Tác phẩm hoạt hình mới của xứ sở hoa anh đào lấy chủ đề chính là tệ nạn bắt nạt trong nhà trường, để lại cho người xem nhiều ngậm ngùi và suy ngẫm.
Thể loại: Hoạt hình, tâm lý
Đạo diễn: Naoko Yamada
Diễn viên lồng tiếng: Miyu Irino, Saori Hayami, Aoi Yūki, Kenshō Ono
Zing.vn đánh giá: 8/10
Là quốc gia sở hữu nhiều giá trị văn hóa, xã hội tốt đẹp, Nhật Bản luôn được cả thế giới ngưỡng mộ, kính phục với đôi chút tò mò. Tuy nhiên, cũng do nề nếp truyền thống mà tại xứ sở hoa anh đào lại nảy sinh một tệ nạn kinh khủng: bạo lực học đường.
Ở cái tuổi còn vô tư và đang trưởng thành về mặt nhân cách, học sinh Nhật Bản thường bị gò ép vào khuôn khổ thay vì được tự do thể hiện cá tính. Những đứa trẻ có điều gì đó khác biệt với đám đông sẽ bị số còn lại cô lập, thậm chí bắt nạt, bày đủ trò trêu chọc dã man.
Bộ phim hoạt hình Nhật Bản A Silent Voice được thực hiện dựa trên loạt manga nổi tiếng cùng tên. |
Trong A Silent Voice, Shoko Nishimiya (Saori Hayami) là một trường hợp như thế. Cô bé có vẻ ngoài xinh xắn, hiền lành, nhưng lại bị khiếm thính. Không giao tiếp được như người bình thường, càng cố hòa nhập, càng cố nhẫn nhịn, Shoko càng trở thành mục tiêu bắt nạt của bạn cùng lớp.
Một trong số những kẻ bắt nạt cô bé là Shoya Ishida (Miyu Irino). Sau khi sự việc bị phanh phui, Shoko quyết định chuyển trường. Oái oăm thay, chính Shoya trở thành “kẻ thế chỗ”, bị bạn bè cho nếm mùi “địa ngục trần gian”. Nhiều năm sau đó, hai người gặp lại nhau khi đã trở thành học sinh trung học.
Bức tranh thu nhỏ của xã hội Nhật Bản hiện đại
Đặt ra tiền đề thú vị rằng liệu kẻ chuyên đi bắt nạt sẽ trở nên ra sao khi trở thành người bị bắt nạt, A Silent Voice tái hiện cuộc sống học đường Nhật Bản dưới lăng kính của chính những người trong cuộc, nơi mà phương thức trốn tránh chỉ có thể là chuyển đi nơi khác hoặc là tự sát.
Những đứa trẻ có gương mặt ngây thơ, thánh thiện, nhưng có thể nghĩ ra vô số trò bắt nạt bạn bè theo cách vô cùng tàn nhẫn. Tất cả tạo ra ký ức tuổi thơ tồi tệ, trở thành vết thương khắc sâu vào tâm trí nạn nhân đến suốt cuộc đời.
Phim mở đầu bằng cảnh Shoya Ishida – cậu học sinh trung học khỏe mạnh, bình thường, có mẹ yêu thương và cô cháu gái xinh xắn – lên kế hoạch tự tử. Thật rùng rợn khi một cậu bé đang ở lứa tuổi rực rỡ nhất của đời người lại toan tính chỉn chu cho cái chết của mình.
Thông qua hệ thống nhân vật đa dạng, A Silent Voice giống như một bức tranh thu nhỏ về xã hội hiện đại Nhật Bản. |
Trường đoạn lập tức khiến người xem tò mò muốn biết lý do gì đã đẩy Shoya đến bước đường cùng, và tại sao người cuối cùng cậu muốn gặp trên đời lại là cô bạn cùng lớp đã chuyển trường từ hồi tiểu học.
Cô bé ấy là Shoko, nhân vật từng bị Shoya ngỗ ngược chọc phá chỉ bởi bị khiếm thính, có tính tình hiền lành và giọng nói kỳ quặc. Đỉnh điểm, cậu bé rút phăng máy trợ thính khiến tai Shoko bị chảy máu.
Song, đáp lại ngần ấy trò bắt nạt không phải là lòng hận thù. Shoko chỉ muốn “được trở thành bạn bè” với Shoya và các bạn trong lớp. Trải qua thời gian, cậu bé ngỗ ngược mới hiểu được cảm giác rất đỗi chân thành ấy khi trở thành nạn nhân mới, bị chúng bạn xa lánh, xua đuổi.
Tuy nhiên, A Silent Voice không chỉ đơn giản xoay quanh quan hệ nhân – quả giữa Shoko và Shoya, mà còn mở rộng ra với nhiều nhân vật phụ có tính cách phức tạp.
Đó là người mẹ vô tư nhưng hết mực thương con của Shoya, là cậu bạn thân béo ú lạc quan hài hước Hirose, là cô em gái cá tính mạnh mẽ của Shoko, hay cô bé xấu tính Ueno, cô bé Kawai giả tạo, chuyên đóng vai người tốt… Tất cả giúp tạo nên bức tranh trường học – gia đình – xã hội tương đối phong phú tại xứ Phù Tang.
“Thanh âm lặng im” từ học đường
Bước sang nửa sau, bắt nạt học đường không còn là chủ đề chính của A Silent Voice nữa. Nó chỉ là nền tảng để tạo nên tính cách nhân vật khi trưởng thành. Từ một cậu bé hoạt bát, mạnh mẽ, Shoya thu mình trong vỏ ốc, luôn cúi gằm mặt, thậm chí không có nổi một người bạn ở trường.
Shoko thì luôn tự đổ lỗi cho bản thân, phải phụ thuộc vào mẹ và em để tiếp tục tồn tại, và thậm chí từng thực hiện hành động tự sát. Hầu hết nhóm trẻ còn lại dần nhận ra sai lầm của bản thân (hoặc không), và nhận lấy bài học riêng để thêm lớn khôn.
Giống như bom tấn Your Name (2016), A Silent Voice cũng sở hữu nét vẽ trau chuốt, âm nhạc phù hợp. Tuy mang chủ đề nặng nề, bộ phim vẫn tràn ngập những khung cảnh thơ mộng, khắc họa vẻ đẹp gây xao xuyến của thiên nhiên Nhật Bản qua bút pháp tỉ mỉ.
Trên nền hình ảnh tuyệt đẹp, nỗi đau mà hai nhân vật chính phải hứng chịu càng trở nên rõ nét. |
Trên cái nền đẹp đẽ nên thơ ấy, nỗi đau khổ mà đôi nhân vật chính phải trải qua vô tình càng trở nên nổi bật. Sự bình yên giả tạo đã che khuất những góc tối tăm của cuộc sống học đường Nhật Bản, nơi mà tiếng kêu cứu từ nạn nhân chỉ yếu ớt như một “thanh âm im lặng” (như tựa đề tiếng Anh của bộ phim), không được ai quan tâm hay giúp đỡ.
Có lẽ cách khắc họa bạo lực học đường trong A Silent Voice sẽ gây ra tranh cãi nhất định đối với khán giả đến từ nền văn hóa khác. Những người “yêu công lý” sẽ cảm thấy khó hiểu tại sao sau khi phải trải qua chừng ấy trò quậy phá, Shoko vẫn nhẫn nhịn và quay lại làm bạn với người bắt nạt mình.
Ngoại trừ Shoya, những đứa trẻ khác vào hùa cũng không mấy hối hận, không phải chịu sự trừng phạt từ nhà trường. Có lẽ rằng tại Nhật Bản, nơi mà tinh thần samurai luôn được tôn vinh, nạn nhân cần phải tự chịu trách nhiệm về tình trạng bản thân, phải tự kiên cường vượt qua khó khăn, thay vì chờ đợi công bằng xảy ra.
Được thực hiện dựa trên loạt manga cùng tên có độ dài bảy tập, A Silent Voice cũng khó lòng có thể lột tả rõ nét sự thay đổi trong tâm lý nhân vật như các trang truyện. Đôi lúc, phim đưa vào những cảnh quay đặc tả có phần dài dòng, thực sự thách thức đối tượng khán giả chưa quen với phim hoạt hình Nhật Bản.
Bạo lực học đường, sự chán ghét cuộc sống, tình trạng mông lung với tương lai, mối rung cảm đầu đời, khán giả có thể tìm thấy rất nhiều đề tài nóng bỏng ở A Silent Voice. Tuy nhiên, đây là bộ phim không hề dễ xem, và đòi hỏi khán giả cần phải bao dung, cộng thêm chút kiên nhẫn, để thưởng thức trọn vẹn thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải.
A Silent Voice (Dáng hình thanh âm) đang được trình chiếu rộng rãi tại các rạp trên toàn quốc.