Bộ phim đan xen bi kịch của một người đàn ông thiểu năng trí tuệ, nỗi bất hạnh của cô bé mồ côi cha và cơn cuồng nộ đến từ cộng đồng dân cư vùng nông thôn Hàn Quốc hẻo lánh.
Tội ác thinh lặng (tên tiếng Anh: Stone Skipping) từng được công chiếu vào tháng 10/2018 tại Liên hoan phim Quốc tế Busan. Gần hai năm sau, bộ phim chính thức khởi chiếu rộng rãi phục vụ khán giả.
Cốt truyện hứa hẹn nhiều bất ngờ
Nội dung phim xoay quanh Seok Goo (Kim Dae Myung), một người đàn ông tam tuần với trí tuệ của đứa trẻ lên 8. Anh là chủ xưởng xay xát nằm tách biệt với khu dân cư của một thị trấn hẻo lánh. Ngày nọ, Seok Goo trông thấy cô bé lang thang Eun Ji (Jeon Chae Eun) tại hội làng.
Khi ấy, Eun Ji bị hiểu lầm là kẻ móc túi, còn Seok Goo đã bắt được tên trộm vặt và giải oan cho cô bé. Cả hai nhờ đó trở thành bạn bè. Từ ấy, ngày ngày Seok Goo đều đạp xe đưa Eun Ji đến các công trường xây dựng để tìm tung tích cha cô.
Tội ác thinh lặng gợi nhắc đến cốt truyện của I am Sam (2001), Mother (2009) và Hope (2013). |
Tuy nhiên, cô giáo Kim (Song Yoon A) – người quản lý mái ấm tình thương nơi Eun Ji cư ngụ – bắt đầu lo lắng vì tình bạn bất thường này. Trong khi đó, cha xứ ở nhà thờ địa phương (Kim Eui Sung) tin rằng Seok Goo và Eun Ji hoàn toàn trong sáng.
Biến cố xảy ra khi một đêm mưa gió nọ, Eun Ji không trở về mái ấm. Cô Kim lập tức đến xưởng xay xát thì bắt gặp cảnh Seok Goo đang cố gắng cởi đồ của Eun Ji – khi này đang mê man – trong căn phòng phía sau. Seok Goo bị bắt và xét xử vì tội xâm hại tình dục, còn Eun Ji rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn.
Người đàn ông thiểu năng trí tuệ bị cả cộng đồng ghê tởm, chửi bới và xua đuổi. Chỉ có cha xứ là tin vào sự vô tội của anh và nỗ lực gỡ tội cho người tín đồ sinh ra đã chịu thiệt thòi.
Cách triển khai còn lấn cấn
Trong Tội ác thinh lặng, phản diện không phải vai trò gán cho một con người, đúng sai cũng chẳng định nghĩa được bằng hành vi cụ thể. Cái ác tồn tại như “tà khí”, len lỏi vào suy nghĩ, hành vi của từng nhân vật, như những vòng dây mỗi lúc càng thít chặt xung quanh các nhân vật.
Người xem bị giằng xé bởi hai lựa chọn: họ có thể về phe đám đông phẫn nộ kết tội Seok Goo mà đại diện là cô giáo Kim, hoặc chịu đựng nỗi giằng xé như vị cha xứ khi tin vào sự lương thiện của chàng trai thiểu năng.
Suốt bộ phim, chỉ có cha xứ – người được mẹ Seok Goo gửi gắm anh trước khi qua đời – tìm cách giúp chàng trai dàn xếp sự việc. |
Seok Goo là chàng trai mang tâm hồn của đứa trẻ lên 8, nên mâu thuẫn của bộ phim, ở tầm vĩ mô, gần như trở thành sự đối lập giữa hai quan điểm: trẻ con thì biết gì và bất cứ ai cũng đều phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Tội ác thinh lặng bắt đầu bằng tình bạn trong sáng giữa Seok Goo và Eun Ji, cũng trở nên tăm tối vì một khoảnh khắc gây hiểu lầm nảy sinh từ mối quan hệ ấy. Nhưng sau cùng, hai nhân vật, một trẻ một già, một đã sớm nếm trải cay đắng một lại mãi ngây thơ, lại không có cơ hội bật lên giữa tác phẩm.
Bí ẩn của Tội ác thinh lặng sẽ không bao giờ được làm rõ nhiều phần chính bởi Seok Goo và Eun Ji không có cơ hội, hoặc khả năng, cất tiếng nói bảo vệ mình và người bạn thân thiết.
Seok Goo ngây thơ, ăn không nên đọi nói không nên lời, suốt cả bộ phim vẫn không hiểu mình đã làm gì sai để bị người đời chửi rủa, mất xưởng gạo, và rồi bị chính Eun Ji quay lưng.
Về phía Eun Ji, cô bé cũng không được coi như một nhân chứng. Họ đối xử với em như một món đồ hỏng hóc đang cần sửa chữa. Mọi người dè dặt theo dõi, không hỏi han, nhưng vô cùng năng nổ trong việc đưa ra những suy đoán chủ quan và nhiều phần cảm tính.
Đáng tiếc, nhà làm phim không thể phân tách rạch ròi và chọn ra vấn đề chính họ muốn thể hiện: cuộc chiến pháp đình của cha xứ và cô Kim, vụ điều tra về chân tướng vụ ấu dâm còn nhiều uẩn khúc mà Eun Ji là nạn nhân hay cảnh đời bi thảm của Seok Goo…
Vấn đề của bộ phim, từ chỗ tìm cách minh oan và bảo vệ sự trong sạch của Seok Goo, đã trở thành luận bàn dang dở về thiên lương trong sáng của anh. Câu trả lời không nằm ở bộ phim, mà treo lơ lửng trong tâm trí khán giả.
Ấu dâm – tội ác không được dung tha
Xuyên suốt Tội ác thinh lặng, người Hàn Quốc không tha thứ cho tội phạm ấu dâm dường như là bức thông điệp được thể hiện rõ nét hơn cả. Phim được phát hành chỉ vài tháng trước thời điểm Cho Doo Soon – tên tội phạm ấu dâm có thật mãn hạn tù. Tội ác của Cho gây ra năm 2008 đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của bộ phim điện ảnh Hope (2013).
Hãng AP đưa tin vào ngày Cho Doo Soon ra tù, hàng chục người Hàn Quốc đã tụ tập trước của trại giam. Họ mang biểu ngữ, hô to yêu cầu xử lý nghiêm khắc tên tội phạm, thậm chí có những hành vi cực đoan ngăn cản chiếc xe chở Cho ra khỏi trại. Trên mạng xã hội Hàn Quốc, nhiều bài đăng với nội dung đe dọa trả thù Cho Doo Soon đã nhận được đồng tình của dân mạng.
Trong thế giới của Seok Goo không có nỗi căm tức vì bị hàm oan. Anh chỉ cảm thấy buồn rầu vì bị bạn bè xa lánh. |
Sự tẩy chay quyết liệt ngoài đời thực phần nào đã được phản ánh trong Tội ác thinh lặng. Cư dân thị trấn nơi Seok Goo sinh sống đã chửi bới, xua đuổi, đánh đập người đàn ông mỗi khi anh xuất hiện. Trong mắt họ, Seok Goo không phải một người thiểu năng trí tuệ, mà là một con quỷ đội lốt người.
Thái độ thù địch và ghét bỏ mà Seok Goo hứng chịu trong Tội ác thinh lặng cũng cho thấy tính tất yếu của diễn biến “phép vua thua lệ làng”: dù Seok Goo không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, anh vẫn phải chịu sự kết án của cộng đồng.
Tội ác thinh lặng tung ra khá nhiều manh mối, một vài trong số đó đủ tiềm năng lèo lái câu chuyện sang một hướng mới vững chãi và rõ ràng hơn. Nhưng rốt cuộc, chúng đều bị bỏ lửng. Như thể, nửa chừng tác phẩm, chính nhà làm phim cũng mất dần niềm tin vào sự vô tội của nhân vật.
Việc bỏ lại quá nhiều đầu mối dang dở, câu chuyện ôm đồm nhưng lại thiếu vắng những tình tiết thắt, mở mang tính bước ngoặt khiến Tội ác thinh lặng trở thành một nồi lẩu thập cẩm, quá nhiều nguyên liệu nhưng lại bị nêm nếm chưa đủ vị.