“Quý cô thừa kế 2” lấy ý tưởng về góc khuất của giới thượng lưu. Song tác phẩm bộc lộ nhiều hạn chế về câu chuyện lẫn tâm lý nhân vật.
Genre: Tâm Lý – Chính kịch
Director: Hoàng Duy
Cast: Trang Nhung, Huy Khánh, Quyên Qui, Hứa Minh Đạt, Lâm Vỹ Dạ…
Rating: 5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Quý cô thừa kế 2 là đứa con tinh thần thứ 3 của đạo diễn Hoàng Duy sau Ma Dai (2015) và Quý cô thừa kế (2018). Tác phẩm cũng đánh dấu sự trở lại của Trang Nhung sau 10 năm vắng bóng ở địa hạt điện ảnh.
Lấy ý tưởng về góc khuất giới thượng lưu, đề tài gần như đã được khai thác triệt để ở cả điện ảnh Việt Nam lẫn quốc tế, đạo diễn Hoàng Duy đứng trước thử thách phải xây dựng câu chuyện mới mẻ để chinh phục khán giả.
Câu chuyện rời rạc, khó theo dõi
Thuộc thể loại tâm lý, Quý cô thừa kế 2 kể về một gia đình 3 người, mang vẻ ngoài giàu có, hạnh phúc song tồn tại bên trong nhiều vấn đề.
Người bố Cao Minh là một ông chồng gia trưởng, chuyên hạch sách vợ, đồng thời cũng nuông chiều, thoải mái chuyện tiền bạc với con cái. Ngược lại, Hải Đường (Trang Nhung) mang tính cách của một người vợ chịu thương chịu khó, hy sinh tất cả vì gia đình. Cô con gái Kim (Quyên Qui) tuy nổi loạn, bất tuân song lại có phần thấu hiểu nỗi khổ tâm của mẹ. Câu chuyện của phim phát triển dựa trên những tương tác, mâu thuẫn của 3 nhân vật trên.
Hồi đầu bộ phim tập trung giới thiệu tính cách lẫn mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. 10 phút đầu diễn ra khá ổn thỏa khi những đặc điểm cơ bản của nhân vật và các mâu thuẫn ban đầu dần hiện lên. Tuy nhiên, tác phẩm nhanh chóng đánh mất đà tích cực đó. Sau gần 30 phút, hồi một vẫn chưa thể khép lại do phim liên tục giới thiệu thêm nhiều nhân vật phụ và các tuyến truyện khác. Thêm vào đó, việc lời thoại bị diễn giải theo lối văn nói lẫn cách đạo diễn lạm dụng âm nhạc trong mọi phân đoạn cũng gây nên cảm giác mệt mỏi cho khán giả.
Câu chuyện của Quý cô thừa kế 2 lê thê, không có trọng tâm. |
Kết thúc hồi một, thời lượng phim chia đều cho cả 3 nhân vật, với 3 tuyến truyện khác nhau, khiến khán giả mơ hồ trong việc xác định đâu là nhân vật chính và bộ phim đang muốn nói về điều gì.
Chưa dừng lại ở đó, lối kể chuyện không tập trung vào bất kỳ nhân vật nào còn duy trì xuyên suốt bộ phim. Đôi lúc, Quý cô thừa kế 2 nhấn mạnh vào tình tiết người bố ngoại tình. Lúc khác lại chuyển qua khắc họa cô vợ trầm mình, uất ức vì không thể thực hiện đam mê ca hát và bị chồng ruồng bỏ. Khi lại tập trung mô tả tình yêu tuổi trẻ của cô con gái Kim. Thậm chí, tuyến truyện của gia đình bán phá lấu cũng được dành một phần thời lượng không nhỏ.
Sau hơn một tiếng đồng hồ, Quý cô thừa kế 2 ôm đồm quá nhiều mâu thuẫn và dàn trải trong tuyến truyện, khiến khả năng giải quyết mọi thứ thỏa đáng trong thời lượng còn lại không khả thi. Cú plot-twist kết phim cũng khá dễ đoán.
Bên cạnh đó, thiết kế bối cảnh phim cũng là một điểm trừ. Khoác lớp áo là một tác phẩm mô tả đời sống giới thượng lưu, song phần lớn thời lượng, Quý cô thừa kế 2 không có nhiều phân cảnh đưa người xem khám phá cuộc sống của tầng lớp này. Tác phẩm chỉ thể hiện sự giàu có thông qua lời nói và tiền nhân vật cầm trên tay. Những cú chuyển để giới thiệu bối cảnh cũng chỉ lặp lại góc quay từ trên cao, cách thể hiện thường thấy của các phim truyền hình vì vấn đề kinh phí.
Xây dựng nhân vật hời hợt
Với thể loại tâm lý, việc xây dựng các nhân vật hay, có cá tính đặc biệt đóng vai trò lớn, quyết định thành bại của tác phẩm. Tuy nhiên, Quý cô thừa kế 2 không làm tốt điều này. Cả ba nhân vật trong tuyến chính đều xây dựng theo những kiểu mẫu quen thuộc, dễ bắt gặp trong các phim truyền hình về gia đình chục năm trước.
Thêm vào đó, tính cách của họ còn có phần một màu. Hiếm khi người xem thấy được những xung đột nội tâm ở cả ba. Kẻ ác thì xấu xa hoàn toàn, còn người yếu thế cũng không có khả năng vùng dậy. Ông bố Cao Minh bất hiếu với cha, phụ bạc vợ, vẫn vui vẻ bên tình nhân dù con gái đang ở lằn ranh sinh tử. Cô vợ Hải Đường cũng hoàn toàn nhu nhược, phó mặc cuộc đời cho số phận.
Nhân vật được xây dựng một màu, thiếu chiều sâu. |
Ngoài ra, các nhân vật trong Quý cô thừa kế 2 còn thiếu quá trình phát triển. Phim vội vã cho người xem thấy điểm khởi đầu và điểm kết thúc của nhân vật, còn quá trình họ đi như thế nào chỉ hiện lên qua loa bằng những cú montage (đoạn phim tập hợp nhiều cắt cảnh). Cách làm này lặp đi lặp lại trong nhiều phân đoạn quan trọng như khi Kim và bạn trai phải lòng nhau, hay như việc cô và mẹ ra ngoài tự mưu sinh. Từ đó, tác phẩm trở nên nặng tính diễn giải, khó tạo sự kết nối giữa khán giả và nhân vật.
Với Quyên Qui, trong lần đầu thử sức với vai chính, màn trình diễn của cô có thể xem là tạm ổn. Nữ diễn viên thể hiện tròn vai về mặt biểu cảm, song đài từ còn hạn chế khiến tổng thể có phần thiếu trọn vẹn. Phải nói thêm, vấn đề thoại phim được xây dựng thiếu tự nhiên cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến các diễn viên.
Người có màn trình diễn kém thuyết phục nhất trong dàn cast là Otis. Đảm nhận vai bạn trai của Kim, cách anh chàng biểu lộ vẻ lạnh lùng, chững chạc có phần kém tự nhiên, gồng gượng. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa anh và Kim một mặt bị xây dựng hời hời hợt, mặc khác do cả hai chưa tương tác ăn ý khiến tình cảm của cặp đôi hiện lên nhạt nhòa, kém thuyết phục.
Trang Nhung trong lần tái xuất địa hạt điện ảnh cũng không thể hiện quá ấn tượng. Phần lớn bởi nhân vật của nữ diễn viên có phần một màu, thiếu chiều sâu. Hải Đường trong Quý cô thừa kế 2 không có sự chủ động cần thiết của một người phụ nữ muốn bảo vệ gia đình, phần lớn thời gian là những cảnh u uất, than thân. Từ đó, vai diễn không tạo ra thử thách đủ lớn cho diễn viên.
Trang Nhung không thể hiện được quá nhiều trong ngày trở lại. |
Điểm sáng về diễn xuất nằm ở bộ đôi Hứa Minh Đạt – Lâm Vỹ Dạ. Đảm nhận vai vợ chồng bán phá lấu lương thiện, lạc quan – tạo hình đồng nhất với cả hai ngoài đời, cặp diễn viên đã mang đến cho khán giả những phút giây thoải mái, dễ chịu. Tương tác của cả hai cũng dí dỏm và tự nhiên, xóa nhòa ranh giới giữa diễn xuất và đời thực.
Nhìn chung, Quý cô thừa kế 2 là một tác phẩm có nhiều hạn chế. Phim cho thấy sự non tay của đạo diễn trong việc kể chuyện lẫn đào sâu tâm lý nhân vật. Song cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của Hoàng Duy trong việc truyền tải những thông điệp tích cực về gia đình.