Bộ phim mới do Ngô Thanh Vân đóng vai trò nhà sản xuất tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt và có chất lượng ổn xét trên mặt bằng chung của điện ảnh Việt.
Thể loại: Tâm lý
Đạo diễn: Lộc Trần, Kay Nguyễn
Diễn viên chính: Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, Ngô Thanh Vân, Hồng Vân
Zing.vn đánh giá: 7/10
Cô Ba Sài Gòn là bộ phim mới do Ngô Thanh Vân đứng vai trò nhà sản xuất. |
Cô Ba Sài Gòn bắt đầu bằng bối cảnh hiệu may Thanh Nữ tại Sài Gòn vào những năm cuối thập niên 1960. Đó là nơi đã có truyền thống may áo dài suốt 9 đời liền với bà chủ hiện tại là Thanh Mai (Ngô Thanh Vân).
Song, cô con gái rượu Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) lại chẳng mấy mặn mà với bộ trang phục truyền thống dân tộc, mà chỉ thích nghiên cứu về Âu phục. Điều này khiến bà Thanh Mai hết sức phiền lòng, và mối quan hệ giữa hai mẹ con ngày một trở nên căng thẳng.
Trong một lần “nghịch ngợm” viên ngọc gia bảo của dòng họ, Như Ý đột nhiên bị cuốn tới thời hiện đại. Cô bé lí lắc bàng hoàng nhận ra mình đã đặt chân đến thời điểm 2017. Nhà may Thanh Nữ nay đã suy sụp, và căn biệt thự nhà cô sắp bị dùng để siết nợ. Đáng buồn hơn, Như Ý của năm 2017 vì một lý do nào đó đã đổi tên thành An Khánh (Hồng Vân), và là một bà cô nát rượu, bất đắc chí.
Câu chuyện xuyên không được giữ kín
Ý tưởng xuyên không có lẽ không còn quá mới lạ đối với khán giả hiện đại. Nhưng nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cùng ê-kíp đã rất khôn ngoan khi gần như giấu kín chi tiết này tới phút chót.
Những tưởng Cô Ba Sài Gòn là câu chuyện chủ yếu diễn ra ở bối cảnh Sài Gòn xưa, nhưng chuyện xảy ra ở thời điểm 2017 với Như Ý mới là nội dung chính của bộ phim.
Cuộc “đối đầu” giữa Như Ý và An Khánh quả là một chi tiết thú vị. Liệu nếu gặp mặt phiên bản năm xưa của bản thân, chúng ta sẽ nói điều gì? Hay phiên bản trẻ con của chúng ta sẽ có chất vấn gì đối với bản thân ở thời điểm hiện tại?
Mạch truyện Như Ý – An Khánh là điểm thú vị nhất của bộ phim. |
Những xung đột thường diễn ra trong nội tâm nay được cụ thể hóa thành câu chuyện của Như Ý – An Khánh trong Cô Ba Sài Gòn. Tuy một mà hai, họ có những màn tranh cãi tay đôi hài hước nhưng đáng suy ngẫm qua phần thể hiện của Ninh Dương Lan Ngọc và Hồng Vân. Cả hai rốt cuộc nhận ra dù là phiên bản nào thì mình cũng cần phải trưởng thành hơn.
Tổng thể kịch bản của Cô Ba Sài Gòn tương đối đơn giản. Xương sống của bộ phim là hành trình trưởng thành của Như Ý khi tìm về nguồn cội chiếc áo dài. Các tình huống hài hước đan xen được thể hiện nhẹ nhàng, duyên dáng, bên cạnh một vài phân đoạn cảm động.
Cũng chính vì đặt nặng tình cảm gia đình, yếu tố tình yêu trong Cô Ba Sài Gòn gần như không có. Mối quan hệ giữa Như Ý và Tuấn (ST 365) được chủ động giản lược, tránh làm loãng và rối mạch phim.
Từ đây, Cô Ba Sài Gòn giống như một tác phẩm tôn vinh phái đẹp. Hầu hết nhân vật trong phim đều là nữ giới. Họ đều mạnh mẽ, thành đạt, và rất tài năng. Từ Thanh Mai, Thanh Loan cho tới Như Ý, Helen (Diễm My 9X), họ dường như không cần một người đàn ông nào đó để gặt hái thành tựu trong cuộc sống.
Yếu tố thời trang nổi bật
Cùng với sự trưởng thành của bản thân, nhân vật Như Ý càng thêm yêu chiếc áo dài. Thứ phục trang tưởng như cũ kỹ hóa ra vẫn có thể được cách tân kiểu dáng, hoa văn. Cô Ba Sài Gòn phần nào đó chính là sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Điểm chưa được có lẽ nằm ở tình tiết bí kíp may áo dài của nhà may Thanh Nữ. Nó xem chừng còn đơn giản và là “chướng ngại” mà Như Ý vượt qua hơi dễ dàng ở cuối phim. Điều đó vô tình khiến những mâu thuẫn của cô gái ở đầu phim bỗng trở nên nhẹ ký hơn.
Yếu tố thời trang được đầu tư và nhấn mạnh xuyên suốt bộ phim. |
Song, không chỉ có áo dài, bộ phim còn thực sự đầu tư kiến thức chuyên ngành thời trang. Thay vì những câu thoại chung chung về việc giành giật hợp đồng, các nhân vật thuyết trình về sản phẩm, nói về các phong cách thời trang, các thương hiệu đình đám…
Khán giả theo dõi bộ phim có lúc như được sống trong môi trường thời trang đúng nghĩa, với những nhân vật rất hiểu điều mà mình đang làm.
Khôn ngoan đi kèm tiếc nuối
Tái hiện bối cảnh Sài Gòn của thập niên 1960 không phải là điều dễ dàng. Ê-kíp của Cô Ba Sài Gòn đã khôn ngoan khi chủ yếu thực hiện những cảnh nội ở đầu phim, và kèm theo đó là một số trường đoạn phim tư liệu xưa.
Không khí hoài cổ được gợi lên chủ yếu nhờ phần âm nhạc bao gồm những ca khúc như Mộng chiều xuân, Sài Gòn đẹp lắm… Sự cổ kính cũng toát lên từ màu phim, đạo cụ, và đó xem ra là lựa chọn hợp lý đối với một đoàn làm phim Việt ở thời điểm hiện tại.
Khi Như Ý chu du tới năm 2017, không chỉ đối mặt với bản thân, cô còn gặp thách thức từ nhân vật Helen. Phần nội dung xoay quanh nữ giám đốc thời trang quyền lực chắc chắn sẽ khiến người nhớ ngay tới bộ phim nổi tiếng The Devil Wears Prada – Yêu nữ xài hàng hiệu.
Ở đây, phải đặt câu hỏi liệu ê-kíp Cô Ba Sài Gòn muốn “tri ân” tác phẩm nổi tiếng của minh tinh Meryl Streep hay sao chép lộ liễu mô típ đã có sẵn của phim Hollywood.
Mâu thuẫn giữa các nhân vật liên tục xảy ra. Và quá nhiều mâu thuẫn khiến cách xử lý ở 1/3 cuối tác phẩm hơi gấp gáp. Nếu như chuyện Như Ý – An Khánh đi vào lòng người nhờ phần diễn xuất thuyết phục của NSƯT Hồng Vân, thì chuyện Như Ý – Helen vẫn còn hời hợt, chủ yếu bởi nhân vật của Diễm My 9X hơi thiếu đất diễn.
Không có cao trào nào đẩy được cảm xúc lên cao, và câu chuyện của Cô Ba Sài Gòn càng về sau càng dễ đoán. Cái kết của bộ phim hơi sến và thiếu tính đột phá khi nhân vật chính lại như có một bài “diễn văn” dành cho khán giả.
NSƯT Hồng Vân là điểm sáng về diễn xuất của bộ phim. |
Sự nổi bật của Ninh Dương Lan Ngọc
Trong số dàn diễn viên, Ninh Dương Lan Ngọc chính là “linh hồn” của tác phẩm. Vai diễn Như Ý giúp người đẹp thêm một lần nữa khẳng định tài năng. Cô lột tả hợp lý quá trình trưởng thành của nhân vật chính: từ lúc chảnh chọe, bướng bỉnh, rồi bỡ ngỡ trước thời hiện đại, tới lúc trở nên biết cảm thông hơn.
Cái hay của Ninh Dương Lan Ngọc là cô có thể khiến người xem từ ghét tới yêu nhân vật thông qua chuyến hành trình của Như Ý.
Diễm My 9X là một bất ngờ của Cô Ba Sài Gòn khi hóa thân thành Helen có tạo hình và tính cách mạnh mẽ, khác xa với nhiều vai diễn “bánh bèo” trước đây của cô. Song, NSƯT Hồng Vân có lẽ mới là điểm sáng nhất về mặt diễn xuất. Phiên bản “lầy lội” của Như Ý rất duyên dáng, hài hước, dù lúc nào cũng phải tỏ ra bê tha, chán chường.
Không có nhiều diễn viên nam trong phim, và ngay cả ST 365 cũng không được dành cho nhiều đất diễn. Điều này càng khiến anh lộ ra sự non nớt trong diễn xuất với nhiều biểu cảm còn đơ cứng.
Nhìn chung, Cô Ba Sài Gòn là một tác phẩm chỉn chu, mang tính giải trí cao. Bộ phim có chất lượng ổn xét trên mặt bằng của điện ảnh Việt, nhưng hoàn toàn còn có thể làm được tốt hơn thế nếu mạo hiểm và sáng tạo hơn thay vì copy The Devil Wears Prada.
Phim được trình chiếu trên toàn quốc từ 10/11.