Phiên bản làm lại từ “Scandal Makers” (2008) của Hàn Quốc chứa đựng rất nhiều tình tiết gây cười. Song, tổng thể cốt truyện và diễn xuất vẫn để lại nhiều nuối tiếc.
Thể loại: Tình cảm, hài hước
Đạo diễn: Võ Thanh Hòa
Diễn viên chính: Trịnh Thăng Bình, Kiều Trinh, Hạ Vi, bé Coca Gia Bảo, Lou Hoàng
Zing.vn đánh giá: 6/10
Ông ngoại tuổi 30 là phiên bản làm lại từ bộ phim Scandal Makers (2008) từng thu hút hơn 8,2 triệu lượt khán giả nội địa của Hàn Quốc. |
Chuyện phim Ông ngoại tuổi 30 xoay quanh chàng MC nổi tiếng Sơn Huy (Trịnh Thăng Bình). Trong một chương trình phát thanh, anh khuyên bà mẹ đơn thân tuổi đôi mươi Mi Trần (Kiều Trinh) hãy đi tìm người cha thất lạc. Oái oăm thay, cô gái hóa ra lại chính là đứa con rơi của Sơn Huy sau một sai lầm thời tuổi trẻ.
Giờ đây, chàng MC đa tình không chỉ có thêm con gái, mà còn phải đón nhận cả cậu cháu ngoại Phương Đông (bé Coca Gia Bảo). Cuộc sống của anh thay đổi hoàn toàn khi phải chăm lo cho gia đình “từ trên trời rơi xuống”. Đồng thời, Sơn Huy còn cần tìm đủ mọi cách để che giấu câu chuyện nhằm tránh con mắt soi mói từ dư luận.
Sau thắng lợi phòng vé của Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30 là bộ phim Việt tiếp theo dựa trên kịch bản gốc của người Hàn Quốc. Có một điều thú vị rằng đạo diễn của hai nguyên tác, Sunny (2011) và Scandal Makers (2008), đều là Kang Hyeong-cheol.
Tuy nhiên, Ông ngoại tuổi 30 thêm một lần nữa chỉ ra rằng việc remake các bom tấn của người Hàn thực chất là điều “dễ mà khó”.
Kịch bản hài hước, nhưng thiếu thuyết phục
Tác phẩm chuyển thể của đạo diễn Võ Thanh Hòa vẫn giữ nguyên tinh thần của bản gốc khi khai thác những rắc rối trong quá trình đón nhận con và cháu của “ông ngoại” Sơn Huy.
Hàng loạt sự kiện “khó đỡ” bắt đầu nảy sinh khi căn hộ của chàng MC điển trai dần tràn ngập đồ chơi của Phương Đông, hoặc những bộ đồ ngủ của cô con gái tuổi đôi mươi.
Nhiều món đồ của Sơn Huy từ đây cũng mang đầy “chiến tích” nghịch phá của đứa cháu ngoại mới tròn 5 tuổi. Rất nhiều tình huống xung đột hàng ngày được Ông ngoại tuổi 30 khai thác và giải quyết theo góc nhìn vô cùng hài hước.
Ông ngoại tuổi 30 rất hài hước. Nhưng việc quá chú trọng đến tiếng cười khiến nội dung cốt truyện trở nên sơ hở. |
Yếu tố gây cười còn đến từ tính cách “đâm bang” đặc trưng của bộ ba nhân vật chính những màn tranh cãi vô cùng đáng yêu. Sơn Huy tìm đủ mọi cách để che giấu việc có con riêng, cũng như “chém gió” ra hàng loạt bức thư điện tử của Mi Trần để giữ lượt nghe cho chương trình.
Cô con gái tỏ ra không hề kém cạnh khi mang đến nhiều câu thoại mỉa mai, khiến người cha thất lạc bấy lâu nay phải làm đúng như những gì mới viết. Còn Phương Đông thì gây cảm tình với khán giả khi vòi vĩnh đồ chơi mỗi lần giúp ông “cưa cẩm” cô giáo.
Tuy nhiên, Ông ngoại tuổi 30 dường như quá sa đà vào việc gây cười mà quên đi cốt truyện cơ bản. Yếu tố hài hước hấp dẫn lúc đầu, nhưng càng về sau càng trở nên lê thê.
Trong khi đó, chuyển biến tâm lý trong việc nhận con, cháu, rồi trở thành người đàn ông đứng đắn của Sơn Huy lại diễn ra hết sức gấp gáp. Kể cả mâu thuẫn giữa hai cha con khi Mi Trần đi thi ca hát cũng không tạo ra được cao trào cần thiết.
Tình huống phim đặt ra mâu thuẫn chàng MC phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình khi luôn luôn lo sợ bị tay săn tin Bềnh Bồng (Tùng Leo) phát hiện. Nhưng thực tế ra, nhân vật chính chẳng gặp nhiều khó khăn trong việc che giấu thân phận con riêng. Điều đó dẫn đến phần kết còn khiên cưỡng, thiếu thuyết phục.
Dàn diễn viên chưa tròn vai
Ngoài nội dung cốt truyện, một yếu tố nữa khiến Ông ngoại tuổi 30 chưa thể sánh ngang bản gốc là phần diễn xuất. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi hầu hết dàn diễn viên chính trong phim đều là những “tay ngang” còn non kinh nghiệm.
Trịnh Thăng Bình có màn trình diễn chấp nhận được trong lần đầu đóng phim điện ảnh. |
Trịnh Thăng Bình rõ ràng kém duyên hơn hẳn nếu so với “ông chồng quốc dân” Cha Tae-hyun. Giọng ca Người ấy tỏ ra hơi lố ở một số phân đoạn hài hước, cũng như không diễn tả được trọn vẹn nội tâm nhân vật.
Chất giọng của anh cũng có thể bị coi là thiếu truyền cảm khi Sơn Huy vốn là một MC nổi tiếng trên sóng phát thanh. Tuy nhiên, cũng bởi đây mới là lần đầu chạm ngõ điện ảnh, màn trình diễn của Trịnh Thăng Bình nằm ở mức chấp nhận được.
Sau vai phụ trong Em chưa 18 (2017), “hot girl trà sữa” Kiều Trinh nhận cơ hội đóng chính trong Ông ngoại tuổi 30. Vai diễn của cô có nhiều thay đổi, bớt đanh đá so với bản gốc, nhưng vẫn giữ sự nhí nhảnh, đáng yêu.
Song, nữ diễn viên trẻ mới chỉ thành công ở hình ảnh một cô bé tuổi đôi mươi mang nhiều hoài bão, chứ chưa ra dáng là một bà mẹ đơn thân. Bởi thế, những phân đoạn cảm xúc giữa Kiều Trinh với Trịnh Thăng Bình và Lou Hoàng cũng chưa thật sự tốt.
Gây thất vọng hơn cả trong phim chính là Hạ Vi và Lou Hoàng. Diễn xuất của “nàng Tấm” vẫn dậm chân tại chỗ sau Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016). Biểu cảm của người đẹp luôn đơ cứng, và bản thân nhân vật cô giáo lại chẳng có nhiều đất diễn.
Hạ Vi không cho thấy nhiều tiến bộ về mặt diễn xuất. |
Trong khi đó, giọng ca Mình là gì của nhau dường như không hề biết anh cần làm gì trước ống kính. Lou Hoàng lúc nào cũng chỉ nhăn nhó một cách lố bịch xuyên suốt thời lượng bộ phim, và trở thành mắt xích yếu nhất của toàn tác phẩm.
Quá khó để bé Coca Gia Bảo có thể vượt qua cái bóng cực lớn của Wang Suk-hyun với nụ cười nhếch mép đặc trưng. Tuy nhiên, cậu bé phiên bản Việt luôn giữ được nét dễ thương, lém lỉnh cần thiết.
Nhìn chung, Ông ngoại tuổi 30 là tác phẩm đáp ứng tốt nhu cầu giải trí, nhưng khó có thể để lại ấn tượng nào sâu sắc trong lòng khán giả, ngay cả khi có bệ phóng vững chắc là phần kịch bản của người Hàn.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.