Đứa con tinh thần của James Wan ghi điểm ở kỹ xảo, bối cảnh hoành tráng nhưng nội dung lại chưa ấn tượng, đặc sắc.
Genre: Siêu anh hùng, Hành động
Director: James Wan
Cast: Jason Momoa, Yahya Abdul-Mateen II, Patrick Wilson…
Rating: 6,5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Sau một thập kỷ, vũ trụ mở rộng DC chính thức khép lại bằng Aquaman và vương quốc thất lạc (tựa gốc: Aquaman and The Lost Kingdom). Đây đồng thời là phim siêu anh hùng cuối cùng của 2023 – năm chứng kiến dòng phim một thời gây bão toàn cầu bước vào giai đoạn thoái trào.
Dự án với kinh phí sản xuất 205 triệu USD do “phù thủy” James Wan đạo diễn, ra mắt khán giả Việt từ 22/12.
Tính giải trí cao, kỹ xảo hoành tráng
Sau khi đánh bại em trai và trở thành vua của Atlantis, Arthur Curry (Jason Momoa thủ vai) lập gia đình với công chúa Mera. Cả hai có một cậu con trai kháu khỉnh. Thế nhưng, đây cũng là lúc Arthur bận bịu xoay sở giữa hai trọng trách trị vì Thất hải và dành thời gian chăm sóc gia đình.
Khoảng thời gian bình yên không kéo dài bao lâu khi phản diện Black Manta (Yahya Abdul-Mateen II đóng) trở lại. Với lòng căm thù Arthur, gã rắp tâm hủy diệt những thứ anh bảo vệ bằng mọi giá. Nhờ sức mạnh từ cây đinh ba hắc ám, Black Manta từng bước tấn công Atlantis và tàn phá sự sống trên Trái đất. Arthur liều lĩnh cướp ngục, giải thoát cho em trai Orm (Patrick Wilson đóng) với mong muốn cả hai cùng nhau chống lại mối hiểm họa, bảo vệ hành tinh khỏi kết cục diệt vong.
Ấn tượng đầu tiên mà hậu truyện Aquaman để lại là tính giải trí cao, từ hình ảnh, âm thanh cho tới kỹ xảo… Trái ngược với nhiều đồn đoán trước đó, phim vẫn mang màu sắc tươi sáng chủ đạo. Cùng với nội dung đơn giản, dễ nắm bắt, khán giả dù chưa theo dõi phần 1 vẫn có thể yên tâm thưởng thức phim mà không có gián đoạn đáng kể nào.
Jason Momoa và Patrick Wilson kết hợp khá ăn ý trong phim. |
Kế thừa điểm sáng từ phần phim gốc, Aquaman 2 tiếp tục chiêu đãi khán giả bằng loạt bối cảnh hoành tráng, mãn nhãn. Người xem liên tục được đưa đến những địa điểm phong phú, từ động băng, thành phố đáy biển, khu chợ đêm, sa mạc cho đến cánh rừng đột biến… Quần thể sinh vật cũng theo đó mà chuyển biến sinh động. Dù là dưới đại dương sâu thẳm hay những ngóc ngách xa xăm trên mặt đất, thế giới động thực vật muôn hình vạn trạng đều có thể chinh phục thị giác người xem.
Ngoài ra, hệ thống công trình kiến trúc và các nền văn hóa trong phim cũng được xây dựng rất công phu. Không dừng lại ở màu sắc khoa học viễn tưởng, Aquaman 2 còn mang tới nhiều thiết kế im đậm sắc thái thần thoại, sử thi.
Xuyên suốt thời lượng 124 phút, bộ phim của James Wan không ngừng phô diễn điểm mạnh kỹ xảo. Tới đây, người xem hẳn đã hiểu vì sao đạo diễn từng mạnh miệng tiết lộ có đội ngũ nghệ sĩ VFX giỏi nhất trong ngành.
Thực tế, phần hình ảnh của Aquaman 2 chưa phải hoàn hảo, nhưng cũng khó tìm được bất kỳ điểm trừ đáng kể nào. So với nhiều phim siêu anh hùng gần đây, hậu truyện Aquaman có quyền tự hào là một trong những tác phẩm có phần nhìn hoàn thiện nhất.
Bên cạnh hình ảnh, soundtrack trong phim cũng khá ấn tượng, được nhà soạn nhạc Gregson-Williams “phù phép” kỹ lưỡng. Nó bổ trợ rất tốt cho các cảnh phiêu lưu, hành động của Aquaman 2. Trong khi đó, hiệu ứng âm thanh cũng được chăm chút cẩn thận, khiến khán giả như được trực tiếp trải nghiệm hành trình của nhân vật trong phim.
Tình tiết cũ, nội dung thiếu chiều sâu
Nội dung Aquaman 2 dễ nắm bắt vì khá đơn giản. Đây là nước cờ an toàn của nhà sản xuất sau hàng loạt biến cố với hãng phim và dòng phim siêu anh hùng nói chung.
Song, sự an toàn này cũng dễ rơi vào cái bẫy nhàm chán.
Phản diện của Aquaman 2 nhạt nhòa, kém ấn tượng. |
Cách khai triển tình tiết khá cũ kỹ, dễ đoán. Mô-típ “cặp đôi hoàn cảnh” cũng chưa được vận dụng sáng tạo, chủ yếu xoay quanh việc tạo thêm nhiều mảng miếng hài. Phim thiếu biến cố, bước ngoặt thực sự ấn tượng để ghi điểm trong lòng khán giả. Tất cả diễn ra khá nhẹ nhàng, dẫn đến hành trình phim mờ nhạt, chưa đủ chiều sâu. Ngoài ra, việc lựa chọn kết cục cho các nhân vật trong dự án khép lại DCEU cũng quá an toàn, tạo cảm giác “dĩ hòa vi quý”.
Phản diện Black Manta là điểm trừ lớn nhất phim. Nhân vật đóng vai trò quan trọng, song chỉ được xây dựng và phát triển hời hợt. Thành thử, câu chuyện của nhân vật trong phần 2 vô cùng nhạt nhòa.
Kể từ những khoảnh khắc đầu tiên xuất hiện, hành trình chiếm được sức mạnh của Black Manta khá ngẫu nhiên và dễ dàng. Những động thái, kế hoạch hay quyết định của phản diện cũng tỏ ra thiếu thuyết phục. Gã không tạo được bất cứ áp lực đáng kể nào.
Phim cố gắng khắc họa một Black Manta nguy hiểm – kẻ có thể “kê súng vào đầu thế giới rồi bóp cò mà không cần đưa ra bất cứ yêu sách nào”. Nhưng thực tế, nhân vật này chỉ là một tấm nền không hơn không kém cho màn thể hiện của bộ đôi Orm và Arthur.
Ngoài ra, các thông điệp vĩ mô về môi trường, triết lý kẻ cầm quyền cũng được cài cắm khá lộ liễu, gượng gạo. Tình cảm gia đình – thứ vốn đã xây dựng khá tốt ở phần trước – lại chưa được khai thác đủ sâu trong phần tiếp theo.
Phim tập trung vào các pha cận chiến, thay vì những màn tổng tấn công với quy mô khổng lồ. |
Với những khán giả yêu thích phim siêu anh hùng, mảng hành động luôn là một trong những điều khiến họ quan tâm. Trong tác phẩm của James Wan, yếu tố này được hoàn thiện tương đối tốt. Aquaman 2 sở hữu nhiều cảnh cận chiến khá kịch tính, thu hút, kéo dài từ giữa tới cuối phim. Tuy nhiên, cũng giống như Black Panther 2, pha tổng tấn công cuối cùng lại chưa thực sự bùng nổ, với quy mô còn hạn chế.
Rõ ràng, với trận chiến mang tính quyết định tới an nguy Atlantis và cả Trái Đất, khán giả kỳ vọng một pha “combat tổng” hoành tráng, hầm hố hơn. Song, James Wan lại lựa chọn kết phim một cách an toàn.
Cũng vì vậy, người xem dễ nhận thấy cảnh hành động của Aquaman 2 chủ yếu sử dụng những góc quay cận, tập trung vào các ngón đòn hay kỹ năng của nhân vật. Tất nhiên, vẫn sẽ có những cảnh toàn khoe nền văn minh khổng lồ dưới nước hay những cảnh cháy nổ, rượt đuổi hoành tráng.
Tổng quan, Aquaman 2 vẫn là lựa chọn giải trí tốt cho khán giả ra rạp dịp cuối năm. Phim ghi điểm với phần nghe nhìn, dù nội dung chưa quá ấn tượng, đặc sắc.