Bom tấn “The Battleship Island” là tác phẩm chất lượng của điện ảnh Hàn Quốc. Nhưng đạo diễn Ryoo Seung-wan tỏ ra khá cực đoan khi muốn hướng nội dung đến tinh thần ái quốc.
Thể loại: Chiến tranh, kịch tính, hành động
Đạo diễn: Ryoo Seung-wan
Diễn viên chính: Hwang Jung-min, So Ji-sub, Song Joong-ki
Zing.vn đánh giá: 7/10
Hashima là một hòn đảo nhỏ nằm ở phía tây nam của Nhật Bản, cách thành phố Nagasaki khoảng 15 km. Từng là mỏ khai thác than sầm uất hoạt động từ cuối thế kỷ XIX cho đến khi đóng cửa vào năm 1974, Hashima được coi là biểu tượng cho quá trình công nghiệp hóa của xứ sở hoa anh đào. Song, đó cũng là địa danh lịch sử gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trong thời kỳ Thế chiến II.
Trong giai đoạn ấy, hàng trăm người dân Triều Tiên – lúc này đang nằm dưới ách đô hộ của Đế quốc Nhật Bản – đã bị ép đi lao động nô dịch tại mỏ than trên đảo Hashima.
Tuy nhiên, sự thật lịch sử chưa bao giờ được chính phủ Nhật chính thức thừa nhận hoặc công bố đầy đủ. Và Hashima trở thành điểm nóng nhạy cảm trong mối quan hệ chính trị ngoại giao giữa hai nước, đặc biệt khi hòn đảo được đệ trình lên UNESCO để trở thành Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2015.
The Battleship Island – Đảo địa ngục là bộ phim mới nhất của đạo diễn nổi tiếng Ryoo Seung-wan. |
Bộ phim The Battleship Island là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Ryoo Seung-wan, lấy cảm hứng dựa trên những sự kiện có thật tại Hashima. Đây không phải là cái tên xa lạ đối với người hâm mộ điện ảnh xứ kim chi, bởi anh vốn là người đứng sau nhiều dự án điện ảnh chất lượng như The Unjust (2010), The Berlin File (2013), hay mới nhất là Veteran – Chạy đâu cho thoát (2015).
Tác phẩm mới là lần đầu tiên Ryoo Seung-wan thử sức với thể loại chiến tranh lịch sử. Mang đề tài nhạy cảm và đậm tính thời sự, cộng thêm ngân sách lên tới 25 tỷ won (gần 22 triệu USD), The Battleship Island là dự án rất được người dân Hàn Quốc và cộng đồng fan của điện ảnh xứ kim chi mong đợi vào mùa hè năm nay,
Bộ phim ra đời khi hàng loạt nhà làm phim Hàn Quốc đã và đang khai thác đề tài cuộc kháng chiến chống lại Đế quốc Nhật Bản của bán đảo Triều Tiên: từ các tác phẩm nghệ thuật kinh phí thấp Dongju: The Portrait of a Poet hay Spirits’ Homecoming, cho tới những dự án bom tấn như Assassination (2015) hay The Age of Shadows (2016).
Tần suất dày đặc của dòng tác phẩm càng khiến công chúng mong chờ The Battleship Island, với hy vọng Ryoo Seung-wan sẽ có lối tìm tòi và khai thác sáng tạo hơn, tạo ra điểm nhấn cho chuỗi phim “chống Nhật” đang ngày một đi vào lối mòn.
Tái hiện hòn đảo khủng bố, đầy bạo lực
Khoản ngân sách 25 tỷ won của The Battleship Island được thể hiện rõ trên màn ảnh. Không thể ghi hình tại bối cảnh thực, hãng CJ Entertainment tạo ra phim trường giả rộng bằng 2/3 hòn đảo Hasima, có diện tích lên tới 66,000 m2 ở Chuncheon, Gwangwon.
Cấu trúc hòn đảo giống như một thành phố nhỏ được chia đôi thành hai khu vực: một bên là cộng đồng người lao động Triều Tiên bị nô dịch, một bên là khu đặc quyền của người Nhật Bản. Cùng với đó là những hầm lò, mỏ than, bến tàu, trường học cho trẻ em Nhật Bản, cùng khu phố đèn đỏ.
Bầu không khí chung của bộ phim là u ám, nghẹt thở, với bối cảnh chủ đạo là hòn đảo Hashima. |
Tông màu chủ đạo của The Battleship Island là tối tăm, lạnh lẽo, và u ám. Bối cảnh phim chủ yếu là khu hầm mỏ chật hẹp, tù túng, ăn sâu xuống dưới biển, và loạt khu nhà cũ kỹ, xơ xác của người lao động Triều Tiên.
Không chỉ làm nổi bật bối cảnh lịch sử đen tối, đạo diễn Ryoo Seung-wan còn muốn mang đến bầu không khí ngột ngạt, sợ hãi khi đưa máy quay theo những người thợ mỏ bị bắt ép làm việc mà không có bất cứ thiết bị an toàn nào hỗ trợ. Họ phải đào sâu xuống biển, lách người vào khe đá hẹp để khai thác, với nỗi lo nổ khí ga có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hàng loạt tội ác của Đế quốc Nhật Bản cũng không bị bỏ qua, mà được lột tả trần trụi, tàn bạo. Đám quân đội Nhật trong phim gồm toàn những kẻ xấu xa, độc địa, tham lam, đạo đức giả. Hướng phát triển ấy là một chiều và cực đoan, nhưng giúp kích thích động lực cho các nhân vật trong phim có thể thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”.
Và The Battleship Island cũng không thiếu những trường đoạn hành động ấn tượng, chỉn chu. Sự tàn bạo và khốc liệt của chiến tranh được lột tả qua nhiều cảnh phim đẫm máu. Nhưng chúng chủ yếu xuất hiện ở cuối phim, và khiến nửa đầu tác phẩm hơi lê thê, dài dòng.
Dàn diễn viên chất lượng, đồng đều
The Battleship Island sở hữu hệ thống nhân vật dày đặc, với dàn diễn viên đầy thực lực.
Trong đó, màn trình diễn của Hwang Jung-min và Kim Soo-an trong vai hai cha con nhạc công Lee Kang-ok là tâm điểm diễn xuất của toàn bộ tác phẩm. Tình phụ tử của họ diễn ra tự nhiên, hợp lý, đồng thời là mạch truyện chính giúp dẫn dắt bộ phim.
Hwang Jung-min và Kim Soo-an là hai cái tên nổi bật nhất về mặt diễn xuất của The Battleship Island. |
Ngôi sao nhí Kim Soo-an có lẽ là ngôi sao sáng nhất của The Battleship Island khi cô bé tỏ ra không hề kém cạnh gương mặt kỳ cựu Hwang Jung-min. Diễn xuất tự nhiên, linh hoạt, cùng thần thái tự tin giúp diễn viên trẻ không hề bị lu mờ trước bậc tiên bối. Còn Hwang Jung-min cũng không gặp mấy khó khăn trong vai người cha thương con đầy khôn khéo.
Nhóm diễn viên còn lại đều thể hiện tròn vai: từ So Ji-sub trong vai tay đấm đường phố Choi Chil-sung, Lee Jung-hyun trong vai cô gái bị bắt làm nô lệ tình dục, cho tới Song Joong-ki trong vai người lính Park Moo-young. Tuy nhiên, họ thiếu điểm nhấn để trở nên đáng nhớ hơn trong một tác phẩm có rất nhiều nhân vật xuất hiện.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Sở hữu nhiều tiềm năng và dàn diễn viên đồng đều, nhưng The Battleship Island thực tế lại là một bước lùi của đạo diễn Ryoo Seung-wan nếu so sánh bộ phim với Veteran – tác phẩm thu hút hơn 13 triệu lượt khán giả Hàn Quốc hồi mùa hè 2015.
Thông điệp chống Nhật của bộ phim là rất mạnh mẽ, nhưng cách thể hiện có phần cường điệu, thậm chí cực đoan. Bởi nhóm nhân vật phản diện – quân đội Nhật Bản và bè lũ cai quản mỏ than Hashima – chỉ là những kẻ ác đơn thuần, một chiều, nông cạn. Chúng cứ thế la hét, quát tháo, áp bức và lạm dụng người lao động Triều Tiên, tức “tranh thủ” thể hiện sự xấu xa mọi lúc, mọi nơi.
Hàng loạt chi tiết nhằm kích động lòng yêu nước của khán giả Hàn được cài cắm lộ liễu, phô trương, như khi nhân vật Lee Kang-ok cắt đôi lá cờ “Mặt trời mọc” của Đế quốc Nhật Bản trong cuộc di tản ở cuối phim.
Sự cực đoan về mặt tư tưởng nội dung đã khiến The Battleship Island mất không ít điểm. |
Nâng tầm nhân vật chính bằng cách “dìm hàng” đối phương một cách thiếu khách quan có thể khiến khán giả quốc tế nhận thấy rõ ý đồ đề cao chủ nghĩa dân tộc có phần cực đoan của đạo diễn Ryoo Seung-wan. The Battleship Island lẽ ra đã có thể là một tác phẩm phản chiến nhân văn, thay vì mang tư tưởng kích động thù hằn dân tộc rõ ràng như thế.
Sự ôm đồm về mặt nhân vật khiến nhiều tuyến truyện chưa được giải quyết rốt ráo. Hậu quả là khán giả khó lòng biết nên “đầu tư” cảm xúc cho nhân vật chính nào cụ thể. Lee Kang-ok (Hwang Jung-min) là gương mặt có nhiều đất diễn nhất, và anh là người sở hữu mục đích rõ ràng nhất trong toàn tác phẩm.
Nhưng bản thân Kang-ok lại không phải là cái tên có hành động mang tính quyết định cuối cùng. Choi Chil-sung của So Ji-sub ban đầu được xây dựng như một vai chính nổi bật, nhưng bất ngờ mất hút và bị đẩy xuống làm kép phụ.
Thay vào đó, nhân vật của Song Joong-ki bất ngờ xuất hiện mà không hề báo trước, nhanh chóng đảm nhận vai trò quan trọng cho cả bộ phim. Bản thân đây là một người lính xa lạ, với nhiệm vụ bí mật trên hòn đảo mà không hề liên quan tới những con người thống khổ nơi đây. Nhưng rồi, chàng lính Park Moo-young lại trở thành vị cứu tinh cho hàng trăm con người.
Cách xây dựng và phân bổ đất diễn thiếu hợp lý của Ryoo Seung-wan khiến mạch cảm xúc của người xem bị ảnh hưởng, còn bản thân tác phẩm trở nên rối rắm không thực sự cần thiết.
Nhìn chung, The Battleship Island là tác phẩm tương đối u ám, nặng nề. Những ai theo dõi sự nghiệp của đạo diễn Ryoo Seung-wan suốt hơn một thập kỷ qua có thể cảm thấy hụt hẫng.
Dù sao, sự công phu về mặt kỹ thuật cùng diễn xuất chất lượng của dàn diễn viên là điều không thể chối bỏ, và có thể giúp bộ phim lôi cuốn khán giả cho tới tận phút chót.
The Battleship Island khởi chiếu tại Việt Nam từ 18/8 dưới tựa Đảo địa ngục.