Phần cuối của bộ ba “Heaven Feel” là những màn giao chiến hoành tráng, cùng cái kết tương đối trọn vẹn. Song, kịch bản phim còn vội vàng, với nhiều chi tiết chưa rõ ràng.
Fate/stay night nguyên gốc là trò chơi thể loại tiểu thuyết hình ảnh tương tác (visual novel) do hãng TYPE-MOON phát hành năm 2004. Nội dung chính trò chơi xoay quanh cuộc chiến giữa các Chủ nhân – những con người bình thường sở hữu năng lượng pháp thuật.
Nhờ Anh linh – những nhân vật lịch sử lừng danh trong quá khứ được triệu hồi thông qua phép thuật để phục vụ Chủ nhân, tất cả nhắm đến Chén Thánh – báu vật huyền thoại tương truyền có thể hoàn thành bất cứ điều ước nào của người chiến thắng.
Xuyên suốt nội dung trò chơi, mạch truyện phát triển và thay đổi thông qua các lựa chọn của người chơi, từ đó rẽ nhánh thành ba nội dung chính là Fate, Unlimited Blade Works và Heaven’s Feel. Mỗi nhánh nội dung lại mở ra các diễn biến và dẫn đến nhiều kết cục khác nhau cho câu chuyện.
Hai nhánh Fate và Unlimited Blade Works của Fate/stay night từng được chuyển thể thành anime dài tập năm 2006 và 2014. Riêng Heaven’s Feel được ufotable – xưởng phim từng thực hiện bản chuyển thể cho Unlimited Blade Works – phóng tác thành bộ ba phim (trilogy) điện ảnh chiếu rạp, thay vì anime dài tập.
Hai phần đầu tiên của Fate/stay night: Heaven’s Feel là presage flower và lost butterfly lần lượt ra mắt khán giả vào các năm 2017 và 2019. Cả hai đều được đánh giá cao và gặt hái thành tích phòng vé khả quan. Năm nay, phần cuối cùng mang tên spring song chính thức ra mắt khán giả.
Hồi kết trọn vẹn nhưng còn vội vàng
spring song diễn ra nối tiếp ngay sau các sự kiện của phần trước lost butterfly, không có bất cứ sự giới thiệu nào nhằm gợi nhắc quá khứ. Để có thể theo dõi và thưởng thức tác phẩm, khán giả buộc phải theo dõi đầy đủ hai phần trước để nắm bắt bối cảnh, hệ thống nhân vật, lẫn các diễn biến chính.
Do đó, Fate/stay night: Heaven’s Feel III. spring song về cơ bản không phải là bộ phim dành cho khán giả đại chúng chưa từng biết đến Fate, hoặc có biết đến nhưng chưa từng xem hai phần phim trước, hoặc chưa biết trước nội dung của nhánh Heaven’s Feel.
Còn với đối tượng chính của bộ phim – người hâm mộ của dòng Fate nói riêng và các khán giả đang theo dõi loạt phim nói chung, spring song là hồi kết được xây dựng tương đối trọn vẹn và hợp lý. Trong phần trước lost butterfly, danh tính của vai phản diện chính đã được hé lộ, đưa loạt phim theo hướng đi mới với một mục tiêu chung duy nhất.
Khán giả buộc phải theo dõi hai tập trước mới hiểu được diễn biến của spring song. |
Toàn bộ phần kết spring song là trận chiến cuối cùng của các nhân vật nhằm đánh bại thế lực phản diện nhằm kết thúc cuộc chiến Chén Thánh đầy bi kịch. Nhờ đó, tổng thể cấu trúc bộ phim diễn ra mạch lạc, với tiết tấu khẩn trương hơn hẳn hai phần đầu, nhất là khi không phải mất thời lượng để giới thiệu, xây dựng mối quan hệ giữa các nhân vật nữa.
Mối quan hệ giữa các nhân vật lúc này đã được làm rõ. Nhờ đó, các nhân vật chính được ưu tiên phát triển tốt hơn, giúp tất cả trở nên ấn tượng và đáng nhớ hơn bên cạnh các pha hành động hào nhoáng bên ngoài. Quan hệ tình cảm giữa Emiya Shirou (Noriaki Sugiyama) và Matou Sakura (Noriko Shitaya) tiếp tục là điểm tựa vững chắc để Emiya có động lực mạnh mẽ trong cuộc chiến vì những người thân yêu.
Nữ thứ chính Tohsaka Rin (Kana Ueda) và nữ phụ Rider (Yuu Asakawa) giờ đây cũng khiến khán giả đồng cảm hơn với mục tiêu hành động cụ thể. Nhờ đó, người xem có thể tập trung dõi theo hành trình của các nhân vật một cách nhập tâm.
Tuy nhiên, tập trung vào yếu tố hành động, gần như không mở rộng thêm về mặt cốt truyện, Fate/stay night: Heaven’s Feel III. spring song vẫn còn đôi chỗ tạo cảm giác vội vàng, chưa thỏa mãn – đặc biệt là với những người chỉ biết đến loạt phim từ hai phần trước.
Bộ phim đem đến câu chuyện giới thiệu về nguồn gốc sự tà ác bên trong Chén Thánh, cũng như hồi ức về những ngày đầu khi ba gia tộc pháp sư Tohsaka, Matou và Einzbern liên minh để triệu hồi nên thứ thánh tích tối thượng nhằm đem đến hòa bình cho thế giới. Song, những chi tiết này không đóng góp nhiều giá trị cho nội dung tổng thể, có cũng được, mà không có cũng chẳng gây ảnh hưởng đến mạch truyện chính đang diễn ra.
Trong khi đó, hàng loạt nhân vật, sự kiện từng xuất hiện trong các phần trước chỉ được nhắc đến qua loa, vội vàng và không được làm rõ hơn. Đơn cử như câu chuyện về nhà Matou cùng bi kịch của nữ chính Matou Sakura, tuy được hé lộ không ít nhưng rốt cuộc cũng chỉ được làm rõ một phần, chưa thực sự khiến người xem cảm động.
Cái kết dành cho loạt phim trọn vẹn, nhưng còn tỏ ra vội vàng ở nhiều điểm. |
Các nhân vật Anh linh hay Chủ nhân phụ có màn diễn chớp nhoáng trước đó như Lancer, Caster, Gilgamesh cũng chẳng có cơ hội được nhắc lại, chỉ xuất hiện rồi biến mất theo đúng kịch bản mà không có vai trò, ấn tượng gì cụ thể. Tổng thể cuộc chiến Chén Thánh trong phim dù trải qua ba phần có thời lượng không ít, nhưng lại chưa có sự giới thiệu thấu đáo đến khán giả chưa từng biết đến loạt Fate trước đó.
Một số nhân vật phụ như mục sư Kotomine Kirei (Joji Nakata) bỗng nhiên được nâng tầm với vai trò quan trọng mà không có sự phát triển, chuyển biến thuyết phục. Điều này có thể hiểu được khi đội ngũ sản xuất phải cố gắng chuyển thể cả bộ tiểu thuyết hình ảnh có cốt truyện dài hơi, phức tạp thành loạt ba phim điện ảnh có thời lượng giới hạn.
Chất lượng sản xuất ấn tượng
Fate/stay night: Heaven’s Feel III. spring song tiếp tục duy trì chất lượng kỹ thuật ấn tượng giống như hai phần trước, kế thừa đặc trưng của các tác phẩm đến từ xưởng phim ufotable.
Phần hình ảnh sở hữu tông màu trầm đặc trưng, nhưng không u ám, đơn điệu, mà vẫn rực rỡ, đa sắc thái. Tạo hình nhân vật cân đối, cử động linh hoạt, sinh động, với phần lồng tiếng chất lượng, truyền cảm và tạo dấu ấn riêng cho từng nhân vật.
Mảng hành động được đầu tư thực hiện hơn hẳn hai phần trước với các trường đoạn hoành tráng, mãn nhãn diễn ra xuyên suốt từ đầu đến cuối. Hiệu ứng hình ảnh – âm thanh ấn tượng, thể hiện rõ nét năng lực siêu phàm của các Anh linh trên chiến trường.
Các yếu tố kỹ thuật trong phim được thực hiện rất tốt. |
Trong đó, tâm điểm là trận chiến giữa Rider và Saber tà ác (Ayako Kawasumi). Kết hợp với phần âm nhạc đa dạng về thể loại do nhà soạn nhạc quen thuộc Yuki Kajiura thực hiện, Fate/stay night: Heaven’s Feel III. spring song là bữa tiệc với trải nghiệm nghe-nhìn mỹ mãn, đảm bảo duy trì sự hấp dẫn cho tác phẩm từ đầu đến cuối.
Hoành tráng, mãn nhãn nhưng còn đôi chút vội vàng, Fate/stay night: Heaven’s Feel III. spring song là cái kết tương đối trọn vẹn cho loạt phim dựa trên nhánh Heaven’s Feel của dòng Fate lừng danh.
Có lẽ khán giả đại chúng sẽ còn cảm thấy chưa thực sự thỏa mãn và buộc phải tìm hiểu thêm về cả Heaven’s Feel lẫn Fate để thực sự nắm rõ những gì đã diễn ra trong phim. Song, đây vẫn là một bản chuyển thể chất lượng, làm thỏa lòng mong mỏi của người hâm mộ nguyên tác.