“The Room” (2003) luôn bị xếp vào hàng các bộ phim tệ nhất lịch sử. Nhưng tài tử James Franco nay muốn giúp khán giả hiểu hơn về quá trình làm nên “tuyệt tác” của Tommy Wiseau.
Thể loại: Hài hước, tiểu sử
Đạo diễn: James Franco
Diễn viên chính: James Franco, Dave Franco, Seth Rogen
Zing.vn đánh giá: 8/10
“Dở đến mức không thể bỏ qua”, “Bộ phim tệ hại vượt trội của mọi thời đại”, “Công dân Kane của phim dở” (bởi Citizen Kane thường được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất)… Đó là những “mỹ từ” mà giới phê bình và khán giả dành cho The Room (2003) của nhà làm phim độc lập Tommy Wiseau.
Ra mắt lần đầu năm 2003, tác phẩm thuộc dòng bi kịch của vị đạo diễn bí hiểm – người đồng thời sắm vai chính trong phim – nhanh chóng bị báo chí xếp vào danh sách các bộ phim dở nhất lịch sử bộ môn nghệ thuật thứ bảy bởi phần nội dung hỗn độn đến mức khó hiểu, cùng chất lượng diễn xuất và sản xuất khiến người xem chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Nhưng quả là “dở đến mức không thể bỏ qua”, The Room sau đó nhận sự hưởng ứng từ một nhóm khán giả trung thành. Họ coi tác phẩm như một bộ phim… hài hước, và sẵn sàng quay lại rạp mỗi năm để theo dõi “đứa con tinh thần” đầu tiên và cũng là duy nhất của Tommy Wiseau như một thứ tín ngưỡng kỳ quặc.
The Room (2003) do Tommy Wiseau làm đạo diễn kiêm sắm vai chính thường bị coi là tác phẩm điện ảnh dở nhất mọi thời đại. |
Vậy động cơ nào đã khiến Wiseau bỏ tiền túi ra thực hiện thảm hoạ điện ảnh đó? Những yếu tố nào đã biến The Room trở thành tác phẩm “dở kinh điển”? Và tại sao bộ phim cũng như cuộc đời của Tommy Wiseau vẫn giữ được sự hấp dẫn lạ lùng với một bộ phận khán giả sau gần 15 năm, bất chấp chất lượng tồi tệ của The Room?
Đó là những câu hỏi mà đạo diễn – diễn viên James Franco muốn tìm kiếm đáp án thông qua bộ phim mới của anh mang tên The Disaster Artist (tạm dịch: Nghệ sĩ thảm họa) với phần kịch bản chuyển thể từ cuốn tự truyện cùng tên của Greg Sestero. Đó là một diễn viên chính khác của The Room, và đồng thời là bạn thân của Tommy Wiseau.
Tái hiện câu chuyện kỳ lạ tại Hollywood
Bối cảnh mở màn của The Disaster Artist là thành phố San Francisco, Mỹ vào năm 1998. Đó là nơi chàng thanh niên 19 tuổi Greg Sestero (Dave Franco) rụt rè, thiếu tự tin đang vật lộn trong các lớp học diễn xuất với giấc mơ một ngày nào đó sẽ trở thành diễn viên thực thụ.
Tại một khóa học như thế, Sestero gặp gỡ Tommy Wiseau (James Franco) – một diễn viên thiếu tài năng diễn xuất bẩm sinh, nhưng lại có thừa sự tự tin và tiền bạc để theo đuổi tham vọng trở thành sao Hollywood. Tuy không chịu tiết lộ tuổi tác hay quê quán, nhưng rõ ràng Wiseau hơn cậu thanh niên “mặt búng ra sữa” Sestero nhiều tuổi.
Còn nếu dựa vào giọng tiếng Anh lạ lùng, khó nghe của Wiseau, nhiều người có thể đoán rằng anh thậm chí chẳng phải là một người Mỹ thực thụ như Sestero.
Khác nhau về tính cách, xuất thân, nhưng lại cùng chia sẻ tình yêu nghệ thuật, lòng hâm mộ với huyền thoại nổi loạn James Dean và các vở kịch của Tennessee Williams, cũng như giấc mơ trở thành ngôi sao điện ảnh, họ nhanh chóng trở thành bạn thân.
Do đó, ngay khi Tommy Wiseau ngỏ ý rủ Greg Sestero cùng tới Los Angeles – nơi có kinh đô điện ảnh Hollywood và một ngôi nhà “bỏ không” của mình, chàng trai trẻ lập tức nhận lời, bất chấp sự ngăn cản của người mẹ (Megan Mullally). Bà Sestero vốn không tin tưởng cho lắm vào tài năng của con trai, cũng như nghi ngại rằng anh sẽ bị Wiseau lợi dụng.
Hóa ra nỗi lo lắng xuất phát từ tình mẫu tử chỉ đúng một nửa. Tommy Wiseau không hề lạm dụng việc Greg Sestero phải ở nhờ tại căn hộ nhìn ra chân trời phù hoa với những toà nhà chọc trời của Los Angeles.
Song, Sestero quả thực không thể kiếm nổi vai diễn nào ra hồn dù anh rất điển trai và nhanh chóng được nhận vào công ty quản lý diễn viên có tiếng của Iris Burton (Sharon Stone).
Chẳng hơn gì Greg Sestero về tài nghệ diễn xuất, cộng thêm phong cách thời trang kỳ dị và chất giọng tiếng Anh lạ lùng chẳng giống ai, Tommy Wiseau cũng vấp phải hết thất bại này đến thất bại khác tại các buổi thử vai ở Los Angeles.
Mọi chuyện tệ đến mức một nhà sản xuất có tiếng (Judd Apatow) đã nói thẳng rằng dù có tồn tại cả triệu năm hay lâu hơn nữa, Wiseau cũng chẳng có “cửa” ở đất Hollywood vốn đầy rẫy tài năng.
Hai anh em James – Dave Franco lần lượt vào vai Tommy Wiseau và Greg Sestero. Họ là bộ đôi đứng sau “thảm họa” mang tên The Room. |
Mất hết niềm tin vào kinh đô điện ảnh, Tommy Wiseau quyết định tự mình viết kịch bản và bỏ tiền túi ra để thực hiện một bộ phim lấy cảm hứng từ chính cuộc đời mình và người bạn Greg Sestero. Anh hy vọng tác phẩm sẽ là mảnh đất màu mỡ để cả hai thể hiện “tài năng” mà không một ai thừa nhận.
Kể từ đó, Wiseau dành hết thời gian, tiền bạc, và tâm sức vào dự án điện ảnh đầu tay. Nhưng quá trình thai nghén kịch bản và thực hiện của The Room thêm một lần nữa chứng tỏ sự thật phũ phàng.
Anh chàng lập dị không có chút kiến thức nào về sản xuất phim, và tuyệt đối không sở hữu khả năng diễn xuất tầm Hollywood, ngay cả khi nhận sự hỗ trợ từ một người giàu kinh nghiệm như giám sát kịch bản Sandy Schklair (Seth Rogen).
Sự thiếu chuyên nghiệp của Tommy Wiseau trong quá trình chỉ đạo sản xuất và việc phải thực hiện đi thực hiện lại các cảnh quay của mình khiến quá trình ghi hình của The Room bị chậm tiến độ. Hậu quả là ngân sách dự án bị dội lên tới 5-6 triệu USD – con số khổng lồ đối với một tác phẩm độc lập.
Không chỉ chịu vô số áp lực từ The Room, Wiseau còn phải đối diện với thực tế rằng chính Greg Sestero cũng dần trở nên xa cách mình sau khi người bạn thân có bạn gái mới là Amber (Alison Brie).
Nhưng có gặp trở ngại tới đâu, Tommy Wiseau vẫn quyết tâm hoàn thành The Room để có thể kể câu chuyện cuộc đời mình, và chứng tỏ Hollywood đã sai về năng lực diễn xuất của anh.
Đằng sau những tiếng cười
Dù được số đông khán giả biết tới qua vai trò diễn viên ở các dự án bom tấn như bộ ba Spider-Man (2002-2007) của Sam Raimi, Rise of the Planet of the Apes (2011), tác phẩm giúp anh nhận đề cử Oscar đầu tiên 127 Hours (2010), hoặc một số phim hài hước kinh phí thấp nhưng đạt doanh thu cao như Pineapple Express (2008), James Franco thực chất còn là một đạo diễn – diễn viên chuyên trị dòng phim độc lập.
Có lẽ chính bởi chất độc lập chảy trong huyết quản ấy mà anh muốn tái hiện quá trình Tommy Wiseau ấp ủ và hiện thực hoá giấc mơ The Room cách đây gần 15 năm theo cách trân trọng, nghiêm túc, bất chấp sự hài hước đầy trớ trêu sau “thành công” của The Room.
Dĩ nhiên, The Disaster Artist không hề thiếu vắng chất hài hước, bởi bản thân quá trình hình thành của một bộ phim “siêu dở” đã là một câu chuyện đậm tiếng cười. Hơn thế nữa, đứng phía sau hỗ trợ James Franco trong vai trò nhà sản xuất là hai tên tuổi đình đám của dòng phim hài hiện đại Hollywood: Seth Rogen và Evan Goldberg.
Đây là bộ đôi đã tạo nên thành công vang dội về mặt thương mại của hàng loạt tác phẩm như Superbad (2007), Pineapple Express (2008), This Is the End (2013), Neighbors (2014), hay Sausage Party (2016).
Do đó, khán giả chắc chắn vẫn sẽ cười ra nước mắt trước sự ngu ngơ đến khó tin của Tommy Wiseau trên phim, và những phân cảnh được James Franco tái hiện chính xác đến từng khung hình nếu so sánh với The Room.
The Disaster Artist không chỉ có những tiếng cười, mà thực tế còn là câu chuyện quen thuộc về Hollywood. |
Nhưng bản thân kịch bản của The Disaster Artist lại do Scott Neustadter và Michael H. Weber chấp bút. Đây là bộ đôi đã cùng nhau tạo nên một số tác phẩm lãng mạn xuất sắc như (500) Days of Summer (2009) hay The Fault in Our Stars (2014).
Bởi vậy, đằng sau những tiếng cười, The Disaster Artist còn giúp khán giả hiểu hơn về suy nghĩ, về tình cảm buồn vui, và về giấc mộng chẳng thành của Tommy Wiseau.
Đây có lẽ là những điều mà chẳng mấy ai quan tâm, ngoại trừ người bạn thân Greg Sestero của Wiseau. Sự trân trọng đến từ việc phát triển tính cách nhân vật, thay vì nhấn mạnh vào hàng loạt sai lầm nực cười trong quá trình sản xuất The Room, đã giúp cái tên Tommy Wiseau vượt ra khỏi khuôn khổ của “một đạo diễn phim dở kinh điển”.
Anh hiện lên đúng như một nghệ sĩ, đúng như bao cá nhân khác ở Hollywood, luôn cháy bỏng với giấc mơ được chứng tỏ tài năng, được đem câu chuyện cuộc đời mình đến với khán giả.
Có thể có người sẽ trở nên thành công như Mia Dolan (Emma Stone) trong La La Land (2016), có người lại vấp váp vì chẳng thể thích nghi với sự thay đổi của Hollywood như George Valentin (Jean Dujardin) ở The Artist (2011), hoặc suốt đời phải sống trong ánh hào quang của quá khứ như Norma Desmond (Gloria Swanson) của Sunset Boulevard (1950).
Và có người đơn giản là vỡ mộng vì thiếu tài năng và cơ hội như Tommy Wiseau. Nhưng Wiseau cũng chẳng khác gì nhóm nhân vật kể trên, khi anh yêu nghệ thuật bằng cả tấm lòng, sẵn sàng chia sẻ tình yêu ấy với những người xung quanh.
Do đó, dẫu chất lượng của The Room đáng bị người đời đàm tiếu bởi chất lượng dở tệ, tâm hồn trong sáng của một người nghệ sĩ như Tommy Wiseau vẫn là điều đáng tôn trọng.
Tài năng của James Franco
Là một bộ phim về… phim dở, The Disaster Artist có chất lượng nghệ thuật thực tế không quá vượt trội nếu so với nhóm tác phẩm có cơ hội tranh tài tại Oscar 2018. Một phần lý do bởi cuộc đời bí ẩn của Tommy Wiseau không có quá nhiều sự kiện, thiếu các chất liệu kịch tính.
Nếu so sánh với một tác phẩm về phim dở khác là Ed Wood (1994) của đạo diễn Tim Burton, The Disaster Artist tỏ ra còn thiếu chiều sâu, và luôn ở trong trạng thái chênh vênh giữa một tác phẩm hài thông thường và một tác phẩm chính kịch về những góc khuất dưới ánh hào quang Hollywood.
Bởi vậy, ngoại trừ sự trân trọng dành cho Tommy Wiseau rất đáng được ghi nhận, điểm sáng nhất của The Disaster Artist là diễn xuất ấn tượng đến từ James Franco trong vai chính.
Không chỉ khắc họa chính xác điệu bộ và vẻ ngoài rất “dị” của Wiseau, tài tử còn thành công trong việc thể hiện chất giọng tiếng Anh kỳ dị phảng phất “nét Đông Âu”, cũng như tính cách đa chiều của tác giả bộ phim thảm họa The Room.
James Franco cho thấy The Disaster Artist là tác phẩm chứa đựng đầy nhiệt huyết của anh. |
Nếu có theo dõi những bài phỏng vấn James Franco trong quá trình quảng bá cho The Disaster Artist, người xem mới càng cảm nhận rõ nhiệt huyết mà anh dành cho vai diễn và tác phẩm mới. Thật may mắn cho Tommy Wiseau, cũng như cho khán giả, là đam mê của Franco đã không biến thành “thảm hoạ” như The Room.
Trái lại, tài năng có thật của ngôi sao 39 tuổi, kết hợp với niềm đam mê dành cho nhân vật, đã giúp James Franco sở hữu vai diễn hết sức đáng nhớ. Còn khán giả thì nay có thêm cái nhìn đầy đủ hơn về Tommy Wiseau.
Ngay cả sau khi theo dõi xong The Disaster Artist, không ít người có lẽ vẫn sẽ lắc đầu ngao ngán, tự hỏi tại sao một nghệ sĩ bất tài như Tommy Wiseau lại bỏ ra cả gia tài để cho ra đời một tác phẩm tệ hại như The Room.
Nhưng có lẽ họ đã quên mất rằng không chỉ có tiền bạc, Wiseau còn bỏ vào The Room cả giấc mơ làm nghệ sĩ, cả niềm say mê đầy ngây thơ về bộ môn nghệ thuật thứ bảy, và cả sự nâng niu đối với tình cảm bạn bè trên tư cách là một nghệ sĩ.
Tuy Tommy Wiseau có thất bại vì thiếu tài năng, kiến thức, nhưng chừng ấy đầu tư cả về vật chất lẫn tinh thần chẳng phải đã là quá đủ để khán giả ghi nhớ và trân trọng anh, nhất là trong bối cảnh Hollywood đang ngập tràn những vụ bê bối, và không ít nghệ sĩ có tài năng, vị trí thực sự lại lợi dụng chúng cho mục đích dơ bẩn, không chính đáng?