Việc bứt phá, tạo ra những sản phẩm không giới hạn trong ràng buộc cũ kỹ vừa là thời cơ, vừa là thách thức với những cá thể đang “lột xác” như “Tết ở làng Địa Ngục” và “Kẻ ăn hồn”.
Với thời lượng 12 tập, Tết ở làng Địa Ngục là series truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cây bút Thảo Trang. Phim mở ra những câu chuyện kì dị ở làng Địa ngục, nơi hậu duệ một băng cướp khét tiếng năm xưa trú ngụ.
Một ngày kia, ông Thập trưởng làng (Quang Tuấn thủ vai) gặp điềm báo, lại được tiết lộ rằng người dân nơi đây sắp gặp đại họa. Cũng từ đó, những vụ án kỳ lạ liên tiếp diễn ra, cuốn người xem vào hành trình khám phá sự thật ẩn giấu từ lâu.
Phim kinh dị Việt có thật sự “lột xác”?
Được cầm trịch bởi đạo diễn Trần Hữu Tấn, series Tết ở làng Địa Ngục trước khi ra mắt đã nhận được sự chú ý không nhỏ của khán giả. Dự án tập trung khai thác yếu tố kinh dị nhưng in đậm sắc văn hóa dân gian Việt Nam.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà thi thoảng mới xuất hiện một phim kinh dị nội địa khiến khán giả lưu tâm đến vậy. Trước đó, phim điện ảnh Chuyện ma gần nhà cũng tạo được hiệu ứng tương tự, xa hơn nữa là Bắc Kim Thang, Mười hay Lời nguyền huyết ngải…
Khó phủ nhận, Tết ở làng Địa Ngục kích thích trí tò mò hơn nhờ cái mác “phim kinh dị cổ trang đầu tiên của Việt Nam”. Bên cạnh đó là dàn cast đa dạng, với nhiều thế hệ nghệ sĩ thực lực có, truyền thông cũng có.
Thế nhưng, rõ ràng phim đã làm tốt hơn hẳn một số mảng mà nhiều dự án trước đó “làm chưa tới”.
Với Tết ở làng Địa Ngục, điểm thu hút nhất của tác phẩm nằm ở mảng hình ảnh, với bối cảnh đúng chất sơn cùng thủy tận, rừng thiêng nước độc, gợi nên cảm giác kinh dị thực thụ. Xem phim kinh dị phải cảm thấy sợ, cao cấp hơn nữa là cảm giác ám ảnh. Một điều tưởng chừng giản đơn và hiển nhiên như vậy, nhưng thực tế, số phim kinh dị Việt đáp ứng tiêu chí này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng bởi vậy mà không ít khán giả thấy lưỡng lự và hoài nghi mỗi khi nghe tới phim kinh dị Việt Nam.
Tết ở làng Địa Ngục gây ấn tượng với phần phục trang. |
Hiểu được điều ấy, nam đạo diễn họ Trần hiển nhiên biết cách đánh vào nỗi sợ nguyên thủy và bản năng nhất của khán giả – sợ những thứ ma mị kỳ bí và rộng hơn là cái chết. Phim tận dụng đủ những chất liệu kinh dị cơ bản, từ bí ẩn tâm linh cho đến các pha giết chóc, máu me. Chưa kể, phần phục trang tạo hình tuy chưa quá xuất sắc nhưng vẫn ấn tượng, khiến không ít khán giả phải bàn luận.
Là một dự án chuyển thể, việc mang câu chuyện, nhân vật lên màn ảnh thỏa mãn phần nào trí tưởng tượng của người xem đã là thành công không thể chối cãi. Cũng bởi vậy mà ngay khi lên sóng, Tết ở làng Địa Ngục được nhận xét “lột xác” so với mặt bằng phim kinh dị Việt Nam. Phim nhanh chóng dẫn đầu bảng “hot pick” trên kênh K+ và cả nền tảng Netflix khu vực nội địa.
Có sức hút nhưng chưa đủ hay
Tết ở làng Địa Ngục đúng là có sức hút, nhưng mặt khác vẫn chưa thể chạm tới cái mác “phim hay”. Sở dĩ nói như vậy vì dễ dàng tìm thấy cả tá lỗ hổng xuyên suốt thời lượng phim.
Số tập phát sóng càng nhiều, những phản hồi bình luận trái chiều về phim cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Đỉnh điểm là trong tập cuối, nhiều người cảm thấy bất mãn vì cái kết “đầu voi đuôi chuột” mà ê-kíp xây dựng.
Vẫn là câu chuyện muôn thuở với phim Việt – khuyết điểm lớn nhất nằm ở kịch bản. Xương sống của tác phẩm điện ảnh, vốn là thứ rất đáng được quan tâm, lại chưa được xây đắp cẩn thận. Vì lẽ đó, nội dung lỏng lẻo, nhiều sạn, tạo cảm giác thiếu chỉn chu, chuyên nghiệp. Cá biệt, việc cán mỏng tình tiết kéo dài suốt nhiều tập và xử lý dồn dập những tồn đọng trong tập cuối cùng càng khiến phim kém logic hơn.
Chuyện phim nhiều phen ôm đồm, tình tiết còn rề rà, lê thê. |
“Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí”. Việc bày biện quá nhiều chất liệu mà chưa xào nấu chúng hợp tình hợp lý khiến thực đơn Tết ở làng Địa Ngục mất đi phần nào tính thuyết phục, chiều chuộng khẩu vị người xem. Điều mà phim còn thiếu, bên cạnh một kịch bản chỉn chu, có lẽ là sự biến tấu trong khai thác văn hóa kinh dị – thứ dung môi giúp cảm xúc người xem thăng hoa. Bởi theo cố đạo diễn vĩ đại Wes Craven, kinh dị không tạo ra cảm giác sợ hãi mà giải phóng nó.
Món ăn độc đáo này, nếu được phục vụ đúng cách, trong khoảnh khắc nào đó có thể khuấy động những xúc cảm tiềm thức trong khán giả, tạo ra cảm giác kích thích, tò mò – thứ cực kỳ cần có cho một trải nghiệm xem phim.
Cơ hội cho bản điện ảnh
Trưa 1/12, trailer Kẻ ăn hồn – bản điện ảnh tiền truyện của Tết ở làng Địa Ngục chính thức được phía nhà sản xuất tung ra. Đây là một trong 4 dự án phim nội địa ra rạp trong tháng cuối năm. Kẻ ăn hồn ấn định lịch khởi chiếu vào 8/12, cùng ngày với Người mặt trời (Timothy Linh Bùi đạo diễn). Cả hai đều thuộc thể loại kinh dị, nhưng Người mặt trời có pha trộn thêm yếu tố tâm lý, hành động. Cả hai dự kiến tạo ra thế song đấu, chiếm lĩnh rạp Việt nửa đầu tháng 12, trước khi bom tấn Aquaman 2 đổ bộ.
Kẻ ăn hồn mở ra với nhân vật Thập Nương – người đàn bà sống sót duy nhất của gia tộc lái buôn bị băng cướp làng Địa Ngục tấn công. Từ đó, Thập Nương đã bắt đầu lên kế hoạch trả thù. Nhưng dường như, cô không phải kẻ duy nhất đứng sau vở rối ma quỷ.
Kẻ ăn hồn nhanh chóng được trình làng trước khi Tết ở làng Địa Ngục giảm nhiệt. |
Dựa trên những hình ảnh đã công bố, Kẻ ăn hồn tiếp tục nhận được lời khen nhờ bối cảnh, phục trang. Lấy bối cảnh trước thềm các sự kiện của bản truyền hình, phim xoay quanh câu chuyện về nguồn gốc loại cổ thuật linh dị Rượu sọ người, từng được lão què nhắc đến trước đó. Đây cũng là một trong số chi tiết đắt giá hấp dẫn khán giả ngay từ khi xuất hiện trong Tết ở làng Địa Ngục. Ngoài ra, bản điện ảnh còn khai thác thêm những văn hóa dân gian như rối nước, đám cưới chuột… ít nhiều khơi gợi hứng thú người xem.
So với bản truyền hình, Kẻ ăn hồn sẽ gặp nhiều thách thức về vấn đề thời lượng, đòi hỏi sự chắt lọc tình tiết cùng tư duy dựng phim. Thế nhưng, với những lợi thế truyền thông có được từ Tết ở làng Địa Ngục, đạo diễn Trần Hữu Tấn có quyền tự tin thừa thắng xông lên, chinh phục các “mọt phim” kinh dị bằng một tác phẩm chỉn chu, hấp dẫn hơn.
Xét cho cùng, kinh dị vẫn là một địa hạt màu mỡ, giàu tiềm năng khai thác, không riêng với thị trường Việt. Việc bứt phá để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật không giới hạn trong ràng buộc cũ kỹ vừa là thời cơ, vừa là thách thức với những cá thể đang cố gắng “lột xác” như Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn.