“The Roundup: No Way Out” đánh dấu sự trở lại của Ma Dong Seok trên màn ảnh rộng. Kịch bản tẻ nhạt khiến phim không để lại nhiều ấn tượng ngoài những màn đấm đá không hồi kết.
Genre: Hành Động, Tội phạm
Director: Lee Sang Young
Cast: Ma Dong Seok, Lee Joon Hyuk. Munetake Aoki, Lee Beom Soo…
Rating: 6/10
Năm 2022, The Roundup của Ma Dong Seok từng bị cấm chiếu tại nước ta. Xuất hiện trong khoảng hơn 1/3 thời lượng phim, Việt Nam được mô tả là nơi các băng đảng tội phạm ngày càng gia tăng. Chưa kể, việc ê-kíp cố ý khắc họa sự chênh lệch văn hóa giữa hai quốc gia cũng gây phẫn nộ. Phần lớn ý kiến cho rằng, bộ phim của đạo diễn Lee Sang Yong đã “bóp méo” hình ảnh Việt Nam trên màn ảnh rộng.
Trở lại với phần phim tiếp theo mang tên Roundup: No Way Out (tựa Việt: Vây hãm: Không lối thoát), Ma Dong Seok tiếp tục thủ vai thanh tra Ma Seok Do, dẫn đầu đội hình sự truy lùng tội phạm. Phim được gắn nhãn T18, với nhiều phân cảnh hành động nặng đô, máu me.
Kịch bản cũ kỹ và tham hành động
Roundup: No Way Out xoay quanh hành trình truy bắt băng đảng buôn ma túy của “quái vật cơ bắp” Ma Seok Do. Lần này, anh chạm trán với kẻ đứng sau đường dây buôn bán chất cấm Joo Sung Chul (Lee Joon Hyuk). Sự việc trở nên phức tạp và cam go hơn khi Ricky (Munetaka Aoki), sát thủ khét tiếng chốn giang hồ Nhật Bản, cũng góp mặt.
Bên cạnh chủ đề hành động, trinh thám, phim còn cài cắm nhiều tình tiết hài với mục đích đa dạng hóa trải nghiệm giải trí của người xem. Tương tự nhiều dự án hành động khác, Roundup: No Way Out lựa chọn lối nhập đề trực tiếp. Song, với nội dung một màu, thiếu đột phá, tác phẩm khó tránh khỏi việc gây thất vọng.
Cảnh hành động xuất hiện dày đặc trong phim. |
Nhìn chung, Roundup: No Way Out tuân thủ đúng công thức từng làm nên thành công của hai phần trước đó, The Outlaws (2017) và The Roundup (2022). Xuyên suốt thời lượng 105 phút, những thước phim hành động xuất hiện dày đặc, với mức độ bạo lực ngày càng tăng.
Dường như, cứ mỗi 5 phút, khán giả lại được “chiêu đãi” bằng một màn so găng, ẩu đả. Ngoài ra, biên kịch cũng chủ động đặt nhân vật xuất hiện trong nhiều bối cảnh, không gói gọn trong đồn cảnh sát và sào huyệt tội phạm, mà còn là vũ trường, đường phố hay kể cả tư gia…
Song, điều đó là chưa đủ để bù đắp cho cốt truyện lỏng lẻo, nhạt nhẽo và nhiều lỗ hổng.
Xuất hiện với tư cách tổ điều tra tội phạm ma túy được miêu tả là “cực kỳ nguy hiểm”, lực lượng cảnh sát trong No Way Out không biết làm gì ngoài việc “tấu hài”. Với số lượng ít ỏi cùng vũ khí trang bị lẻ tẻ, họ hành động một cách ngớ ngẩn, không cần chiến lược hay tính toán nước đi cụ thể. Chính vì thế, quá trình phá án trở nên hoàn toàn phù phiếm, mờ nhạt.
Chưa kể, nhiều tình tiết xuất hiện một cách thừa thãi, không mang lại nhiều ý nghĩa. Cách thức biên kịch đẩy nhân vật vào thử thách cũng khá cũ kỹ và lặp đi lặp lại, nhiều tình huống thể hiện rõ sự sắp đặt, nặng tính kịch. Chính vì vậy, hành trình thay đổi và phát triển của nhân vật chưa thực sự thuyết phục, cũng không để lại nhiều ấn tượng.
Bù lại, chuyện phim vẫn được nhấn nhá bằng nhiều tình tiết hài, rải rác khắp thời lượng. Sau những màn đấu đá căng thẳng kéo dài, đây là những giây phút hiếm hoi cho người xem cảm giác thư giãn, thoải mái.
Ma Dong Seok tạo được thiện cảm
Những năm gần đây,“quái vật cơ bắp” của Hàn Quốc xuất hiện dày đặc trong nhiều dự án từ hành động đến trinh thám, hài hước hay giật gân. Nhắc tới Ma Dong Seok, khán giả thường hình dung về một “người hùng” với vẻ ngoài bặm trợn nhưng đứng về phe công lý, qua loạt vai diễn trong Champion (2018); The Gangster, the Cop, the Devil; Reign of Chaos (2019) hay Eternals (2021),…
Đặc biệt, tài tử 52 tuổi được khán giả yêu thích với những vai diễn trong phim hài hành động.
Phần lớn các cảnh quay trong phim đều sử dụng những gam màu lạnh hoặc u tối. |
Trong Roundup: No Way Out, Ma Dong Seok vào vai Ma Seok Do, một thanh tra cảnh sát với “giao diện” giang hồ. Anh xử lý lũ tội phạm hoàn toàn bằng nắm đấm. Những ngón đòn bạo lực của Seok Do dễ dàng khiến đối thủ phải đo ván. Trong phim, nhân vật đôi lúc được “thần thánh hóa” với những pha một chọi mười, hay thậm chí bị xe đâm, gậy sắt đánh vào đầu nhưng vẫn bình an vô sự.
Dù “hào quang nhân vật chính” có chút lố, phim vẫn gây thiện cảm nhờ biết cách khai thác chất liệu hành động nặng đô. Những màn đấm đá mãn nhãn, ngày càng căng thẳng kết hợp với nhiều loại vũ khí từ gậy cho tới súng hay kiếm mang lại trải nghiệm đa dạng. Tất cả được hỗ trợ bởi âm thanh rất “lực”, đã tai, dù đôi lúc mang lại cảm giác hơi ồn ào.
Bỏ qua những hạn chế nhỏ, Ma Dong Seok đã có màn trình diễn rất ấn tượng trong mắt người xem. Tài tử thể hiện rất tốt các phân cảnh hành động, lại khá duyên dáng trong các pha quăng miếng hài.
Đây cũng là một trong những điểm khiến thương hiệu Roundup được người xem yêu thích, dù kịch bản còn đơn giản, nhiều hạn chế.
Phản diện nhạt nhòa
Bên cạnh cốt truyện cũ kỹ, tuyến phản diện cũng là một điểm trừ khá lớn trong Roundup: No Way Out. Ở phần này, thế lực mà thanh tra Ma Seok Do phải chạm trán được mở rộng, không chỉ là băng đảng ma túy tại Hàn Quốc mà còn cả Yakuza – một trong số tổ chức tội phạm đình đám tại Nhật Bản.
Trong phim, sát thủ Ricky (Munetake Aoki) được “ông trùm” cử tới để xử lý kẻ phản bội, giành lại 20kg ma túy bị cướp đoạt. Gã giang hồ xuất hiện rất hầm hố, có những pha xuống tay khiến khán giả phải rùng mình. Song, ấn tượng mà nhân vật để lại là một kẻ “chỉ biết dùng kiếm mà không biết cách dùng não”.
Ricky có những nước đi khá ngớ ngẩn, không hề có kế hoạch cụ thể. Với kinh nghiệm giết người không gớm tay là thế, gã lại dễ dàng bị lừa bởi những mánh khóe trẻ con. Nhìn chung, nhân vật được xây dựng khá một màu, thiếu nét nguy hiểm của những phản diện mánh khóe, mưu mô.
Tuyến phản diện của phim được xây dựng kém hiệu quả. |
Trong khi đó, mắt xích quan trọng của phim – Joo Seong-cheol (Lee Joon-hyuk) – đội trưởng đội cảnh sát phòng chống ma túy, lại đồng thời là kẻ đứng sau đường dây buôn bán chất cấm. Đây vốn dĩ có thể là điểm sáng nổi bật, tạo bất ngờ nhờ lớp vỏ bọc ngụy trang hoàn hảo. Song, việc biên kịch tiết lộ thân phận nhân vật từ quá sớm khiến phim đánh mất cú plot-twist đắt giá.
Ngoài ra, động cơ, suy nghĩ và tính cách của nhân vật cũng không thuyết phục. Phản diện của Roundup: No Way Out hiện lên theo motif “nói nhiều, nhưng thể hiện chẳng đáng bao nhiêu”. Ngoài việc biết sử dụng nắm đấm và vũ khí, những gã đầu sỏ chỉ biết hành động bột phát, thiếu tính toán, thậm chí sẵn sàng… đấu khẩu qua điện thoại hay có lời thoại cliché theo kiểu “nếu mày dám làm hỏng chuyện thì tao sẽ giết mày”.
Vì nhân vật mang tính đơn biến, màn thể hiện của Munetaka Aoki hay Lee Joon-hyuk không quá đặc biệt hay để lại ấn tượng. Cả hai tài tử chỉ dừng lại ở mức tròn vai, thể hiện được sắc thái lạnh lùng và tàn nhẫn.
Tựu trung, Roundup: No Way Out vẫn là bộ phim giải trí tốt, phù hợp những khán giả yêu thích hành động, bạo lực nặng đô. Kịch bản phim còn hạn chế, tuyến phản diện kém hiệu quả nhưng bù lại, màn thể hiện của Ma Dong Seok là điểm sáng.