Dự án có kinh phí 200 triệu USD thể hiện điểm mạnh của Christopher Nolan về sức sáng tạo trong câu chuyện lẫn hình ảnh, nhưng đồng thời bộc lộ điểm yếu ở cảm xúc nhân vật.
Tenet là bộ phim điện ảnh có hành trình ra rạp kỳ lạ bậc nhất năm nay. Được giới thiệu rộng rãi từ 2019, tác phẩm của đạo diễn Christopher Nolan ban đầu dự kiến khởi chiếu từ trung tuần tháng 7. Dù dịch Covid-19 hoành hành, hãng Warner Bros. không dời sâu lịch Tenet như nhiều tác phẩm khác.
Thay vào đó, hãng nhích ngày công chiếu từng chút một, để phim vẫn có thể ra mắt trong mùa hè. Phương án cuối cùng là tác phẩm sẽ không cùng lúc khởi chiếu trên toàn thế giới như mong muốn ban đầu của Nolan. Khán giả Mỹ và Trung Quốc phải đợi Tenet đến đầu tháng 9. Còn tại nhiều nơi khác, trong đó có Việt Nam, bom tấn khởi chiếu trong tuần cuối tháng 8.
Với giới phát hành phim, Tenet còn mang trách nhiệm “giải cứu” phòng vé thế giới sau nhiều tháng ảm đạm. Còn với fan của Christopher Nolan, dự án nhận kỳ vọng lớn với khoản ngân sách cao chưa từng thấy mà nhà làm phim từng nắm trong tay. Cách thức quảng bá phim cũng gây nhiều tò mò khi cốt truyện chính chỉ được hé lộ “nhỏ giọt” qua các trailer.
“Đừng cố hiểu. Hãy cảm nhận”
Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật chính (John David Washington) – một đặc vụ CIA không rõ tên, chỉ tự xưng là The Protagonist (tạm dịch: nhân vật chính diện) – cố gắng đánh cắp một vật quý giá ở Kiev, Ukraine.
Sau chấn thương nặng, anh được tuyển vào một cơ quan mật với chút ít thông tin là từ khóa “tenet” (tín điều) và động tác đan hai bàn tay vào nhau. Nhân vật tiếp cận công nghệ có thể giúp con người và vật thể đi ngược thời gian, đồng thời nhận nhiệm vụ ngăn cản một thế lực có thể gây ra Thế chiến III. Đồng hành cùng anh là chàng trai thông minh, bí ẩn có tên Neil (Robert Pattinson).
John David Washington – con trai của Denzel Washington – sắm vai chính trong phim. Ảnh: Warner Bros. |
Theo tạp chí Total Film, Christopher Nolan nảy ra ý tưởng cho Tenet từ 20 năm trước, và phát triển kịch bản trong vòng 7 năm qua. Nền tảng câu chuyện là giả thuyết về một công nghệ có thể đảo ngược entropy (độ hỗn loạn của hệ thống), giúp vật thể đi ngược dòng thời gian, như viên đạn bay ngược vào nòng súng.
Tình tiết giúp tác phẩm trở nên khác biệt với những bộ phim du hành thời gian, trong đó nhân vật đơn thuần được đưa đến quá khứ hoặc tương lai, sau đó tiếp tục tồn tại theo tuyến tính.
Với Tenet, Nolan trở lại thế mạnh của bản thân: kết hợp những ý tưởng khoa học với kỹ năng kể chuyện để tạo ra sản phẩm giải trí cho công chúng. Nghịch đảo là chủ đề xuyên suốt bộ phim, với nhan đề Tenet là từ theo lối chơi chữ palindrome (đọc xuôi và ngược giống nhau), lấy cảm hứng từ hòn đá Rotas Square.
Tựa phim lấy cảm hứng từ hòn đá Rotas Square. Những cụm từ trên đây được Nolan dùng để đặt cho một số tên riêng trong Tenet. |
Ở nửa đầu, Nolan khai triển tác phẩm từ tốn, cung cấp chút ít thông tin về luật chơi, trong lúc các tình tiết chủ yếu được kể từ góc nhìn thuận chiều. Nhưng sau một bước ngoặt, khán giả có thể tiếp cận bí ẩn chính của câu chuyện, còn nhiều cảnh quay ban đầu có thể hiểu theo cách khác trước. Nếu xem lại lần hai, khán giả dễ thấy nhiều điều được nhà làm phim cài cắm trong cả hình ảnh lẫn lời thoại ở những cảnh ban đầu.
Cũng như nhiều tác phẩm liên quan dòng thời gian, Tenet gợi ra một số suy ngẫm về ý chí tự do lẫn tất định. Liệu những lựa chọn của chúng ta có còn ý nghĩa nếu kết quả sau cùng dường như bất biến? Nếu quá khứ, hiện tại và tương lai cùng tồn tại, chúng có tạo thành một vòng lặp với kết quả luôn cố định, không bao giờ chệch hướng? Nghịch lý ông nội cũng được nhắc lại khi một người liệu có thể tồn tại nếu can thiệp vào sự sống còn của tổ tiên?
Với những câu hỏi này, Nolan khéo léo viết lời thoại để gợi mở, chứ không giải đáp cụ thể. Trong nhiều vấn đề, lời giải đơn giản nằm ở việc niềm tin và cảm giác của con người đặt vào điều gì, như một lời thoại đoạn đầu phim: “Đừng cố hiểu. Hãy cảm nhận”.
Khơi gợi trí tưởng tượng, thiếu hụt về cảm xúc
Trên nền cốt truyện điệp viên với hai tuyến nhân vật rõ ràng, Christopher Nolan tạo ra sự khác biệt về hành động nhờ khai thác tốt ý tưởng chính. Những thứ nghịch đảo giống một cuốn phim tua ngược, va chạm và tương tác với những thứ bình thường. Cao trào cuối phim tạo ra sự thỏa mãn về thị giác với trận chiến dữ dội được kể luân chuyển giữa hai góc nhìn thuận – nghịch.
Tác phẩm mang đến nhiều cảnh hành động hoành tráng với kỹ thuật làm phim thượng hạng. Ảnh: Warner Bros. |
Tuy nhiên, cách dựng phim của Jennifer Lame đôi lúc khiến người xem khó nắm bắt diễn biến, đặc biệt ở cuối tác phẩm. Trong khi đó, nhận nhiệm vụ thay thế Hans Zimmer quen thuộc, nhà soạn nhạc Ludwig Göransson thành công với phần nhạc phim “bắt” được cảm giác mà Nolan cần có, như cảnh mở đầu với tiết tấu dồn dập theo nhịp hành động của các đặc vụ, giúp đẩy cao sự căng thẳng từ khi cốt truyện chính còn chưa rõ ràng.
Tenet thành công khi mang đến những khung hình hoành tráng, cùng cốt truyện kích thích trí tưởng tượng xung quanh giả thuyết khoa học. Nhưng tác phẩm của đạo diễn Christopher Nolan không mạnh trong cách xây dựng nhân vật.
Những con người trong phim nặng tính hình tượng hơn đời thực, với lời thoại thường dùng để giải thích hoặc thúc đẩy câu chuyện thay vì giãi bày nỗi lòng. Hành trình của các nhân vật trong phim thiếu đi những khoảnh khắc cá nhân. Nhân vật chính của John David Washington đi theo mô-típ người hùng kiểu James Bond dần làm quen với trật tự thế giới mới. Anh hành động chuyên nghiệp, mạnh mẽ, nhưng không có nhiều điểm đáng nhớ về tâm lý hay cảm xúc.
Các nhân vật trong phim không để lại nhiều ấn tượng hay cảm xúc cho người xem. Ảnh: Warner Bros. |
Trong vai thứ chính, Robert Pattinson gây ấn tượng nhờ vẻ điển trai, nhưng hơi lạnh lùng, không có nhiều cảnh tung hứng ăn ý với John David Washington. Vai phản diện của Kenneth Branagh bị “kịch” ở những cảnh bộc lộ sự hung dữ. Nhân vật này thừa bạo lực, nhưng không đủ thâm độc để gây ấn tượng với người xem.
Kat (Elizabeth Debicki) ít nhiều gây thương cảm từ hoàn cảnh bị chồng bạo hành, kiểm soát. Tuy nhiên, vai diễn thiếu những cảnh quay đắt giá trong việc thể hiện tình cảm với con trai, dù cô nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của cậu bé đối với bản thân.
Với khán giả Việt, Tenet gây thích thú khi Việt Nam được nhắc tới như một địa điểm quan trọng trong cốt truyện, dù trường đoạn thực tế không được quay tại nước ta. Christopher Nolan vốn từng đến Việt Nam du lịch vào năm 2017, tức thời điểm ông sắp hoàn tất kịch bản tác phẩm.
Phim chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ 28/8.