Hấp dẫn, ấn tượng và truyền cảm, “Loving Vincent” là lời tri ân chân thành tới vị danh họa tài năng, tạo ảnh hưởng lớn đến nền hội họa thế giới đương đại, nhưng có số phận bi kịch.
Thể loại: Hoạt hình, tiểu sử
Đạo diễn: Dorota Kobiela, Hugh Welchman
Diễn viên chính: Douglas Booth, Jerome Flynn, Saoirse Ronan, Robert Gulaczyk
Zing.vn đánh giá: 8/10
Bối cảnh Loving Vincent là năm 1891, tức khoảng một năm sau ngày mất của Vincent Van Gogh (Robert Gulaczyk). Trong những ngày tháng cuối đời, ông luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người em trai Theo khi cả hai thường xuyên giãi bày tâm sự thông qua những bức thư.
Sau khi Van Gogh qua đời, còn một bức thư cuối cùng của ông chưa kịp gửi đến Theo. Chàng trai trẻ Armand Roulin (Douglas Booth) – con trai người thủ thư, đồng thời là một người bạn của Vincent – được giao nhiệm vụ chuyển lời nhắn cuối đời của ông đến cho em trai.
Trên hành trình đưa thư, anh từng bước khám phá những ngày cuối cùng của người danh họa cùng bí ẩn đằng sau cái chết bất ngờ của ông.
Loving Vincent là tác phẩm đầy độc đáo tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Vincent Van Gogh. |
Từng có nhiều bộ phim tiểu sử tái hiện cuộc đời và sự nghiệp đầy bi kịch của danh họa Van Gogh, cũng như mối quan hệ giữa ông với người em trai Theo, được thực hiện. Song, Loving Vincent là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, một xuất phẩm độc đáo về cách thức thể hiện sáng tạo và công phu chưa từng thấy.
Tuyệt tác hình ảnh tạo nên từ 65.000 bức tranh sơn dầu
Ấn tượng đầu tiên và lớn nhất của Loving Vincent chính là phần hình ảnh độc đáo của bộ phim. Với mục đích tri ân và tôn vinh vị danh họa theo cách chân phương nhất, ê-kíp làm phim đã quyết định thực hiện một tác phẩm hoạt hình với mỗi khung hình trông giống như do chính Van Gogh vẽ nên.
Suốt bảy năm ròng rã, hơn 100 họa sĩ đã kiên trì thực hiện hơn 65.000 bức tranh sơn dầu trên vải toan, mô phỏng lại bút pháp và phong cách sáng tác của Van Gogh.
Từ tạo hình nhân vật cho đến bối cảnh xung quanh, tất cả đều dựa theo các tác phẩm còn lại của ông. Sau đó, mỗi bức tranh vẽ tay ấy trở thành một khung hình, tạo ra buổi triển lãm đồ sộ kể lại những ngày tháng cuối đời của Van Gogh.
Không có lời tri ân nào tuyệt vời hơn dành cho Vincent Van Gogh bằng một tác phẩm điện ảnh được tạo thành từ toàn những bức tranh sơn dầu. |
Trước Loving Vincent, từng có một bộ phim được tạo nên bởi chất liệu sơn dầu. Đó là The Old Man and the Sea (1999) của đạo diễn người Nga Aleksandr Petrov. Tuy nhiên, các khung hình của bộ phim đó vẽ trên kính thay vì trên vải toan.
Do quy trình sáng tạo khác biệt, cần đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn hẳn, có thể thấy Loving Vincent sở hữu chất lượng hình ảnh tốt hơn với phần hiệu ứng chất liệu rõ ràng, nổi bật, cũng như chuyển động nhân vật mượt mà.
Phong cách thể hiện hình ảnh độc đáo của tác phẩm thể hiện rất rõ ý đồ của nhà sản xuất. Để tôn vinh một danh họa qua một tác phẩm điện ảnh, còn gì thích hợp hơn khi thực hiện một bộ phim hoạt hình mà mỗi khung hình gợi nhắc các tác phẩm của ông?
Để khi theo dõi bộ phim, qua từng khung hình, từng cảnh phim, khán giả như được đắm chìm trong thế giới quan khác biệt của chính người họa sĩ, cùng cảm nhận thế giới xung quanh thông qua góc nhìn sáng tạo, nhạy cảm và tinh tế của ông.
Với những cảnh phim hồi tưởng ở thời điểm quá khứ, mỗi khung hình được vẽ nên bằng hai sắc độ trắng – đen có tính tương phản cao với nét bút thiên về tả thực. Điều đó phần nào thể hiện quá khứ không tốt đẹp của Van Gogh. Đối với khán giả và chính danh họa, dường như những gì xảy ra trong cuộc đời ông đều là những thứ quá hiện thực, đơn điệu và ảm đạm.
Đây chính là những gì xảy ra ở thế giới thực – thế giới mà Van Gogh đã bỏ lại phía sau khi tự kết liễu cuộc đời mình. Đó có thể là thế giới mà ông từng sống, tồn tại trong đó, nhưng vị danh họa lại chẳng thể cảm nhận được nó.
Cách thể hiện hình ảnh sáng tạo là điểm cộng lớn nhất của Loving Vincent. |
Nhưng mọi thứ đều ngược lại ở thời điểm hiện tại trong bộ phim. Loving Vincent là thế giới kỳ ảo đầy màu sắc, được tạo nên bởi từng nét sơn dầu thô ráp, nhưng nổi bật, tươi mới và đầy sức sống. Mỗi nhân vật trong phim đều có tạo hình chính xác dựa theo những gì mà Van Gogh đã vẽ lại: từ anh chàng đưa thư Armand Roulin, đến bác sĩ Gachet cùng cô con gái Marguerite…
Ngoại cảnh tác phẩm cũng lấy cảm hứng từ những bức tranh của Van Gogh. Khán giả có thể thấy bức hoa hướng dương, đêm đầy sao hay cánh đồng lúa mì với bầy quạ được tái hiện trên màn ảnh đầy sống động và hợp lý.
Van Gogh đã theo dõi và cảm nhận thế giới xung quanh ông theo cái cách rất riêng với trái tim nhạy cảm cùng nhãn quan phi thường của người nghệ sĩ. Những tác phẩm của Van Gogh chính là thứ kết nối người xem với bản thân ông, cho khán giả biết được trong mắt ông cuộc đời này kỳ ảo, đa dạng, đa sắc ra sao.
Với cách thể hiện hình ảnh sáng tạo, Loving Vincent hoàn toàn thành công trong việc giúp khán giả cảm nhận sâu sắc thế giới quan nghệ thuật của Van Gogh, giúp tạo ra sự đồng điệu trong tâm hồn một cách tự nhiên và truyền cảm.
Câu chuyện nhẹ nhàng, hấp dẫn và nhiều suy tư
Không chỉ gây ấn tượng bằng phần hình ảnh độc đáo, Loving Vincent còn thu hút khán giả nhờ câu chuyện đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng không kém phần hấp dẫn.
Trên hành trình tìm cách đưa bức thư cuối cùng của Vincent Van Gogh cho người em trai Theo, Armand lần lượt gặp gỡ những người từng tiếp xúc hoặc có quan hệ với hai anh em nhà Van Gogh. Từ đó, hàng loạt bí mật liên quan đến cuộc sống và cái chết của cả hai mới dần được hé lộ và sáng tỏ.
Khán giả đại chúng không cần biết rõ về thân thế, sự nghiệp của Van Gogh cũng có thể theo dõi bộ phim dễ dàng, bởi từng giai đoạn quan trọng trong cuộc đời ông đều được nhắc tới khá đầy đủ thông qua các đoạn phim hồi tưởng.
Chân dung vị danh họa cũng dần hiện lên qua nhiều mảnh ghép nhỏ đến từ những ý kiến, cảm nhận chủ quan, đa chiều của người xung quanh ông.
Bộ phim sở hữu yếu tố trinh thám giúp tạo ra sự hấp dẫn cho khán giả. Nhưng đây không phải là điều quá quan trọng sau khi Loving Vincent khép lại. |
Bí ẩn xung quanh cái chết mờ ám của Van Gogh trở thành chất liệu giúp tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm. Loving Vincent mang một chút yếu tố trinh thám, khi anh chàng Armand trở thành nhà điều tra nghiệp dư, tìm cách làm sáng tỏ cái chết của vị danh họa. Anh tổng hợp lời chứng của nhiều nhân vật liên quan, loại bỏ những chi tiết bất hợp lý để dần tìm ra sự thật duy nhất phía sau.
Tuy vậy, Loving Vincent cũng không đặt nặng yếu tố trinh thám, không gò ép mình phải lần ra sự thật đến cùng. Bộ phim kết thúc nhẹ nhàng, không cao trào căng thẳng, không suy đoán hay đánh giá, phán xét đúng sai. Khán giả giống như nhân vật chính Armand, lần lượt đi qua từng nhân vật, lắng nghe từng lời tâm sự, từ đó tự có chủ kiến của riêng mình đối với chúng.
Bởi vậy, bộ phim tuy kết thúc nhưng vẫn gợi lên nhiều suy tư cho người xem về chuyện đời đầy bi kịch của Vincent Van Gogh, khiến người ta tự hỏi rằng rốt cuộc phía sau bộ óc thiên tài kia là trái tim nghệ sĩ lạc lõng, cô đơn đến mức nào.
Giúp tạo nên thành công cho bộ phim còn phải kể đến phần nhạc nền ấn tượng của nhà soạn nhạc Clint Mansell – người đứng sau các tác phẩm nổi bật như Requiem for a Dream, The Fountain, Black Swan… Các bản nhạc mang âm hưởng trầm lắng có phần u uất, day dứt kết hợp tài tình với phần hình ảnh kỳ ảo, và tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đồng điệu về mặt nghe nhìn.
Với câu chuyện nhẹ nhàng, chân phương, hình ảnh và âm nhạc ấn tượng, Loving Vincent là món quà tôn vinh vị danh họa người Hà Lan rất chân thành và đáng nhớ. Đây hẳn là một trải nghiệm điện ảnh độc đáo mà bất cứ khán giả nào cũng nên theo dõi và cảm nhận.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.