“Aftermath” của Arnold Schwarzenegger có thể dễ dàng chạm đến con tim khán giả nhờ phần nội dung cảm động, gai góc. Nhưng cái kết phim lại tỏ ra vội vàng và thiếu tương xứng.
Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Elliott Lester
Diễn viên chính: Arnold Schwarzenegger, Scoot McNairy
Zing.vn đánh giá: 6/10
13 năm trước, một sự kiện bi thảm xảy ra tại Thụy Sĩ khi một cựu nhân viên kiểm soát không lưu bị đâm chết ngay trước cửa nhà riêng. Sau khi điều tra, nhà chức trách phát hiện ra rằng thủ phạm là Vitaly Kaloyev.
Người đàn ông mang quốc tịch Nga đã mất vợ con trong một vụ tai nạn hàng không trước đó hai năm khi hai máy bay đâm vào nhau trên bầu trời nước Đức. Trách nhiệm chính được quy kết cho Peter Nielsen, người kiểm soát không lưu trực ca hôm đó vì anh đã lơ là trong vài phút, không đưa ra cảnh báo kịp thời cho các phi công.
“Oan oan tương báo”, câu chuyện trả thù đẫm máu trở thành nguồn cảm hứng để đạo diễn Elliott Lester thực hiện nên Aftermath (2017).
Bộ phim Aftermath được thực hiện dựa trên cảm hứng từ một sự kiện có thật ngoài đời. |
Trong phim, Roman (Arnold Schwarzenegger) là một người đàn ông bình dị, đang khấp khởi chờ đợi vợ và cô con gái mang bầu về thăm nhà nhân dịp Giáng sinh. Nhưng tai họa bỗng ập đến, biến Roman trở thành kẻ cô độc.
Suốt quãng thời gian sau đó, ông cứ thế sống trong nỗi tiếc thương vợ con, đồng thời nuôi lòng căm tức với những kẻ vô lương tâm làm việc cho hãng máy bay. Họ không hề đưa ra lời xin lỗi chính thức, mà coi đó chỉ như một tai nạn và mang tiền đền bù đến cho ông.
Roman quyết tâm tìm kiếm nhân viên kiểm soát không lưu Jake (Scoot McNairy) để tìm kiếm câu trả lời. Nhưng sau tai nạn trên bầu trời cao, cá nhân Jake cũng sống trong sự vật vã và hối hận, tới nỗi phải đổi họ tên, chuyển khỏi nơi ở hiện tại. Nhưng bóng ma quá khứ vẫn cứ thế bám riết lấy anh.
Hai “cuộc chiến tâm lý” song song
Theo dõi Aftermath, thật khó để phân định ai đúng, ai sai trong toàn bộ bi kịch. Roman mất hết người thân chỉ trong tích tắc, và ông cần câu trả lời thỏa đáng để xoa dịu nỗi căm phẫn. Nhưng chẳng ai quan tâm đến Roman. Đối với họ, mạng người hóa ra chỉ giống như những con số viết trên tờ séc.
Còn Jake cũng phải chịu nỗi dằn vặt khi vô tình gây ra cảnh lầm than cho hàng trăm gia đình. Đang có cuộc sống yên ổn, anh bỗng bị vợ con xa lánh, dần dà trở nên cộc cằn, thậm chí hoang tưởng.
Không chỉ Roman, Jake cũng vật lộn với cuộc sống mới “sau thảm họa”. |
Jake buộc phải bỏ việc, thay tên đổi họ, xa rời khỏi những mối quan hệ đã gắn bó suốt bao nhiêu năm trời để sống chui lủi ở nơi xa lạ. Đã rất nhiều lần người đàn ông ấy kê khẩu súng vào cổ họng, nhưng lại chẳng có đủ dũng khí để siết cò.
Hai tuyến truyện được kể đan xen trong Aftermath miêu tả rõ “cuộc chiến tâm lý” từ cả hai bên. Người chết thì đã chết, nhưng người sống vẫn khổ sở biết bao. Không ít lần khán giả lặng người khi chứng kiến nỗi đau của một người đàn ông thô ráp, cứng cỏi trước bi kịch khủng khiếp.
Đáng nhớ nhất là tình tiết Roman nói dối nhằm tham gia vào đội cứu hộ hiện trường máy bay rơi, để rồi đau đớn đến khôn xiết khi thấy xác con gái treo lửng lơ trên cành cây, mà không xa đó là chuỗi ngọc ông từng tặng cho cô.
Khi Arnold Schwarzenegger tỏa sáng trong dòng phim tâm lý
Arnold Schwarzenegger có tiến bộ vượt bậc về mặt diễn xuất trong Aftermath. Trước giờ, người ta thường quen thấy ông trong các vai hành động cơ bắp, không đòi hỏi nhiều về diễn xuất nội tâm. Nhưng khi có tuổi, Arnie lại trở nên “có duyên” hơn với các phim độc lập, kinh phí thấp và đòi hỏi kỹ năng thể hiện tốt.
Mới cách đây hai năm, ngôi sao từng hoàn thành xuất sắc vai diễn người cha bị dằn vặt khi có cô con gái bé nhỏ sắp biến thành xác sống trong Maggie (2015). Và Aftermath thực sự cho thấy hướng đi mới, đầy hứa hẹn của Arnold Schwarzenegger dù ông đã gần chạm ngưỡng thất tuần.
Arnold Schwarzenegger cho thấy hướng đi mới sự nghiệp của ông là hoàn toàn đúng đắn. |
Song song với Arnie, Scott McNairy không gây được ấn tượng ngay từ ban đầu. Nhưng khi câu chuyện phim diễn tiến, ngoại hình khắc khổ của anh dần phát huy lợi thế. Nhân vật Jake khiến khán giả khó lòng ghét bỏ bởi nỗi khổ sở, hối hận bên trong tâm hồn nặng trĩu.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc là sau phần khởi đầu thuận lợi và phần giữa phim rất kịch tích, Aftermath lại chọn kết cục khá vội vàng. Khán giả cần hiểu rõ hơn tại sao một người đàn ông lương thiện, hiền lành như Roman lại đi tới quyết định đầy bạo lực dành cho Jake.
Xuyên suốt bộ phim, ông chủ yếu chỉ thể hiện ra nỗi buồn và sự thất vọng. Không có chi tiết nào thuyết phục để giải thích cho sự bùng nổ tâm lý, dẫn tới hành vi gây sốc. Chính sự phát triển tâm lý nhân vật không đủ “chín” khiến người xem phần nào cảm thấy hụt hẫng trước cái kết bi thảm của Aftermath.
Mục đích chính của Aftermath là khắc họa nỗi đau của “người ở lại”. Chỉ tiếc rằng phim chưa thể đi đến kết luận thuyết phục sau những gì hấp dẫn đã bày biện ra trước đó. Nhưng với những ai hâm mộ Arnold Schwarzenegger, tác phẩm tâm lý thêm một lần nữa cho thấy tương lai tươi sáng của tài tử người Áo dù ông không còn trẻ nữa.
Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Sau thảm họa.