“The Black Demon” (Quái vật đen) mắc nhiều lỗi về kịch bản. Với nội dung đầy sạn trong khi tính giải trí lại hạn chế, đây khó thể coi là một dự án sinh tồn đáng xem.
Genre: Hành Động, Hồi hộp
Director: Adrian Grunberg
Cast: Julio Cesar, Josh Lucas, Omar Chaparro,…
Rating: 3,5/10
*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim
Adrian Grunberg là đạo diễn kiêm biên kịch người Mỹ. Xuyên suốt sự nghiệp, anh từng dắt túi không nhiều phim điện ảnh. Trong đó, Rambo: Last Blood (2019) gây tranh cãi khi khiến Grunberg bị đề cử Đạo diễn tệ nhất tại giải Mâm xôi vàng. Đồng thời, nó cũng giúp anh góp mặt trong danh sách đề cử Đạo diễn xuất sắc của Giải thưởng Điện ảnh & Truyền hình Quốc gia.
Ở lần trở lại này, Adrian Grunberg ngồi trên ghế nóng dự án The Black Demon, dựa trên kịch bản của Boise Esquerra và Carlos Cisco. Bộ phim khai thác chủ đề sinh tồn cùng quái thú, một món ăn quen thuộc nhưng chưa khi nào hết thú vị với khán giả màn ảnh rộng.
Sống sót trước hàm cá mập
The Black Demon (tựa Việt: Quái vật đen) xoay quanh kỳ nghỉ của Paul (Josh Lucas) cùng vợ con tại một thị trấn ven biển Mexico. Đây là nơi công ty anh đặt giàn khoan dầu. Mọi chuyện diễn ra khá tốt đẹp cho tới khi họ nhận ra sự kỳ lạ của những người bản địa. Cả gia đình sau đó bị mắc kẹt tại giàn khoan, cùng với hai người đàn ông đang sống tại đây.
Tới lúc này, gia đình Paul mới nhận ra sự hiện diện của hung thần biển cả. Đó là Megalodon, một con cá mập khổng lồ đang cố gắng tiêu diệt mọi thứ bén mảng tới nơi đây. Đối diện cơn ác mộng giữa biển khơi này, mọi người phải tìm cách sống sót trở về bờ trước khi bị nó nuốt trọn.
Là một loài sinh vật khét tiếng thời tiền sử, Megalodon được xem là “vua cá mập”. Kẻ săn mồi này không chỉ là nỗi khiếp sợ của đại dương, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận của giới làm phim. Nó từng xuất hiện trong không ít tác phẩm nổi tiếng, điển hình là Blood Beach, The Meg hay Shark Attack 3,…
Các nhân vật phải tìm cách sống sót trước con cá mập khổng lồ. |
Xuất hiện trong The Black Demon, Megalodon được “làm mới” bằng truyền thuyết bản địa. Cá mập bạo chúa được xem như hiện thân của Tlaloc – vị thần của mưa và sự sinh sôi. Trỗi dậy từ lòng đại dương sâu thẳm, Tlaloc trừng phạt con người gây ra ô nhiễm biển cả. Lý do là sự tắc trách của công ty khai thác khiến giàn khoan xuống cấp, làm rò rỉ dầu.
Ẩn sau cuộc đua sinh tồn giữa người và quái thú là thông điệp ẩn dụ về bảo vệ môi trường. Thoạt nghe có vẻ thú vị, nhưng thực tế nội dung của The Black Demon còn quá nông, chưa đủ để truyền tải một cách sâu sắc. Vậy nên, thông điệp lớn lao vẫn là một lớp áo quá rộng so với phim. Điều này khiến nó trở nên có phần sáo rỗng.
Kịch bản còn yếu
Ấn tượng ban đầu mà The Black Demon để lại là kết cấu tương tự Beast, The Grey và nhiều phim sinh tồn cùng quái thú khác. Điểm chung của những dự án này là phần nhập đề không tệ, nhưng dần thể hiện sự hụt hơi khi bước sang hồi hai.
Tác phẩm của Adrian Grunberg mở ra câu chuyện tương đối tự nhiên, ít nhiều tạo được thiện cảm. Như nhiều phim cùng thể loại khác, The Black Demon câu kéo sự chú ý của khán giả bằng cách “nhá hàng” phản diện từ đầu.
Ngay sau đó, các nhân vật chính nhanh chóng xuất hiện trong bối cảnh thị trấn ven biển Mexico. Cả bốn thành viên trong gia đình đều thể hiện cá tính khá sớm. Đó là người cha yêu thương vợ con nhưng “xấu tính”, thích khoe mẽ, một người mẹ khéo léo, giỏi giao tiếp và hai chị em hiểu chuyện nhưng thường xuyên phá đám.
Sử dụng hình mẫu nhân vật quen thuộc giúp người xem không mất quá nhiều thời gian làm quen. Tuy nhiên, kịch bản lại The Black Demon lại không tận dụng điều này để phát triển nhân vật và các mối liên kết hay mâu thuẫn xảy ra giữa họ. Càng về sau, nhân vật thường xuyên bị “bỏ rơi”, không tạo nổi ấn tượng rõ ràng với khán giả.
Nhiều nhân vật xuất hiện một cách mờ nhạt, thừa thãi. |
Vì sự hời hợt của kịch bản, tâm lý và hành động của các thành viên trong gia đình cho thấy nhiều lỗ hổng. Không những vậy, hành trình sinh tồn của họ cũng khó lòng thuyết phục người xem. Hầu hết tình tiết đều phát triển một cách sắp đặt, thiếu tự nhiên. Cá biệt, nhiều tình tiết phi logic xuất hiện dày đặc.
Đơn cử như việc tay lái thuyền – người bản địa vốn căm ghét khách ngoại quốc – lại sẵn sàng đưa 3 mẹ con ra giàn khoan dù biết có hung thần rình rập dưới biển. Để rồi, nhân vật này nhận về cái chết lãng xẹt. Đây là một trong số điểm trừ mà khán giả thường xuyên bắt gặp trong những kịch bản phim sinh tồn chất lượng kém.
Đáng lẽ, phim sẽ có chiều sâu hơn nếu biên kịch không chỉ làm nổi bật bức tranh sinh tồn khốc liệt, mà còn là cuộc chiến bất đối xứng giữa con người và tự nhiên nơi đây.
Tính giải trí kém
Với những “mọt phim” kinh dị, chủ đề sinh tồn luôn chứa đựng sức hút mãnh liệt. Nó không chỉ đẩy nhân vật tới những tình huống chết chóc, nguy hiểm và còn kích thích trải nghiệm, cảm xúc của người xem.
Đặt trong bối cảnh biển sâu, nơi con quái thú nguy hiểm ẩn náu, đạo diễn càng dễ khơi gợi tính tò mò và trí tượng tượng của khán giả. Bên cạnh những pha rình rập hay các cảnh truy sát, ngay cả nguồn gốc thần bí của con cá mập sát thủ cũng có thể là một góc phát triển thú vị. Tuy nhiên, đạo diễn đã “bỏ quên” hầu hết điều này.
Mặc dù là phản diện, chính Megalodon mới là thứ “đáng thương” nhất trong phim. Nó bị “chết chìm” trong mớ tình tiết hỗn độn mà không có đất diễn để tỏa sáng. Từ đầu chí cuối, số cảnh con quái vật này xuất hiện nghèo nàn đến thê thảm. Đó chỉ là những màn đối đầu mờ nhạt, chớp nhoáng, với chất lượng CGI đáng quên.
Hình ảnh phim không mấy bắt mắt, ấn tượng, thiếu những góc máy đẹp. |
Chính vì vậy, nó không tạo được cảm giác nguy hiểm, đáng sợ – yếu tố then chốt của phản diện trong dòng phim sinh tồn. Hệ quả, phản diện không có sức nặng, hành trình đấu tranh của tuyến chính diện càng trở nên kém hấp dẫn, nếu không muốn nói là ngớ ngẩn.
Cuối cùng, kết phim đúng nghĩa là một thảm họa vì xa rời thực tế. Mô-típ quen thuộc của dòng phim sinh tồn sẽ buộc một nhân vật “tầm thường” phải trở nên “phi thường” dưới thực tại khắc nghiệt. Tuy nhiên, điều này được diễn giải rất khiên cưỡng trong The Black Demon. Chính vì lồng ghép thông điệp một cách lộ liễu, ấn tượng cuối cùng mà phim để lại chỉ là sự giáo điều.
Tựu trung, đứa con tinh thần của Adrian Grunberg khó thể chạm tới cảm xúc của khán giả. Phim mắc nhiều lỗi về kịch bản, nội dung đầy sạn trong khi tính giải trí còn khá hạn chế.