Hai bộ phim điện ảnh Việt Nam gần nhất cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng đều bắt nguồn từ các series từng được chiếu miễn phí trên mạng xã hội.
Sau đúng hai tuần trình chiếu, nhà phát hành của Bố già công bố doanh thu đạt 290 tỷ đồng. Theo đó, bộ phim của Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng chính thức vượt qua Avengers: Endgame (2019), trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất thị trường Việt Nam từ trước tới nay.
Thành công của Bố già đến từ nhiều yếu tố như kịch bản gần gũi, tình tiết dễ lấy nước mắt khán giả, tên tuổi lẫn phong độ của Trấn Thành. Cũng không thể bỏ qua điểm tựa tốt từ web drama cùng tên năm 2020, cũng do Trấn Thành đóng chính và sản xuất.
Đầu năm ngoái, loạt phim dài năm tập được Trấn Thành đăng lên YouTube, thu hút hàng chục triệu lượt xem và đứng đầu top video thịnh hành của nền tảng. Thành công của tác phẩm giúp anh có cơ sở cả về truyền thông lẫn chuyên môn cho bản điện ảnh.
Bệ phóng vững chắc của Bố già
Trên thực tế, web drama và phim điện ảnh Bố già không liên quan về mặt nội dung. Ở tác phẩm năm 2020, Trấn Thành hóa thân người đàn ông hành nghề tài xế xe ôm để nuôi gia đình. Còn trong bộ phim chiếu rạp mới đây, nhân vật của anh là người cha làm nghề giao hàng.
Điểm chung của hai tác phẩm là một số diễn viên, nội dung xoay quanh tình cảm gia đình, cuộc sống người lao động và hình tượng người cha tốt bụng dù còn bảo thủ. Tuy nhiên, việc chọn tên Bố già giúp bản điện ảnh lập tức có nhận dạng thương hiệu. Khi Trấn Thành công bố dự án hồi tháng 9/2020, một bộ phận công chúng lập tức tỏ ra quan tâm và trông đợi vì họ từng dành nhiều tình cảm cho web drama.
Web drama Bố già là bước đi cần thiết cho cá nhân Trấn Thành trước khi thực hiện bộ phim điện ảnh cùng tên. Ảnh: Trấn Thành Town. |
Loạt phim chiếu mạng cũng có giá trị trong việc chuẩn bị cho Trấn Thành về chuyên môn. Với số tiền đầu tư 4 tỷ đồng, anh có môi trường thuận lợi để thử nghiệm về câu chuyện, diễn xuất, từ đó tìm ra hướng đi cho bản điện ảnh. Có thể thấy, từ bản chiếu mạng, Trấn Thành đã tìm ra những điều mà anh biết sẽ đánh động cảm xúc của số đông khán giả.
Khi thực hiện lại chúng với quy mô lớn hơn, nam nghệ sĩ đã đại thắng với con số doanh thu kỷ lục. Vũ Ngọc Đãng – đồng đạo diễn phim điện ảnh Bố già với Trấn Thành – từng cho biết anh nhận lời hợp tác do cảm thấy ấn tượng với series chiếu mạng.
Chuyện chỉ có ở điện ảnh Việt
Phát triển phim điện ảnh từ web drama là hướng đi được nhiều nghệ sĩ lựa chọn trong thời gian qua. Phim điện ảnh gây sốt phòng vé ngay trước Bố già là Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (2020), có doanh thu hơn 100 tỷ đồng.
Cả phim này và phần trước – Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội (2019) – đều được phát triển từ series Thập Tam Muội do Thu Trang sản xuất và đóng chính. Cũng năm 2019, Huỳnh Lập thắng lớn với phim điện ảnh Pháp sư mù được dựa trên web drama Ai chết giơ tay.
Bản thân các phim rạp dựa trên web drama còn mắc điểm yếu là cách thể hiện hơi “kịch’, lạm dụng thoại và khả năng tung hứng diễn viên, còn yếu về chất điện ảnh. Ảnh: Galaxy. |
Việc phát triển phiên bản điện ảnh từ web drama có thể xem là hiện tượng độc đáo của ngành phim Việt. Ở các nền điện ảnh lớn trên thế giới, một dự án thường bắt nguồn từ ý tưởng gốc hay văn học, truyện tranh, kịch, phim truyền hình. Nghệ sĩ lớn trên thế giới gần như không mặn mà với các series dài tập chiếu miễn phí, mà cho chúng ra mắt trên nền tảng có trả phí trên mạng Internet.
Điểm chung của các dự án điện ảnh Việt Nam thắng lớn từ web drama là được dẫn dắt bởi các nghệ sĩ hài nổi tiếng. Trước khi làm phim, Trấn Thành, Thu Trang và Huỳnh Lập đều tham gia diễn xuất nhiều năm, quy tụ lượng fan đáng kể.
Các phim rạp được xây dựng quanh phong cách diễn đặc trưng của họ, giúp nhóm nghệ sĩ phát huy tối đa điểm mạnh. Với Trấn Thành, đó là khả năng hoạt ngôn và lột tả các cung bậc tình thân. Thu Trang pha trộn hài với phong cách giang hồ, còn Huỳnh Lập kết hợp tiếng cười với chất kinh dị theo cách duyên dáng.
Sự vụt sáng của Bố già hay Chị Mười Ba chứng tỏ thị trường phim Việt vẫn ở giai đoạn giàu tiềm năng, còn phản ứng của khán giả rất khó lường. Chỉ trong thời gian tương đối ngắn là hai năm, một sản phẩm trên YouTube lại có thể thu hút lượng lớn fan và hóa thành phim rạp hái ra tiền.
Điều này một phần bởi, khác Hollywood, điện ảnh Việt còn sơ khai trong việc kiến tạo các thương hiệu mạnh, bắt rễ sâu trong tâm trí công chúng. Tâm lý người xem do đó cởi mở và sẵn sàng đón nhận các câu chuyện mới, các nhân vật mới như chị Mười Ba hay “bố già”.
Huỳnh Lập trong Pháp sư mù – bộ phim điện ảnh thu hơn 50 tỷ đồng. Ảnh: CGV. |
Giới nghệ sĩ bắt đầu tung ra sản phẩm chuyên nghiệp chiếu trên mạng từ khoảng bốn năm qua, với Thập Tam Muội, Thập Tứ cô nương, Chết thì chịu, Bố già, Kẻ săn tin hay Ông trùm – Dẹp loạn giang hồ. Chúng được đầu tư bài bản, với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng, đôi khi tổ chức họp báo ra mắt báo chí như phim điện ảnh.
Theo các nghệ sĩ, doanh thu trực tiếp từ YouTube cho lượt xem không đủ bù chi phí sản xuất. Lợi ích của họ đến từ các nguồn khác, như tiền quảng cáo thương hiệu, cơ hội tăng tên tuổi để nhận nhiều show hơn.
Huỳnh Lập, chủ nhân của nhiều video đạt hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội, từng nhận định rằng web drama là một cách nghệ sĩ giới thiệu bản thân. Một số người khác cho biết muốn làm phim chiếu mạng để trau dồi nghề nghiệp, tạo bước đệm cho các sản phẩm quy mô hơn.
Tuy nhiên, làm điện ảnh từ web drama không phải cuộc chơi cho tất cả nghệ sĩ. Trên thực tế, trong các phim chiếu mạng vài năm qua, nhiều dự án vấp phải thất bại, không khiến khán giả yêu nhân vật, câu chuyện nền khó lòng phát triển thêm…
Một số sản phẩm đi vào lối mòn, cố ăn theo đề tài giang hồ, thanh xuân, nhưng nội dung thiếu sáng tạo. Khâu kịch bản của chúng thiếu chăm chút, lạm dụng hài nhảm nhí hay tình tiết gây sốc để hút khách. Các series này giữ người xem trên nền tảng miễn phí đã khó, chứ đừng nói đến việc đi đường dài hơn.