‘Giả kim thuật sư’: Hành động đẹp mắt, nhưng chỉ có vậy!

Bản phim live-action (người đóng) của ‘Fullmetal Alchemist’ sở hữu mảng hành động đẹp mắt, đặc sắc. Nhưng tác phẩm khó có thể làm hài lòng số đông khi thiếu chiều sâu về cảm xúc.

Trailer bộ phim ‘Giả kim thuật sư’ Phiên bản live-action của loạt truyện tranh nổi tiếng “Fullmetal Alchemist” và do chính người Nhật thực hiện.

Thể loại: Giả tưởng, hành động
Đạo diễn: Fumihiko Sori
Diễn viên chính:
Ryosuke Yamada, Tsubasa Honda, Dean Fujioka, Atomu Mizuishi
Zing.vn đánh giá: 7/10

review phim Gia thuat kim su anh 1
Fullmetal Alchemist là phiên bản live-action của bộ manga cùng tên. Phim ra mắt tại Nhật Bản hồi tháng 12, và nay có mặt trên kênh Netflix.

Fullmetal Alchemist (tựa Việt: Giả kim thuật sư) là bộ truyện tranh hành động – khoa học viễn tưởng của nữ tác giả Arakawa Hiromu, xuất bản lần đầu trên tạp chí thiếu niên Gangan của tập đoàn Square Enix.

Với cốt truyện độc đáo xoay quanh cuộc chiến giữa những nhà giả kim và người nhân tạo, tác phẩm nhanh chóng trở thành đầu truyện thu hút hàng đầu Nhật Bản, và tới nay đã bán ra hơn 67 triệu bản trên toàn cầu.

Việc Fullmetal Alchemist được cộng đồng otaku (người đam mê truyện tranh) cực kỳ yêu mến là lý do tác phẩm có hai lần bước chân lên màn ảnh nhỏ dưới định dạng hoạt hình dài tập vào các năm 2005 và 2011.

Năm 2017, fan của Fullmetal Alchemist tại Nhật Bản tiếp tục có cơ hội thưởng thức phiên bản người đóng của bộ truyện, với sự góp mặt của nhiều gương mặt trẻ trung, tài năng như Ryosuke Yamada, Tsubasa Honda, Dean Fujioka… Còn khán giả quốc tế đến nay mới có thể thưởng thức tác phẩm chuyển thể trên kênh truyền hình trực tuyến Netflix.

Nỗ lực trung thành với nguyên tác

Trong thế giới của Fullmetal Alchemist, giả kim thuật là bộ môn khoa học kỳ ảo, hoạt động dựa trên thuyết “trao đổi đồng giá”. Sau khi luyện tập thành thục, một nhà giả kim có thể sở hữu nhiều khả năng không tưởng, như điều khiển nguyên tố, hay thay đổi vật chất thành hình thù theo ý muốn. Song, thuật giả kim bị nghiêm cấm áp dụng lên con người, nhằm tránh những tai nạn thảm khốc có thể xảy ra.

Cách đây nhiều năm, hai anh em Edward và Alphonse Elric lớn lên trong vòng tay ấm áp của mẹ, sau khi người cha vì nghiên cứu thuật giả kim mà bỏ đi biệt xứ. Nhưng do bạo bệnh, người mẹ cũng sớm qua đời.

review phim Gia thuat kim su anh 2
Trong thế giới của bộ phim, “thuật giả kim” được áp dụng vào đời sống, chứ không còn là “phép màu hoang đường”
.

Vì quá nhớ thương mẹ, Eric và Alphonse đã liều lĩnh dùng thuật giả kim với mong muốn hồi sinh đấng sinh thành. Song, cấm thuật đã nghiệt ngã cướp đi một phần thân thể của Edward. Còn Alphonse nay chỉ còn là một linh hồn, buộc phải tồn tại bên trong một bộ giáp sắt trống rỗng.

Đến giờ, cả hai anh em Edward (Ryosuke Yamada) và Alphonse Elric (Atomu Mizuishi) đều đã trở thành những nhà giả kim nổi tiếng của chính quyền. Riêng Edward còn mang biệt danh “Cang giả kim thuật” do sở hữu tay phải và chân trái bằng kim loại để thay thế cho phần cơ thể bị mất. Cùng nhau, họ quyết tâm tìm kiếm “Hòn đá của nhà Hiền triết” – một cổ vật được đồn đại là cội nguồn của giả kim thuật.

Nếu nắm trong tay hòn đá thần, cơ thể Alphonse có thể trở lại như cũ. Nhưng trên chuyến hành trình đầy chông gai, hai anh em nhà Elric phải đối mặt với các Homunculus – đám người nhân tạo mang dã tâm ám muội.

Một thế mạnh của phim chuyển thể từ manga do người Nhật tự thực hiện nếu so sánh với những tác phẩm cùng thể loại của Hollywood chính là độ trung thành cao so với nguyên tác.

Tín đồ truyện tranh từng phải chứng kiến nhiều “thảm họa chuyển thể” từ người Mỹ như Dragonball Evolution (2009) hay Netflix’s Death Note (2017) khi chất liệu ban đầu bị biến tấu quá đà.

review phim Gia thuat kim su anh 3
Các nhân vật có tạo hình sát với nguyên tác

Lợi thế ấy tiếp tục phát huy ở Fullmetal Alchemist. Ngay từ trailer đầu tiên, fan của bộ truyện đã cảm thấy phấn khích khi các nhân vật mà mình yêu thích có tạo hình chuẩn xác, như thể vừa bước ra từ khung truyện tranh.

Đồng thời, tác phẩm cũng rất biết cách chiều fan khi hàng loạt tình tiết quan trọng trong truyện, câu cửa miệng đặc trưng của mỗi nhân vật, cũng như phong cách gây cười đều gần như được truyền tải trọn vẹn trên màn ảnh.

Lợi thế từ đạo diễn giàu kinh nghiệm

Trước Fullmetal Alchemist, đạo diễn Fumihiko Sori từng là người cầm trịch một số dự án khác cũng chuyển thể từ manga như Ping Pong (2002) hay Ashita no Joe (2011).

Thế mạnh hành động lại được ông phát huy ở Giả kim thuật sư với nhiều trường đoạn dồn dập, nghẹt thở, đẹp mắt. Nếu chỉ xét riêng phần nhìn, Fullmetal Alchemist chắc chắn không làm phụ lòng người hâm mộ.

review phim Gia thuat kim su anh 4
Phần hình ảnh và hành động trong phim thực sự ấn tượng.

Bên cạnh những màn võ thuật cận chiến, cũng như các chiêu thức “giả kim thuật” bắt mắt, điểm mạnh hình ảnh còn đến từ đội ngũ thiết kế. Họ rất thành công trong việc đưa nhân vật Alphonse lên màn ảnh rộng.

Bộ giáp sắt – nơi linh hồn của cậu em nhà Elric trú ngụ – có tạo hình không khác biệt là bao so với nguyên tác, đồng thời toát lên nét chân thực, sắc nét của kim loại, dù tất cả thực ra là sản phẩm của đồ họa vi tính.

Điểm yếu về mặt cảm xúc

Đạo diễn Sori cũng là người trực tiếp chọn lựa dàn diễn viên. Trong đó, việc ông chọn Ryosuke Yamada vào vai Edward Elric từng vấp phải nhiều phản hồi trái chiếu từ cộng đồng mê phim Nhật Bản.

Tài tử hay bị chê là có nét mặt khô cứng, và chủ yếu được nhớ tới với tư cách là thành viên nhóm nhạc idol Hey! Say! JUMP, chứ không phải là diễn viên thực thụ. Nỗi lo lắng rốt cuộc trở thành sự thật ở một vài phân đoạn khi Yamada bị “sượng”, tỏ ra thiếu tập trung. Dẫu sao, màn trình diễn của tài tử cũng không đến mức thảm họa.

Ban đầu, khi theo dõi Fullmetal Alchemist, những người chưa theo dõi nguyên tác truyện tranh có thể không quen với bối cảnh châu Âu giống như nguyên tác, trong khi toàn bộ dàn diễn viên – thậm chí của diễn viên quần chúng – đều là người Nhật Bản. Đây thực tế không phải là điều hiếm trong làng điện ảnh xứ phù tang.

Ít ra, lựa chọn của Fumihiko Sori cũng làm fan của truyện tranh thỏa lòng. Bởi ở phiên bản live-action của Attack on Titan, một số nhân vật còn bị đổi tên sang tiếng Nhật.

review phim Gia thuat kim su anh 5
Một số phân đoạn cần cảm xúc của bộ phim được thực hiện không tốt.

Một điểm yếu dễ thấy của Fullmetal Alchemist là việc tác phẩm thiếu hụt những phân đoạn gây xúc động. Đây thực tế là hạn chế chung của nhiều phim người đóng dựa trên manga trong thời gian qua. Việc ôm đồm quá nhiều tình tiết của nguyên tác khiến mạch phim thiếu đi các khoảng lặng cần thiết.

Một số cảnh từng cướp đi biết bao nước mắt của fan của loạt manga và anime như khi anh em nhà Elric phát hiện ra sự thật về con chimera biết nói tiếng người ở nhà Shou Tucker, hay khoảnh khắc cảm động của sĩ quan Maes Hughes, nay trở nên nhạt nhòa, qua loa.

Những bài học về sự đổ vỡ, mất mát, sự trưởng thành, tình anh em, cũng như giá trị cuộc sống… gần như không được khắc họa trong phiên bản live-action, khiến tác phẩm trở nên thiếu hụt chiều sâu.

Nhìn chung, Fullmetal Alchemist sở hữu rất nhiều điểm mạnh đối với fan của thương hiệu truyện tranh đình đám. Song, với lớp khán giả phổ thông, đặc biệt là tín đồ của bộ môn điện ảnh, họ có quyền mong chờ một cốt truyện đa chiều, sâu sắc hơn nữa.

Cái kết mở báo hiệu rằng hành trình của anh em nhà Elric trên màn ảnh rộng vẫn chưa kết thúc. Còn đó nhiều bí ẩn và kẻ thù đáng sợ để họ khai phá, đối mặt. Tuy nhiên, mọi chuyện lúc này phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của hãng Warner Bros.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *