Loạt phim về ký sinh thú đón nhận hàng loạt phản hồi tiêu cực khi ra mắt chưa đầy một tuần. Kịch bản, cách xây dựng nhân vật là những điểm khán giả chưa hài lòng.
Genre: Hành Động, Kinh dị, Khoa học viễn tưởng
Director: Yeon Sang Ho
Cast: Jeon So Nee, Koo Kyo Hwan, Lee Jung Hyun, Kwon Hae Hyo, Kim In Kwon
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Parasyte: The Grey (tựa Việt: Ký sinh thú: Vùng xám) thu hút sự chú ý khi lọt top 10 tại 68 quốc gia trên Netflix. Lấy cảm hứng từ bộ manga cùng tên, tác phẩm là phần ngoại truyện live-action về đám ký sinh thú. Tác phẩm do Yeon Sang Ho thực hiện, vị đạo diễn từng cầm trịch nhiều dự án điện ảnh nổi tiếng như Train to Busan (2016) hay Peninsula (2020).
Việc xa rời nhân vật ký sinh thú, hạn chế về kịch bản, diễn xuất khiến Parasyte: The Grey khó thuyết phục người xem. Chưa kể, một số người hâm mộ lâu năm cho rằng bộ phim không tương xứng với nguyên tác trong việc xây dựng hình tượng ký sinh thú. Điểm sáng duy nhất thuộc về nhân vật đặc biệt xuất hiện trong tập cuối.
Ký sinh thú chỉ là vật trang trí
Thay vì tập trung vào một nhân vật cụ thể, Parasyte: The Grey xoay quanh cuộc xâm lăng của nhóm sinh vật dị hợm tại thành phố Namil (Hàn Quốc). Mọi chuyện khởi đầu trong siêu thị nơi Jung Soo In (Jeon So Nee đóng) làm nhân viên thu ngân. Sau khi lời qua tiếng lại với một khách hàng, cô bất ngờ bị người này đeo bám, truy sát.
Cùng lúc đó, một ký sinh thú tình cờ rơi xuống và nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể Soo In. Trong quá trình tiếp xúc, sinh vật này nhận ra Soo In bị thương rất nặng và buộc phải chữa lành cho cô. Bởi vậy, nó không thể xâm chiếm toàn bộ não bộ, chuyển sang trạng thái cộng sinh. Trường hợp này được gọi là biến chủng.
Mỗi ngày, ký sinh thú chỉ có thể chiếm quyền kiểm soát cơ thể Soo In trong 15 phút. Chúng sở hữu năng lực biến đầu vật chủ thành mọi thứ, đủ kích thước phục vụ cho các mục đích khác nhau. Khi ở trạng thái vũ khí như búa, rìu, dao, kiếm, đòn đánh của ký sinh thú có thể hạ gục đối thủ trong chớp mắt.
Trong khi Seol Kang Woo (Koo Kyo Hwan đóng) là thành viên của một băng đảng. Vì ám sát đối thủ không thành, anh rời bỏ chốn thị phi, trở về Namil để gặp gia đình. Khi theo dõi hành tung bí ẩn của chị gái, Kang Woo bất ngờ phát hiện người thân đã bị ký sinh thú chiếm đoạt. Đó cũng là lần đầu anh và Soo In gặp nhau. Cuộc trò chuyện giữa hai người tiết lộ ký sinh thú trong người cô có tên là Heidi.
Ở thế đối lập là Choi Jun Kyung (Lee Jung Hyun đóng), đội trưởng đội đặc nhiệm Vùng Xám. Nỗi đau mất chồng vì ký sinh thú biến cô trở thành một người phụ nữ vô cảm. Thậm chí, cô còn dùng chính chồng mình làm vật thí nghiệm, vận dụng sóng não để truy lùng đám ký sinh thú.
Parasyte: The Grey vay mượn yếu tố quái vật để kể câu chuyện con người. |
Sau màn giới thiệu nhân vật, sắp đặt tình huống ở tập đầu, phần còn lại của Parasyte: The Grey là hành trình Soo In tìm kiếm cuộc sống bình yên cho riêng mình. Cô và Kang Woo phải đối mặt trước sự truy sát từ loài người lẫn ký sinh thú. Đặc biệt, tập cuối để ngỏ khả năng cho mùa 2 khi Izumi Shinichi xuất hiện. Trong nguyên tác, anh và ký sinh thú Migi là nhân vật chính, một biến chủng tương tự Soo In.
Thực tế, ký sinh thú trong phim chỉ đóng vai trò vỏ bọc. Parasyte: The Grey mang thiên hướng tâm lý, trinh thám và phản biện xã hội. Nổi bật là bài thuyết trình tại nhà thờ Saejin, tổ chức trá hình phục vụ mục đích sinh tồn cho đám ký sinh thú. Theo đó, người xem nhanh chóng rời bỏ bộ phim, chuyển sang suy ngẫm về lẽ sống. Đây là một điểm trừ trong phim ảnh Hàn Quốc khi việc lồng ghép vấn đề xã hội một cách lộ liễu, khiên cưỡng.
Đáng tiếc khi xuất hiện trong tựa đề, đám ký sinh thú lại không thể trở thành nhân vật chính, bị áp đảo bởi con người. Phản hồi sau khi bộ phim ra mắt cho thấy khán giả bội thực bởi yếu tố drama, đạo lý nhưng lại đói khát một câu chuyện hay về ký sinh thú.
Kịch bản rời rạc, diễn xuất gượng gạo
Với thời lượng vỏn vẹn 6 tập, Parasyte: The Grey khó khăn trong việc truyền tải nội dung một cách trọn vẹn. Song, điều đó không thể khỏa lấp những thiếu sót về kịch bản, cách xây dựng nhân vật hay diễn xuất.
Cụ thể, Parasyte: The Grey không có nội dung xuyên suốt, nhập nhằng giữa thế giới con người và bầy ký sinh thú. Mỗi nhân vật trong phim chỉ là một lát cắt nhỏ, bị đẩy vào tình huống theo cách rập khuôn. Chưa kể, kịch bản lan man, vụng về trong việc cài cắm các tình tiết tạo cảm giác mệt mỏi không cần thiết.
Đơn cử trong tập một, người xem dễ dàng biết viên cảnh sát Kang Won Seok là người xấu. Khi Won Seok tới bệnh viện muộn vì đi cầu nguyện thì sự xuất hiện của nhà thờ Saejin đã tố cáo nhân vật này. Sau đó, phim tiếp tục gây khó hiểu khi vụ án của Soo In được khép lại một cách dễ dàng, bất chấp những uẩn khúc chưa được giải đáp.
Khán giả bày tỏ sự thất vọng, đặt lên bàn cân so sánh với nguyên tác truyện tranh. |
Lấy bối cảnh cuộc xâm lăng của ký sinh thú đã phổ biến, Parasyte: The Grey nhanh chóng bộc lộ điểm yếu trong cách xây dựng dàn nhân vật. Từ Soo In, Kang Woo đến đội trưởng Jun Kyung đều chật vật trong việc dẫn dắt câu chuyện.
Trong đó, nữ chính Soo In là một nhân vật mờ nhạt, bị động. Mỗi khi cô xuất hiện, người xem chỉ nhớ đến ký sinh thú Heidi với những pha hành động ấn tượng. Chưa kể, Soo In và Heidi cộng sinh nhưng lại thiếu liên kết về mặt cảm xúc. Điều đó khiến cho cuộc trò chuyện giữa hai người ở tập 4 tưởng lại chìa khóa lại trở nên vô nghĩa.
Điều tương tự xảy ra với Kang Woo và Jun Kyung. Riêng đội trưởng Vùng Xám hứng chịu chỉ trích lớn từ khán giả: “Chị đội trưởng cố tình diễn kiểu cường điệu giống diễn viên Nhật, khi xem bị khó chịu”.
Để lấp đầy hạn chế về mặt kịch bản, Parasyte: The Grey cho thấy sự chỉn chu trong các phân cảnh hành động. Đa phần sử dụng cảnh cận, trung kết hợp kỹ thuật one shot liên tục tạo độ chân thực, hấp dẫn. Đáng nói, phần hiệu ứng hình ảnh được xử lý khá tốt do đội ngũ đến từ Việt Nam đảm nhận.
Nhìn chung, Parasyte: The Grey chưa thể thuyết phục khán giả, song tác phẩm đóng vai trò gợi mở cho các dự án live-action khác xoay quanh bộ truyện cùng tên của tác giả Hitoshi Iwaaki.