Sau 7 năm vắng bóng, đạo diễn Lê Hoàng quay trở lại đường đua phim Tết với “Trà”. Phim không cho thấy sự tiến bộ.
Genre: Tâm lý – chính kịch
Director: Lê Hoàng
Cast: Việt Hương, Đoàn Trinh, Trương Minh Quốc Thái…
Rating: 4/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Gây tiếng vang vào những năm thập niên 1990, 2000, Lê Hoàng khi đó được xem như người mở ra kỷ nguyên dòng phim thương mại – giải trí tại Việt Nam. Những tác phẩm bấy giờ của ông như: Gái nhảy (2003), Lọ Lem hè phố (2004), Nữ tướng cướp (2004)… đều thắng, thậm chí thắng lớn trên mặt trận thương mại.
Kể từ thời điểm 2010, khi đời sống điện ảnh Việt Nam có sự đổi mới rõ rệt, yêu cầu dành cho các sản phẩm giải trí đại chúng từ đó cũng cao hơn. Và Lê Hoàng dường như không thể bắt nhịp được với guồng thay đổi đó.
3 tác phẩm gần nhất của ông là Tối nay, 8 giờ! (2011), Cát nóng (2012), S.O.S Sói trắng (2017) đều bị giới chuyên môn lẫn khán giả quay lưng. Và Trà (2024) – đứa con tinh thần mới nhất của Lê Hoàng – cũng rơi vào cảnh như vậy.
Đề tài cũ kỹ, cách kể ồn ào
Trà của tên phim chỉ “trà xanh” – cụm từ dành cho những người phụ nữ chen chân vào hạnh phúc gia đình người khác. “Trà xanh” của phim không ai khác ngoài Chích (Đoàn Trinh) – cô gái trẻ có mối quan hệ ngoài luồng với Hải (Trương Minh Quốc Thái) – một người đàn ông giàu có đã lập gia đình.
Sau khi bị Hải từ bỏ, Chích vẫn quyết tâm đeo bám bằng cách xin làm giúp việc cho gia đình anh. Từ đó, câu chuyện đầy drama của phim được mở ra xoay quanh 4 nhân vật: Chích, Hải, vợ Hải (Việt Hương) và Kiki (Trần Hằng Nghi) – cô con gái ăn chơi của Hải và vợ.
Trà khai thác vấn đề ngoại tình, đề tài khiến khán giả “bội thực” khoảng thời gian gần đây với hàng loạt phim truyền hình như: Chúng ta của 8 năm sau, Yêu trước ngày cưới, Chúng ta phải hạnh phúc…
Ở địa hạt điện ảnh, đây không phải là vấn đề quá lớn nếu Lê Hoàng tìm được cách tiếp cận thú vị. Song vị đạo diễn không làm được điều đó.
Phim có cách kể ồn ào, thiếu tinh tế. |
Trà mở đầu với cách đặt vấn đề vụng về, những cảnh nóng phản cảm, cùng với đó là bầu không khí ồn ào được tạo nên bởi nhiều tiếng la hét và câu thoại vô thưởng vô phạt. Điều đó tạo cảm giác mệt mỏi cho khán giả bởi ngay từ đầu, đề tài đã không mới mà cách kể còn ồn ào, trưng trổ thiếu tinh tế.
Sự ồn ào đó được duy trì suốt phim với tiếng nhạc xập xình trong quán bar, những đoạn thoại to tiếng và cả sự xuất hiện dày đặc của các đoạn nhạc nền không mấy giá trị.
Với thể loại tâm lý – chính kịch, khoảng lặng là thứ cần thiết để người xem có thời gian suy ngẫm về những điều phim bày biện. Tuy nhiên, Trà không cho khán giả bất cứ khoảng nghỉ nào. Lê Hoàng “drama hóa” mọi tình huống, trưng trổ tình tiết một cách thiếu tinh tế và cố tình dẫn dụ cảm xúc khán giả chứ không để họ tự cảm nhận.
Cuối cùng, sau khi thước phim cuối cùng khép lại, người ta đặt ra câu hỏi đạo diễn muốn nói điều gì qua Trà? Bởi đề cập đến đề tài ngoại tình trong hôn nhân – một vấn nạn của xã hội, nhưng đến hết hành trình, những kẻ trong cuộc vẫn chưa nhận thức được cái sai trong việc làm của mình. Liệu phim có thật sự phê phán ngoại tình, hay đang dẫn dắt khán giả đi sâu vào những khoái cảm của nó?
Diễn xuất và lời thoại nặng tính kịch
Diễn xuất và nhân vật là hai yếu tố tác động qua lại với nhau. Diễn viên cần nhân vật có chiều sâu để thể hiện và ngược lại, một nhân vật hay cũng cần diễn viên đủ thực lực đảm đương.
Rõ ràng với Trà, một bên cán cân đã gãy khi các nhân vật được xây dựng với những tính cách lố bịch, không ai trong cả 4 có chiều sâu tâm lý, đáng để theo dõi.
Cảnh nóng bị lạm dụng trong phim của Lê Hoàng. |
Là một diễn viên giàu kinh nghiệm, song điểm yếu của Việt Hương nằm ở sự thiếu tiết chế, dư thừa cảm xúc, đôi khi khiến nhân vật ồn ào hoặc đau khổ quá mức cần thiết. Nhân vật người vợ trong Trà khiến nữ diễn viên để lộ nhiều hạn chế về kỹ nghệ diễn xuất. Trong phim, chỉ có duy nhất một phân cảnh người vợ thể hiện sự giằng xé và khát khao bảo vệ gia đình, còn lại là những câu bông đùa kệch cỡm, ồn ào.
Một nhân vật lố bịch không kém là cô “trà xanh “ Chích, người phụ nữ ngây ngô, không biết làm gì ngoài việc đeo bám đàn ông và la hét suốt phim. Với một gương mặt mới như Đoàn Trinh, đây rõ ràng không phải màn chạm ngõ điện ảnh ấn tượng. Cô mờ nhạt trong tác phẩm đầu tay, thậm chí bị kéo vào những cảnh nóng phản cảm, nặng tính phô trương.
Hai nhân vật còn lại cũng được xây dựng khó hiểu, phi logic. Cô con gái Kiki với tạo hình một dân chơi, đua đòi, song thường xuyên lặp lại những câu thoại lỗi thời. Còn Hải, gã đàn ông giàu có, sở hữu cơ ngơi đồ sộ, nhưng lại thiếu bản lĩnh và sẵn sàng quỳ gối trước cô bồ nhí.
Tương tác giữa 4 người tựa như một màn kịch dở bị đem lên màn ảnh, vừa sượng sùng, lại nặng tính kể lể.
Đài từ của các diễn viên không tự nhiên, đậm chất kịch |
Thêm vào đó, lời thoại của các nhân vật cũng thiếu tự nhiên. Nguyên nhân nằm ở việc thoại phim được xây dựng theo lối văn viết – lỗi sai cố hữu của các phim Việt Nam nhiều năm đổ về trước. Đến nay, hạn chế này đã dần cải thiện. thoại của phim Việt cũng tự nhiên hơn. Song Lê Hoàng có vẻ như vẫn chưa bắt nhịp được với sự thay đổi đó.
Cuối cùng, một điểm trừ khác nằm ở cách dựng phim. Trà liên tục lặp lại những cú máy slow-motion kết hợp với âm nhạc tiết tấu nhanh hòng xây dựng bầu không khí căng thẳng. Nó cho thấy sự cũ kỹ của đạo diễn, bởi kiểu dựng phim này đã lỗi thời, đó nay không mấy xuất hiện.
Trà, với nhiều hạn chế kể trên, có thể nói là một màn tái xuất đáng thất vọng của Lê Hoàng. Chưa vội bàn tới việc cạnh tranh trên đường đua phim Tết năm nay, ngay từ việc mang bộ phim như vậy ra rạp đã là điều đáng trách.