Ra mắt sau nhiều lần trì hoãn, bom tấn siêu anh hùng “Wonder Woman 1984” cống hiến cho khán giả phần hình ảnh bắt mắt. Song, nội dung phim không thực sự nổi bật.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim Wonder Woman 1984
Wonder Woman 1984 cùng Birds of Prey là hai bom tấn của Vũ trụ Mở rộng DC (DCEU) nói riêng và Warner Bros. nói chung trong năm 2020. Trước đại dịch Covid-19, Warner Bros. dự định tung ra bộ phim riêng thứ hai về nữ thần chiến binh ra rạp vào ngày 4/6. Nhưng kế hoạch buộc phải thay đổi sau hàng loạt diễn biến phức tạp.
Tới nay, Wonder Woman 1984 trở thành phim siêu anh hùng duy nhất ra rạp trong nửa sau 2020.
Bước phát triển của Wonder Woman sau phần đầu
Tại thời điểm các rạp chiếu phim mỏi mòn chờ bom tấn, còn khán giả ít nhiều đã quên đi cảm giác phấn khích khi thưởng thức một tác phẩm điện ảnh quy mô hoành tráng trong không gian phòng chiếu, sự xuất hiện của Wonder Woman 1984 giống như nắng hạn gặp mưa rào.
Nhiều thập kỷ sau Thế chiến I, Wonder Woman đã làm quen với cuộc sống mới. |
Bộ phim của nữ đạo diễn Patty Jenkins hút mắt khán giả bằng những khung cảnh hoành tráng: từ núi xanh biển biếc của xứ Themyscira tới nước Mỹ thập niên 1980 san sát nhà cao tầng và tấp nập người xe. Sợi chỉ đỏ kết nối hai địa điểm ấy là Diana Prince/Wonder Woman (Gal Gadot). Nàng là công chúa của xứ Themyscira, nhưng cũng là nữ siêu anh hùng sống ẩn mình cùng loài người.
Wonder Woman 1984 mở đầu bằng sự kiện thể thao tại Themyscira vinh danh nữ thần Asteria. Trong cuộc thi năm xưa, Diana mới là một cô bé. Dù thua kém đối thủ cả về sức vóc lẫn tuổi tác, cô bé vẫn hừng hực khí thế cạnh tranh.
Sau khoảng thời lượng dồn dập tại Themyscira, Wonder Woman 1984 đưa khán giả tới nước Mỹ vào thời điểm như tựa đề đã gợi ý. Lúc này, nữ thần chiến binh đã có công việc ở viện bảo tàng, một căn hộ để đi về sớm tối.
So với hình ảnh nữ chiến binh cùng niềm tin bị thử thách trong Wonder Woman (2017), Diana Prince tại thời điểm năm 1984 đã là một phụ nữ trưởng thành hơn. Tuy nhiên, đằng sau vỏ bọc độc lập, xinh đẹp và quyến rũ, cô vẫn là kẻ cô đơn khi gắng lấp đầy căn hộ và tâm trí mình bằng hình ảnh, kỷ vật, cũng như ký ức về người bạn trai đã hy sinh Steve Trevor (Chris Pine).
Phản diện và siêu anh hùng không thuộc về nhau
Trong truyện tranh, phiên bản Cheetah/Barbara Minerva là một nhà khảo cổ học. Cô có được sức mạnh của Cheetah khi lạc giữa rừng già châu Phi và tình nguyện trở thành một phần trong nghi lễ hiến tế của thổ dân nơi đây.
Hai nhân vật Cheetah/Barbara Minerva và Maxwell Lord đều được làm mới so với nguyên tác truyện tranh. |
Còn Maxwell Lord là con trai của một CEO công ty dược phẩm. Bản thân Lord có năng lực thao túng tâm trí kẻ khác. Tuy nhiên, mỗi lần sử dụng năng lực là một lần cuộc đời gã nhích dần hơn đến phút cáo chung.
Trong Wonder Woman 1984, Patty Jenkins đã viết lại tiểu sử của cả hai ác nhân Cheetah (Kristen Wiig) và Maxwell Lord (Pedro Pascal), mang lại cho họ cuộc đời mới, gắn bó mật thiết hơn với bối cảnh nước Mỹ thời bấy giờ.
Maxwell Lord là doanh nhân “kiếm tiền bằng nước bọt” theo đúng nghĩa đen. Gã xuất hiện trước công chúng với bộ dạng giàu có, thành đạt và hoạt ngôn, kêu gọi người dân đầu tư vào dự án “Hợp tác xã Vàng Đen” do mình khởi xướng.
Nhưng đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng ấy, Lord không có kiến thức chuyên môn. Cùng đường, mắc nợ như chúa Chổm, gã ủ mưu chiếm đoạt viên đá ước – một trong những tang vật của vụ cướp ngân hàng được FBI đưa tới bảo tàng nơi Minerva làm việc – để thoát khỏi cảnh túng quẫn.
Có viên đá trong tay, Lord không ước mình giàu sang. Hắn ước bản thân trở thành chính nó. Điều ước biến Lord trở thành thực thể có khả năng thực hiện mọi điều ước của người khác. Nhân vật giống như Thần Đèn trong Aladdin, hay anh chàng Bruce Nolan (Jim Carrey) trong bộ phim hài trứ danh Bruce Almighty (2003).
Ở nửa sau Wonder Woman 1984, khi đã thành thạo siêu năng lực và lộ rõ vai trò phản diện, Maxwell Lord dành phần lớn thời gian để suy nghĩ về cách ban phát thêm nhiều điều ước hơn. Càng nhiều nguyện vọng được thực hiện, lợi ích Lord nhận được từ cuộc trao đổi ngang giá với người ước ngày càng trở nên to lớn.
Khán giả đã quen phản diện trong phim siêu anh hùng thường là những kẻ âm mưu hủy diệt thế giới, quét sạch loài người, hay chí ít, đánh bại siêu anh hùng. Do đó, họ khó công nhận một kẻ như Maxwell Lord là phản diện chính.
Ngay từ đầu, giữa Lord và Wonder Woman đã không có điểm chung. Họ không ở thế đối đầu trong cách đưa quan điểm về một vấn đề. Maxwell Lord quan tâm đến dầu mỏ, còn nàng Diana Prince chỉ dành trọn tâm trí để nghĩ về Steve Trevor.
Wonder Woman của thời bình cũng chỉ chuyên tâm vào vai anh hùng thân thiện cứu giúp mọi người trong những tình huống nguy hiểm đời thường, thay vì để mắt đến âm mưu của gã doanh nhân bất lương. Maxwell Lord chỉ trở thành mối đe dọa thực sự với nữ thần chiến binh khi thế giới trở nên hỗn loạn.
Sự trở lại “cồng kềnh” của Steve Trevor
Một điểm khiến khán giả tò mò về Wonder Woman 1984 là sự xuất hiện của Steve Trevor. Nhưng khi nỗi băn khoăn bằng cách nào anh hồi sinh sau nhiều thập kỷ đã có đáp án, thì câu hỏi khác nhức nhối hơn lại cất lên: liệu sự trở lại của Steve Trevor có xứng đáng hay không?
Sự can thiệp quá sâu của Steve Trevor khiến phần giữa bộ phim trở nên lê thê. |
Năm 2016, do cố gắng nhồi nhét màn xuất hiện của Superman, Wonder Woman và cả nhóm Liên minh Công lý, mọi thứ trong Batman v Superman: Dawn of Justice đều rối rắm và vội vã.
Tương tự, việc tuyến phản diện của Wonder Woman 1984 tách thành hai nhánh Cheetah và Maxwell Lord dường như lợi bất cập hại. Quá nửa bộ phim, cả hai hành động độc lập, theo những tôn chỉ và mục đích khác nhau.
Giữa Cheetah và Maxwell Lord không phát sinh quan hệ chủ – tớ, đồng sự, hay thậm chí yêu đương. Họ không cùng chí hướng hay tầm nhìn chung nào chống lại loài người. Lord muốn là kẻ duy nhất thâu tóm vạn vật, còn Cheetah muốn là kẻ độc nhất.
Sau mở đầu gấp rút ở Themyscira, tốc độ Wonder Woman 1984 chậm dần khi chuyển tới nước Mỹ, và gần như đứng yên sau khi Steve xuất hiện.
Để dành đất cho nội dung lãng mạn giữa Steve và Diana, Wonder Woman 1984 đẩy mạch truyện của Barbara, Maxwell và viên đá ước về hàng thứ, trong khi lẽ ra đó phải là vấn đề trung tâm. Steve thực chất chỉ là sản phẩm tạo ra từ viên đá ước, dựa trên nỗi nhớ mong của Diana Prince.
Tình yêu ngày gặp lại của Steve và Diana khiến Maxwell Lord, trong tư cách mới là nhân vật phản diện, xuất hiện quá muộn màng. Thay vì thỏa mãn trí tò mò về âm mưu của gã doanh nhân, khán giả phải xem cảnh Diana Prince và người yêu khám phá tủ đồ của một người đàn ông sống giữa thập niên 1980, đi bát phố ngắm cảnh sắc nước Mỹ và lái máy bay ngắm pháo hoa nhân ngày 4/7.
Đặt giả thiết, nếu Wonder Woman 1984 được làm ra để Diana có cơ hội nói lời tạm biệt Steve, thì cái cách cô rời bỏ anh, nhanh như ai đó sực tỉnh cơn mơ, lại gây hụt hẫng. Khoảnh khắc ấy quá nhạt nhòa, nếu không muốn nói, là vô cảm so với những gì cả bộ phim đã “hy sinh” cho họ.
Để sự nối dài sự xuất hiện của Steve Trevor, phim cố gắn hình ảnh và những ký ức về anh với khả năng bay lượn mới được khai phá của Wonder Woman. Như thể, nhờ yêu anh, nữ thần chiến binh đã trở thành con người mới, mạnh mẽ, tài giỏi hơn.
Nhưng từ một góc nhìn khác, tương xứng với lối thích cài cắm thông điệp, bài học đạo đức vào mọi cảnh phim của tác phẩm, Steve Trevor trở lại chỉ để gỡ bỏ nút thắt cuối cùng còn ràng buộc Diana với quá khứ qua câu nói: “Thế giới ngoài kia còn nhiều chàng trai tốt hơn anh”.
Lối giải quyết vấn đề
Cuộc đối đầu giữa Wonder Woman với Maxwell Lord ở trạm phát tín hiệu – trận chiến đóng vai trò quan trọng ngang bằng màn đọ sức giữa Superman và tướng Zod ở cuối Man of Steel (2013), hay chính lần Wonder Woman chạm trán Ares ở Wonder Woman (2017) – được xử lý tương đối khuôn sáo.
Cách bộ phim giải quyết phản diện Maxwell Lord có phần sến sẩm và tạo ra nhiều lỗ hổng. |
Maxwell Lord là gã doanh nhân kiếm tiền bằng nước bọt, sức mạnh thể chất không đáng kể so với Wonder Woman. Do đó, khả năng để họ đấu tay đôi là không thể. Toàn bộ màn đọ sức vất vả ấy đã được trao cho Cheetah ngay trước đó.
Dù vậy, người xem vẫn nuôi hy vọng vào phút cuối, Lord sẽ tung ra quân át chủ bài còn giấu kín, khiến nữ hùng dù sở hữu sức mạnh hơn người cũng phải chật vật chống đỡ. Wonder Woman 1984 kết thúc theo đúng công thức “nói ngọt, lọt đến xương”.
Nữ thần chiến binh chỉ cần ngồi trong góc, biến nỗi đau thương vừa trải qua thành lời lẽ, tâm sự về sức mạnh vô song mà sự thật mang đến. Vậy là cô đủ sức thuyết phục hàng trăm triệu con người từ bỏ ham muốn mãnh liệt nhất bên trong họ.
Lời nàng biến đầu đạn hạt nhân thành tro bụi tan trên bầu trời, khiến Trái Đất trở tươi đẹp một lần nữa, khiến con người sẵn sàng tha thứ cho nhau vì mọi lỗi lầm đã qua, bất chấp hậu quả… Đây là một cao trào bi tráng và lãng mạn.
“Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy”. Thực tế đã chứng minh một lời nói ra là một lời không thể rút lại. Ta không thể sửa chữa sai lầm chỉ bằng cách nói “Tôi rút lại điều ước của mình”. Tình phụ tử thiêng liêng cũng không nên là cái cớ giúp sai lầm của Maxwell Lord được “tẩy trắng” như những gì thể hiện ở cảnh cuối phim.
Wonder Woman 1984 hoàn toàn để ngỏ số phận của dàn ác nhân, một dấu hiệu cho thấy trong tương lai những nhân vật này có thể quay trở lại. Phim cũng không trả lời rốt ráo câu hỏi thế giới sẽ ra sao sau khi những điều ước được rút lại? Khi Maxwell Lord từ bỏ điều ước, viên đá sẽ khôi phục hình dáng cũ, hay năng lực ban điều ước sẽ biến mất mãi mãi?
Về tổng thể, Wonder Woman 1984 vẫn tiếp nối mạch nữ tính được khơi nguồn từ phần phim trước. Tác phẩm là một điểm nhấn mềm mại giữa dòng chảy những bộ phim nam tính, thô ráp của Vũ trụ Mở rộng DC nói chung.
Tuy nhiên, Wonder Woman 1984 vẫn gặp khó khăn khi tìm kiếm sự cân bằng giữa yếu tố tình cảm lãng mạn và chất hành động giả tưởng siêu anh hùng.