triều Tiên những năm đầu thế kỷ XX được phục dựng trên phim trường và bằng kỹ xảo vi tính đạt mức chấp nhận được. Song, một số đại cảnh để lộ phần kỹ xảo còn thô, chưa đủ mượt mà.

Các phân cảnh hành động tuy không dài nhưng được thực hiện chỉn chu và bạo lực, ác liệt, qua đó giúp tăng tính giải trí cho tác phẩm. Tiếc là ở những trường đoạn bên trong trường đua, phần kỹ thuật quay và dựng phim còn hạn chế nên tác phẩm chưa thể thể hiện rõ nét bầu không khí kịch tính của những vòng đua tốc độ cao, mang tính ganh đua lớn. 

Nhìn chung, Race to Freedom: Um Bok-dong là tác phẩm đánh dấu sự trở lại trên màn ảnh rộng sau nửa thập kỷ vắng bóng của tài tử Bi Rain. Tuy còn những hạn chế về mặt nội dung và tiết tấu, nhưng đây vẫn là bộ phim lịch sử / chính trị kết hợp yếu tố thể thao tương đối dễ xem và có tính giải trí cao.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc dưới tựa Ông hoàng đường đua: Um Bok-dong.

Khánh Hưng

Ảnh: Celltrion Entertainment

review phim Ông hoàng đường đua

Race to Freedom: Um Bok-dong

Bi Rain

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *