Bộ phim mới của Đãng “trọc” xoay quanh những thân phận nghèo khổ của xã hội và là mảnh đất màu mỡ để nhà làm phim phát huy thế mạnh của bản thân.
Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng
Diễn viên chính: Lương Mạnh Hải, Phạm Duy Anh, La Quốc Hùng, Tú Vi
Zing.vn đánh giá: 7/10
Khi con là nhà là tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. |
Bộ phim Khi con là nhà theo chân hai cha con Quang (Lương Mạnh Hải) – Bin (Phạm Duy Anh) ở một miền quê nọ.
Quang chuyên hành nghề thú y và phối giống cho heo trong làng. Dù ở trong hoàn cảnh “gà trống nuôi con” sau khi vợ mất vì bệnh tật, anh không thể nào bỏ được thói nghiện cờ bạc, đá gà.
Trong một lần đi chơi bạc, sòng bài của Quang bị công an đánh úp. Người cha đơn thân vội vàng bỏ chạy và rơi vào thế bị truy nã.
Quang buộc phải dạt lên Sài Gòn, còn cậu bé Bin vì không muốn xa cha nên cứ thế lang bạt theo anh. Hàng loạt rắc rối tiếp tục nảy sinh với hai cha con ở vùng đất thành phố.
Từ điện ảnh cho tới truyền hình, các bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thường tập trung vào những mảnh đời nhỏ bé dưới đáy xã hội, như Chuột, Bỗng dưng muốn khóc, hai tập Hot boy nổi loạn, hay thậm chí là nửa đầu của Vòng eo 56 đã chứng minh.
Sở trường của Vũ Ngọc Đãng
Với Khi con là nhà, Đãng “trọc” mang tới những hình ảnh rất đỗi đời thường, và không mắc phải khuyết điểm các nhân vật vẫn chải chuốt, sạch đẹp giữa khung cảnh nghèo khổ.
Theo dõi hai cha con Quang – Bin, người xem tin vào cuộc sống khó khăn của họ: thường xuyên phải lội bùn, đi chân đất, hết kem đánh răng thì dùng xà phòng thay thế…
Theo dõi Khi con là nhà, khán giả thêm một lần nữa được thấy cái tài của Vũ Ngọc Đãng trong việc miêu tả những mảnh đời dưới đáy xã hội. |
Khi bộ đôi nhân vật chính dạt lên Sài Gòn, nhiều góc khuất của thành phố sôi động cũng lần lượt hiện ra. Đó là những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, những xe hủ tiếu bình dân, những căn nhà hay khu chợ tồi tàn…
Lúc này, Quang và Bin thậm chí còn phải lượm trái cây thối để ăn cho đỡ đói. Hoặc ngay cả một con heo chết trôi dưới kênh nhưng chưa bị phân hủy cũng có thể biến thành bữa ăn thịnh soạn.
Cố gắng chạy trốn khỏi công an, hai cha con phải nằm ngủ dưới gầm cầu hoặc ngoài chợ. Nhưng họ vẫn dễ dàng bị những kẻ cùng cảnh ngộ giành giật. Như hình ảnh Quang đánh nhau tới chảy máu chỉ vì một hộp cơm từ thiện đã diễn tả phần nào sự túng quẫn của những mảnh đời nghèo khổ dưới đáy xã hội.
Nhân vật Quang của Lương Mạnh Hải được lồng tiếng, và sở hữu tạo hình khá ấn tượng. Nam diễn viên hy sinh vẻ ngoài bảnh bao để biến thành một nhân vật đen đúa, xuề xòa, tóc tai rũ rượi, hàm răng vàng khè.
Giống như trong hai tập Hot boy nổi loạn cũng của Vũ Ngọc Đãng, Lương Mạnh Hải có nhiều phân đoạn hy sinh vì nghệ thuật khá ấn tượng, như lúc anh đi mò rác, dầm mưa, ngồi dưới cống, gào khóc tìm con, ăn gián…
Dĩ nhiên, không thể không nhắc tới bé Duy Anh trong vai Bin. Diễn viên nhí mang tới hình ảnh cậu bé lém lỉnh, già trước tuổi, dù không có cơ hội học hành đàng hoàng. Như khi bị cha bắt về quê, Bin nhanh trí hô bắt cóc để người xung quanh tới “giải cứu”, dẫu hậu quả của hành động là không dễ chịu chút nào.
Ngoài ra, ngay cả những diễn viên phụ như Tú Vi hay La Quốc Hùng cũng không ngại mang vẻ ngoài xấu xí, lem luốc khi phải thể hiện vai cô gái ve chai và gã ăn xin có tính cách đểu cáng.
Vũ Ngọc Đãng rất giỏi trong việc khai thác, lột tả và thổi hồn cho những mảnh đời khốn khó trên màn ảnh. Và Khi con là nhà thêm một lần nữa khẳng định tài năng đó của anh.
Câu chuyện còn thiếu đột phá
Về mặt nội dung, ngay từ những phút đầu tiên, Khi con là nhà có thể khiến người xem liên tưởng tới hai tập phim Nắng. Cả hai đều là câu chuyện về một vị phụ huynh đơn thân, mang những khiếm khuyết nhất định, và có một đứa con lớn trước tuổi. Yếu tố cảm xúc nảy sinh khi hai nhân vật chính bị thất lạc, rồi lại tìm thấy nhau trong nước mắt.
Các chi tiết trong Khi con là nhà nếu đứng đơn lẻ dễ đẩy cảm xúc lên cao, nhưng khi ráp nối lại với nhau vẫn còn bị khiên cưỡng. Thật khó hiểu khi Quang có thể dễ dàng ăn trộm con gà cúng của một ngôi nhà ven đường, nhưng sau đó lại đùng đùng giận dữ khi đứa con trai đi ăn cắp tiền và suýt chút nữa bị giao nộp cho công an.
Nhân vật của Lương Mạnh Hải cũng rất dễ dàng tẩu thoát khỏi vòng vây của chính quyền, ngay cả khi anh đã dính lệnh truy nã. Để rồi, người cha đơn thân cứ thế loanh quanh đi kiếm con trai ở cùng một địa điểm suốt nhiều ngày liền, đi dán tờ rơi “tìm trẻ lạc”, nhưng vẫn không bị ai phát hiện.
Khi con là nhà dễ gây cảm động khi mang đề tài tình phụ tử. Nhưng nhìn tổng thể, một số chi tiết trong phim vẫn mang nặng tính khiên cưỡng. |
Đối với tuyến nhân vật phụ, mối quan hệ giữa Bủm (La Quốc Hùng) và cô gái ve chai (Tú Vi) không được giải thích rõ ràng. Cả hai không được xây dựng kỹ càng, dù họ đóng vai trò không hề kém quan trọng ở khoảnh khắc cao trào của tác phẩm. Hậu quả là cách giải quyết mâu thuẫn trong phim còn đơn giản, thiếu đi sự kịch tính nhất định.
Trong một bộ phim có rất nhiều bi kịch từ đầu cho tới cuối, Khi con là nhà bỗng trở nên “hiền hòa” với cái kết được lý tưởng hóa. Có lẽ bộ đôi Vũ Ngọc Đãng – Lương Mạnh Hải muốn đem tới những giây phút nhẹ nhàng cho khán giả thông qua gần 90 phút của tác phẩm nhân dịp năm mới.
Nhìn chung, Khi con là nhà không phải là một tác phẩm thuộc hàng xuất sắc. Nhưng nó cho thấy tay nghề của Vũ Ngọc Đãng vẫn còn đó sau một số dự án thất bại và gây tranh cãi như Con ma nhà họ Vương hay Hot boy nổi loạn 2.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.