Sau 10 năm, Mel Gibson trở lại làm đạo diễn với câu chuyện về Desmond Doss, chàng y sĩ cương quyết không cầm súng khi tham gia chiến trường máu lửa Okinawa thời Thế chiến thứ II.
Trong lịch sử ngắn ngủi hơn 300 năm tồn tại của nước Mỹ, có lẽ hiếm sự kiện nào tác động mạnh mẽ đến lòng yêu nước và tinh thần tự hào của người dân nơi đây như trận Trân Châu Cảng năm 1941. Đó là sự kiện mở đầu cuộc chiến đẫm máu giữa Mỹ và đế quốc Nhật trên mặt trận Thái Bình Dương suốt thời kỳ Thế chiến thứ II.
Là một quốc gia mới, ngăn cách với phần còn lại của thế giới bằng hai đại dương bao la, nước Mỹ hiếm khi nào bị tấn công trực diện, và người Mỹ cũng ít khi phải đổ máu trên chính mảnh đất quê hương.
Do đó, khi nghe tin hơn 2.000 đồng bào bỏ mạng vì cuộc tấn công bất ngờ của đế quốc Nhật, hầu hết thanh niên nơi đây đều sẵn sàng tình nguyện nhập ngũ, cầm súng đánh trả kẻ thù đến từ châu Á nhằm bảo vệ tổ quốc.
Câu chuyện kỳ lạ có thật về Desmond Doss
Nói là “hầu hết” bởi vẫn có những trường hợp ngoại lệ như Desmond Doss (Andrew Garfield). Từ nhỏ đã thụ hưởng tinh thần bác ái của bà mẹ sùng đạo Bertha (Rachel Griffiths) và ác cảm với bạo lực bởi ông bố cựu binh Tom (Hugo Weaving), chàng thanh niên mang trong mình niềm tin mãnh liệt vào Mười điều răn của Chúa. Trong đó, Thiên Chúa đã nói rất rõ rằng: ngươi chớ giết người.
Vì đức tin tôn giáo của bản thân, Desmond Doss không thể cầm súng. Và theo lẽ thường, người không cầm súng rõ ràng không thể làm chiến sĩ đứng trên mặt trận bảo vệ tổ quốc. Nhưng không chỉ là tín hữu trung thành của Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm, Desmond Doss còn là một người con yêu nước.
Không thể ngồi yên chứng kiến cảnh bạn bè đồng trang lứa, trong đó có cả người em trai Hal Doss (Nathaniel Buzolic), lần lượt xung phong ra trận, anh quyết tâm trở thành lính cứu thương để cứu người trên chiến trường với sự động viên và giúp đỡ của cô bạn gái y tá xinh đẹp Dorothy Schutte (Teresa Palmer).
Hacksaw Ridge là câu chuyện có thật về Desmond Doss – người thề không bao giờ cầm súng nhưng sau này đã trở thành anh hùng Thế chiến thứ II của quân đội Mỹ. |
Nhưng ngay ngày đầu tiên bước chân vào quân ngũ, Desmond Doss đã nhận ra rằng tính toán ngây thơ của bản thân hoàn toàn không thích hợp với hoàn cảnh gấp gáp của thời cuộc và suy nghĩ mã thượng nhưng đầy cứng nhắc của những người xung quanh anh, từ cấp chỉ huy như Đại úy Glover (Sam Worthington), Trung sĩ Howell (Vince Vaughn), cho tới các đồng đội như Smitty (Luke Bracey) hay Milt “Hollywood” (Luke Pegler).
Chẳng thể lay chuyển quyết tâm “quái đản” không đụng vào súng ống của Desmond Doss, cả đơn vị huấn luyện dùng đủ mọi cách, từ chế nhạo sỉ nhục, đánh đập, biệt giam, cho tới tòa án binh để buộc anh phải giải ngũ, không trở thành “gánh nặng” của họ trên chiến trường máu lửa.
Nhưng với lòng tin vào lời dạy của Chúa, vào tình yêu đất nước, và vào những người thân thiết như ông bố Tom, như cô vợ mới cưới Dorothy, Desmond Doss vẫn vượt qua tất cả sức ép về thể xác và tinh thần để bước chân ra mặt trận, thực hiện ước mơ cứu người, cứu nước của bản thân.
Và tại hỏa ngục Hacksaw Ridge (tạm dịch: Mỏm núi Lưỡi cưa) trên đảo Okinawa, nơi quân đội Mỹ phải dùng xương máu để giành giật từng tấc đất từ tay những người lính Nhật Bản chẳng còn gì để mất, Desmond Doss sẽ tìm thấy câu trả lời về giá trị thực sự của tinh thần bất bạo lực, vị nhân sinh giữa nơi giết chóc mới là lẽ sống.
Sự trở lại đáng giá của Mel Gibson trên cương vị đạo diễn
Bộ phim Hacksaw Ridge là câu chuyện có thật về Desmond Doss, người lính đầu tiên trong lịch sử quân đội Mỹ được trao Huân chương Danh dự – phần thưởng cao quý nhất dành cho thành tích chiến đấu, dù ông từ chối sử dụng bất cứ loại vũ khí sát thương nào vì niềm tin tôn giáo.
Với một đề tài pha trộn giữa lịch sử với tôn giáo, được đặt trên nền là bối cảnh đậm chất bạo lực, hẳn nhiều người không cảm thấy ngạc nhiên khi các nhà sản xuất của Hacksaw Ridge, cũng như người thân của vị anh hùng quá cố Desmond Doss, đã đặt trọn niềm tin ở Mel Gibson.
Tài tử người Australia gắn liền với nhiều thương hiệu hành động nổi tiếng như Mad Max hay Lethal Weapon, nhưng đồng thời còn là đạo diễn của nhiều tác phẩm sử thi thành công như Braveheart (1995), The Passion of the Christ (2004) hay Apocalypto (2006).
Những bộ phim do Gibson thực hiện thường có điểm chung là sử dụng nền tảng lịch sử để làm nổi bật chất điện ảnh của các trận đánh và nhân vật, đồng thời khéo léo lồng ghép các biểu tượng tôn giáo, đặc biệt là hình ảnh Chúa trời, vào nội dung phim.
Hacksaw Ridge bạo lực, máu lửa hệt như các tác phẩm trước đây do Mel Gibson làm đạo diễn. Nhưng tác phẩm mới của ông thực chất thấm đẫm tính nhân văn. |
Với Hacksaw Ridge, Mel Gibson thêm một lần nữa khiến khán giả phải thán phục bởi phong cách đạo diễn mạnh mẽ quen thuộc ấy. Nửa đầu tác phẩm có nhịp phim tương đối chậm rãi, thiếu trọng tâm, khi ông dành khoảng thời lượng đáng kể để xây dựng hình ảnh “bất bạo lực” của Desmond Doss và các nhân vật phụ xung quanh anh.
Nhưng đến nửa sau của Hacksaw Ridge, người xem được “thết đãi” bữa tiệc thị giác đúng chất Mel Gibson với những cảnh chiến đấu máu lửa, bạo lực đến rợn người, nhưng đồng thời thấm đẫm chất anh hùng ca toát ra từ nhân vật chính và các đồng đội của anh.
Điểm đáng nói nhất trong các trường đoạn chiến trận kéo dài đến nghẹt thở của Hacksaw Ridge là việc Mel Gibson hoàn toàn không chủ tâm xây dựng hình ảnh binh sĩ Mỹ như anh hùng hay người lính Nhật bị dồn vào đường cùng như những con quỷ dữ.
Vẫn còn đó những hành động anh dũng của Desmond Doss, vẫn còn đó những pha giết người tàn ác vô nhân tính của lính Nhật. Nhưng trên hết, địa danh Hacksaw Ridge là nơi mà lẽ sống của mỗi cá nhân không phải tình yêu tổ quốc, không phải sự thù hận chế độ phát xít, mà chỉ đơn giản là mong muốn được tồn tại đến tột cùng, ước mơ thoát khỏi bom đạn trên hòn đảo Okinawa xa xôi để có thể trở về bên gia đình, người thân.
Với nhiều người, những ước muốn đó được chuyển hóa thành bạo lực, thành khát vọng “giết được càng nhiều càng tốt”. Nhưng với Desmond Doss, đức tin trong sáng nhưng vững bền vào Chúa trời đã giúp anh chuyển hóa chúng thành sức mạnh cứu người, thành khát vọng giật “thêm một người nữa” khỏi lưỡi hái tử thần, dù đó là đồng đội hay kẻ thù châu Á ở phía bên kia chiến tuyến.
Thông điệp đậm chất nhân văn ấy của Hacksaw Ridge đã giúp bộ phim vượt ra khỏi khuôn khổ của một tác phẩm điện ảnh chiến tranh yêu nước thông thường và hoàn toàn xứng đáng để đánh dấu cho sự trở lại của Mel Gibson sau 10 năm vắng bóng trên cương vị đạo diễn.
Điểm yếu về mặt diễn xuất
Với nội dung chân thực, nhiều ý nghĩa và tài đạo diễn xuất sắc của Mel Gibson, lẽ ra Hacksaw Ridge đã có thể trở thành ứng cử viên hàng đầu cho mùa giải thưởng điện ảnh 2016-17. Nhưng nửa đầu chậm rãi và dàn diễn viên không quá xuất sắc đã làm giảm đi phần nào sức nặng của tác phẩm.
Trong một năm được giao tới hai vai chính trong các dự án đáng chú ý là Hacksaw Ridge của Mel Gibson và Silence của Martin Scorsese, “Siêu Nhện” Andrew Garfield chưa thực sự chứng tỏ được khả năng diễn xuất.
Ở tác phẩm chiến tranh, anh tái hiện thành công điệu bộ vụng về và giọng nói đặc sệt miền Nam nước Mỹ của nhân vật chính, nhưng lại không gây nhiều ấn tượng trong việc tạo dựng hình ảnh một Desmond Doss với niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo, vào các giá trị trường tồn của chủ nghĩa bất bạo lực.
Có một chút đáng tiếc cho Hacksaw Ridge khi Andrew Garfield cùng nhiều diễn viên trong phim chưa thực sự xuất sắc. |
Rất may cho Hacksaw Ridge là sự chắc tay của Mel Gibson trong các cảnh quay chiến trận với Andrew Garfield là trung tâm, cùng phần hình ảnh xuất sắc của nhà quay phim Simon Duggan và nhạc phim ấn tượng của nhà soạn nhạc Rupert Gregson-Williams, cũng đủ khiến người xem cảm nhận thấy chất anh hùng và lòng vị tha tới mức huyền thoại của Desmond Doss.
Có một điều thú vị rằng để hưởng ưu đãi tài chính của chính phủ Australia, Mel Gibson cho ghi hình phần lớn Hacksaw Ridge tại xứ sở chuột túi, đồng thời chiêu mộ hàng loạt đồng hương cho dàn diễn viên. Đáng tiếc là các gương mặt Australia tham gia diễn xuất như Teresa Palmer, Sam Worthington hay Luke Bracey đều không để lại ấn tượng nào đáng kể.
Chỉ duy nhất Hugo Weaving trong vai Tom – ông bố của Desmond Doss – là thực sự đáng nhớ. Đó là người đàn ông với tâm hồn dị dạng vì nỗi đau chiến tranh để lại từ thời Thế chiến thứ I, tới mức phải dùng chính bạo lực để khỏa lấp sự căm ghét bạo lực.
Sau những bê bối về đời tư và phân biệt chủng tộc cách đây 10 năm, Mel Gibson gần như bị Hollywood tẩy chay và loại bỏ khỏi nhiều dự án lớn. Chỉ còn xuất hiện ở một số phim hành động hạng B mờ nhạt hoặc các vai khách mời với thời lượng xuất hiện chớp nhoáng, ông bị nhiều người cho là đã thuộc về thời dĩ vãng.
Hình ảnh Mel Gibson trên trường quay Hacksaw Ridge. |
Nhưng với Hacksaw Ridge, Mel Gibson thêm một lần nữa chứng tỏ cho khán giả, cho bạn bè đồng nghiệp Hollywood thấy rằng tình yêu điện ảnh và ngọn lửa sáng tạo chưa bao giờ tắt trong cơ thể từng bị tàn phá bởi nghiện ngập và bi kịch cá nhân.
Thậm chí, những mất mát trong suốt một thập kỷ qua của ông dường như còn giúp cho bộ phim mới có thêm chút gì đó nhân văn, chân thực, điều không được tài tử người Australia trước đây chú trọng.
Do đó, thành công của Hacksaw Ridge không chỉ là tín hiệu tốt dành cho Mel Gibson trên con đường trở lại ánh hào quang, mà còn là tin vui đối với người yêu điện ảnh, nhất là những ai muốn chứng kiến các câu chuyện lịch sử được kể lại theo hướng dữ dội, bi tráng và chân thực.
Zing.vn đánh giá: 4/5