“The Boogeyman” cung cấp góc nhìn mới về thực thể kinh dị nổi tiếng. Nội dung chưa ấn tượng, song, việc vận dụng hợp lý một số thủ pháp điện ảnh vẫn đem lại trải nghiệm không tồi.
*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim
The Boogeyman (tựa Việt: Ông Kẹ) được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Stephen King, “ông hoàng kinh dị” trong mắt nhiều độc giả trên khắp thế giới.
Dự án quy tụ ê-kíp tên tuổi, trong đó có bộ đôi biên kịch Scott Beck – Bryan Woods, từng tạo nên kiệt tác A Quiet Place. Bên cạnh đó là nhà sản xuất Shawn Levy, người đứng sau thành công của loạt phim Stranger Things đình đám toàn cầu.
Chân dung “Ông Kẹ”
The Boogeyman thuật lại câu chuyện về nữ sinh Sadie Harper, sống cùng với người bố và một cô em gái. Gia đình nhỏ đang phải hứng chịu khoảng thời gian tồi tệ khi sau khi người mẹ qua đời. Nỗi đau mất người thân nuốt trọn cả ba bố con, đẩy họ vào những góc tối vô định, dường như không có lối thoát.
Cũng từ đây, cả gia đình trở thành miếng mồi béo bở cho một thực thể tà ác bí ẩn. Nó lẩn khuất trong bóng tối, chơi đùa với cảm xúc từng người rồi dần dần nuốt trọn nỗi sợ hãi cùng sự cô độc đang dâng lên trong họ.
Đó, không ai khác, là Ông Kẹ.
Cái tên quen thuộc này hiện diện trong nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới. Tại mỗi nơi, bức chân dung về gã lại được phác họa bởi những đường nét khác nhau. Song, tựu trung, Ông Kẹ là kẻ đi săn mồi trong bóng tối. Khẩu vị của thực thể bí ẩn này là những linh hồn yếu ớt, tổn thương, thường là những cá thể đơn độc, không tìm được sợi dây gắn kết với đồng loại.
Cá biệt ở một vài nơi, Ông Kẹ còn là kẻ đi săn trẻ em. Những nhóc tì bướng bỉnh, không nghe lời hay lạc lõng giữa gia đình, xã hội dễ trở thành món ăn ngon lành cho gã.
Tạo hình Ông Kẹ của The Boogeyman. |
Còn trong câu chuyện của gia đình Sadie Harper, Ông Kẹ lại là kẻ “trừng phạt” sự lãnh cảm, thờ ơ mà họ đó giờ vẫn bày ra, dù chung sống dưới một mái nhà. Thực chất, cơn ác mộng của việc lìa xa người thân đã khiến họ đánh mất sợi dây kết nối. Mỗi người đều chọn cách sống cô lập, để rồi trở nên tuyệt vọng trong chính vỏ bọc mà họ tạo ra.
Nhấm nháp sự tan vỡ này, Ông Kẹ sẽ âm thầm chờ đợi cơ hội cho tới khi nạn nhân kiệt sức. Từ trong góc tối, nó ngắm nhìn và tận hưởng sự đau khổ và nỗi sợ hãi của con mồi. Đối mặt với thế lực siêu nhiên, sự vùng vẫy con người trở nên thật tội nghiệp và công cốc.
Không riêng nhân vật, ngay cả khán giả cũng đặt câu hỏi rằng điều họ đang đấu tranh thực chất là gì? Ẩn sau góc tối đơn thuần là ma quỷ, hay có chăng những vấn đề nhức nhối, sâu xa hơn?
Câu chuyện an toàn, chưa đột phá
Thành công của một bộ phim kinh dị không chỉ là việc hù dọa hay gắng gượng truyền tải thông điệp quá xa vời. Thay vì “lập lờ đánh lận con đen”, các nhà làm phim như nổi tiếng như Alfred Hitchcock, Eli Roth hay Stanley Kubrick thường chọn cách “moi móc” hậu vị của nỗi sợ hãi.
Cơn ác mộng có thể đến từ những thứ siêu nhiên, vô thực, song, “công thức” để tạo nên chúng thường xuất phát từ những điều tưởng chừng vô cùng đơn giản, thân thuộc. Điều đó gián tiếp làm cho ám ảnh kinh dị trở nên thú vị hơn, ấn tượng hơn.
Với dòng phim này, những đạo diễn cao tay luôn biết cách rải đầy thủ pháp điện ảnh một cách tinh tế. Trong phiên bản của Rob Savage, anh đã biết cách kế thừa di sản của các đạo diễn vĩ đại để lại. Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm khiến cho bộ phim của Rob còn để lộ một số điểm “hở sườn” đáng tiếc.
Ánh sáng là một trong những yếu tố giúp The Boogeyman ghi điểm trong mắt khán giả. |
Phần nhập đề của The Boogeyman kém ấn tượng, tạo cảm giác của một dự án kinh dị hạng B. Trong rất nhiều cách để câu dẫn khán giả, Rob Savage lại chọn lối đi khá non nớt khó thể kích thích trí tò mò của thượng đế tại rạp.
Mở màn mất điểm vô tình khiến hồi một của câu chuyện trở nên thiếu tinh tế. Bù lại, việc xây dựng các tuyến nhân vật mạch lạc đã ít nhiều gỡ gạc lại cho The Boogeyman. Phim không tạo cảm giác kể lể, sắp đặt. Các sự kiện diễn biến tự nhiên, dẫn đến nút thắt đầu tiên cho câu chuyện kinh dị – cái chết bất ngờ của vị khách lạ.
Kể từ đây, các nhân vật bị đẩy về phía trước, dấn thân vào công cuộc khám phá sự thật, tìm ra mâu thuẫn và lần lượt tìm cách hóa giải nó. Thông qua hành trình này, thông điệp về sự gắn kết của tình thân được truyền tải một cách tương đối tự nhiên tới người xem.
Điểm thú vị mà The Boogeyman tìm được là mâu thuẫn trong chính tính cách các nhân vật. Đơn cử, người cha là một nhà trị liệu tâm lý, có thể tư vấn cho hàng trăm bệnh nhân. Nhưng, ông lại không thể tự tìm ra lối thoát cho thực tại bế tắc của mình cùng hai cô con gái.
Tương tự, cô bé nữ sinh trung học Sadie Harper rơi vào trạng thái “cô độc giữa dòng người”. Áp lực từ những mối quan hệ bủa vây Sadie từ mọi phía, từ bạn bè cho tới người thân. Những rắc rối không mời mà tới đẩy cô vào trạng thái thừa nhận “cô lập vẫn là lựa chọn an toàn nhất”….
Xuyên suốt hai hồi cuối, tâm lý nhân vật được khai thác tương đối sâu. Vì số lượng nhân vật không nhiều, mỗi người đều có đủ thời gian để “tự khám phá câu chuyện của riêng mình”, đối diện với các tình huống ngày càng được đẩy lên cao trào, để rồi trưởng thành và thay đổi về mặt bản ngã.
Ánh sáng là điểm nhấn
Không thể phủ nhận sự cố gắng của Rob Savage trong việc vận dụng các thủ pháp điện ảnh. Chất liệu ánh sáng được anh sử dụng khá thành thục, là một trong những yếu tố gây được ấn tượng mạnh trong phim.
Như nhiều dự án cùng thể loại, bối cảnh chính The Boogeyman, ngôi nhà của gia đình Sadie Harper luôn chìm trong bóng tối. Thứ ánh sáng duy nhất len lỏi trong căn nhà chủ yếu tới từ đèn ngủ, cửa sổ hay đôi lúc là một phần gương mặt nhân vật.
Diễn xuất của các nhân vật chưa xuất sắc nhưng đều ở mức ổn, ít nhiều tạo được thiện cảm. |
Đạo diễn sử dụng những gam màu lạnh, xanh ngả xám tạo cảm giác nặng nề, u ám. Những dàn cảnh góc tối được thiết lập không quá kỳ công nhưng vẫn ấn tượng, mang đúng “vibe kinh dị”. Đặc biệt, thứ ánh sáng le lói từ quả đèn cầu, ngọn lửa hay màn hình chớp nhoáng liên tục của chiếc TV đã thành công đánh thức trí tò mò, cùng cảm giác căng thẳng cao độ.
Thế nhưng, những màn jump-scare lại quá cũ kỹ, nửa vời. Chưa kể, các góc quay cũng chưa thực sự đắt giá. Cảnh tượng hiếm hoi mà kỹ thuật quay phim chứng minh hiệu quả là góc máy xoay ngược khi nhân vật khám phá gầm giường. Còn lại, đa số chỉ là những góc máy đặc tả biểu cảm nhân vật.
Ngoài ra, âm thanh trong phim cũng chưa đặc biệt, thiếu điểm nhấn. Những kỹ thuật thông dụng như tường âm hay hiệu ứng Lewton Bus không có nhiều đất vận dụng.
Tựu trung, The Boogeyman vẫn là một trải nghiệm giải trí không tồi tại rạp. Song, tác phẩm khó thể làm hài lòng các fan khó tính của dòng phim kinh dị.