‘Gintama: Linh hồn bạc’: Món quà tuyệt vời dành cho fan của manga

Người hâm mộ bộ “Gintama” nói riêng và truyện tranh Nhật Bản nói chung chắc chắn sẽ bị lôi cuốn bởi phiên bản chuyển thể người đóng do ê-kíp làm phim xứ sở hoa anh đào thực hiện.

Trailer bộ phim ‘Gintama: Linh hồn bạc’ Tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ loạt truyện tranh nổi tiếng cùng tên của Nhật Bản với ngôi sao Shun Ogori trong vai chính.

Thể loại: Giả tưởng, hài hước, hành động
Đạo diễn: Yūichi Fukuda
Diễn viên chính: Shun Oguri, Masaki Suda, Kanna Hashimoto, Yūya Yagira, Masami Nagasawa
Zing.vn đánh giá: 7/10

Gintama bộ truyện tranh Nhật Bản dài kỳ do tác giả Sorachi Hideaki sáng tác và minh họa trên tạp chí Weekly Shōnen Jump của nhà xuất bản Shueisha kể từ suốt năm 2003 cho tới nay.

Bối cảnh tác phẩm là phiên bản giả tưởng của kinh thành Edo, Nhật Bản vào thế kỷ XIX, khi Trái đất bị các sinh vật ngoài hành tinh gọi chung là Amanto xâm lược. Gintama bao gồm hàng loạt truyện ngắn xoay quanh cuộc sống thường nhật của nhóm nhân vật chính: anh chàng samurai hành nghề tự do Gintoki Sakata, cùng hai người bạn Shinpachi Shimura và Kagura.

Với phong cách hài hước độc lạ đặc trưng, khác biệt so với hầu hết manga dành cho thanh thiếu niên cùng thời, Gintama thu hút lượng độc giả hâm mộ đông đảo, và trở thành một trong những loạt manga thành công nhất của tạp chí Weekly Shōnen Jump.

Tính đến nay bộ truyện đã xuất bản gần 70 tập, bán được hơn 50 triệu bản chỉ riêng tại thị trường Nhật Bản và vẫn tiếp tục duy trì sức hấp dẫn bền bỉ qua mỗi chương truyện.

review phim Gintama anh 1
14 năm sau chương truyện đầu tiên, Gintama rốt cuộc đã có phiên bản điện ảnh người đóng (live-action).

Nhiều sản phẩm ăn theo loạt truyện gốc đã ra đời như một series hoạt hình dài kỳ đang trình chiếu trên kênh TXN, hai phim hoạt hình chiếu rạp, một series light-novel (tiểu thuyết), cùng nhiều tập OVA (anime lẻ với nội dung độc lập). Nhưng phải sau 14 năm, Gintama mới được chuyển thể thành phiên bản phim điện ảnh người đóng (liveaction).

Bộ phim Gintama mới ra mắt chủ yếu dựa trên hồi truyện Benizakura, kéo dài trong hai tập 11 và 12. Sau trận chiến với người ngoài hành tinh Amanto, ba người bạn thân từ thuở bé Gintoki Sakata (Shun Oguri), Kotaro Katsura (Masaki Okada) và Shinsuke Takasugi (Tsuyoshi Domoto) vì nhiều lý do mà chia tay, mỗi người lựa chọn một con đường riêng.

Cùng với cậu thanh niên Shinpachi Shimura (Masaki Suda) và cô nàng chiến binh Kagura (Kanna Hashimoto), Gintoki lập nên bộ ba Yorozuya chuyên nhận công việc vặt để trả tiền nhà hàng tháng.

Một ngày, Gin nhận nhiệm vụ tìm kiếm quỷ kiếm Benizakura bị thất lạc. Đúng lúc đó Kotaro bị ám sát bởi một kẻ giết người hàng loạt đang lộng hành. Trong quá trình truy đuổi kẻ thủ ác, Gintoki dần khám phá ra toàn bộ sự kiện liên quan tới một âm mưu đảo chính nhằm thống trị cả Edo, và có liên quan tới người bạn cũ Shinsuke Takasugi.

review phim Gintama anh 2
Nhân vật chính Gintoki Sakata
 do tài tử nổi tiếng Shun Oguri thể hiện.

Việc chuyển thể các bộ truyện tranh Nhật Bản dành cho đối tượng độc giả nam giới (shounen, seinen) thành phiên bản người đóng luôn là thử thách không nhỏ đối với đội ngũ sản xuất phim.

Bên cạnh nhóm tác phẩm có thể coi là thành công như Rurouni Kenshin, Death Note, Assassination Classroom hay Crows Zero, thì cũng có không ít thất bại như Attack on Titan, Terra Formars hay Gantz. Với độ phổ biến của bản thân, Gintama là tâm điểm thu hút công chúng, đồng thời tạo ra sức ép không nhỏ cho ê-kíp làm phim.

Trung thành và bám sát tinh thần nguyên tác

Bộ phim Gintama phiên bản chuyển thể trung thành và bám sát tinh thần nguyên tác. Tác phẩm điện ảnh live-action xây dựng nội dung câu chuyện gọn gàng, với một số chi tiết sáng tạo, được bổ sung một cách hợp lý, tiết chế và không bị quá đà nhưng nhiều phim khác cùng thể loại.

Một điểm tích cực là biên kịch của bộ phim đã khai thác tốt phần nội dung giúp xây dựng, phát triển tâm lý giữa các nhân vật của nguyên tác. Thông qua những trường đoạn hồi tưởng, người xem có thể hiểu về mối quan hệ của bộ ba Gintoki – Katsura – Takasugi trong quá khứ, cũng như biến cố khiến họ chia tay.

review phim Gintama anh 3
Nội dung và tinh thần hài hước tới mức “lầy lội” của nguyên tác truyện tranh được truyền tải thành công lên màn ảnh rộng.

Chất hài hước độc lạ, có phần “lầy lội” của Gintama được đạo diễn Yūichi Fukuda chuyển thể lên màn ảnh rộng khá thành công. Bộ phim không thiếu các cảnh đối đáp, pha trò vừa hài hước, vừa hại não, với các trường đoạn hài chất như nước cất” quen thuộc như khi Cục trưởng Isao Kondo (Nakamura Kankurō VI) hồn nhiên mặc nguyên khố đi rượt gái bỏ quên nghĩa vụ, hay cảnh Elizabeth khéo léo để lộ lông chân

Gintama cũng không quên đặc sản là các cảnh parody (giễu nhại) nhiều sản phẩm truyện tranh, hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng khác. Fan của bộ manga nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung chắc chắn sẽ cảm thấy thích thú khi thấy nhiều tác phẩm nổi tiếng bị đem ra “chế” không thương tiếc như One Piece, Dragon Ball Z, Parasyte, Nausicaä of the Valley of the Wind, Space Battleship Yamato

Các nhân vật trong Gintama phiên bản điện ảnh live-action cũng rất đáng khen. Bộ phim sở hữu dàn diễn viên toàn trai xinh gái đẹp với tạo hình bám sát nguyên tác.

Diễn xuất của họ thể hiện trọn vẹn khí chất, cá tính đặc trưng của mỗi nhân vật, nổi bật nhất có lẽ là hai vai chính Gintoki của Shun Oguri và Kagura của Kanna Hashimoto.

Ưu điểm và khuyết điểm lẫn lộn

Bên cạnh nhiều ưu điểm nổi bật đáng ghi nhận, Gintama vẫn tồn tại một số điểm trừ và khiến khán giả có thể cảm thấy tiếc nuối.

Theo sát nguyên tác, Gintama sở hữu số lượng nhân vật đông đảo, ngập tràn những trò đùa thâm thúy với hàng loạt từ lóng, chi tiết giễu nhại. Khán giả đại chúng nếu chưa từng đọc qua nguyên tác truyện tranh hoặc không hiểu rõ văn hóa Nhật Bản sẽ cảm thấy tương đối khó khăn trong việc tiếp cận và thưởng thức tác phẩm trọn vẹn.

Các cảnh hành động trong phim có chất lượng chưa đồng đều. Trong khi nhiều trường đoạn khá tốt, như trận chiến giữa Gintoki và quỷ kiếm Benizakura cuối phim, thì có vài cảnh khác lại sử dụng hiệu ứng kỹ xảo để che giấu phần chỉ đạo hành động còn sơ sài.

review phim Gintama anh 4
Gintama có nhiều điều đáng khen, nhưng lẽ ra đã có thể trở nên đáng nhớ hơn nữa.

Hiệu ứng hình ảnh của Gintama lạm dụng kỹ xảo đồ họa vi tính. Một số chi tiết được thực hiện đẹp mắt, công phu như hình ảnh chú chó Sadaharu hay quỷ kiếm Benizakura; nhưng số khác lại tạo ra cảm giác thiếu chân thực như phần ngoại cảnh phi thuyền bay trên trời, hay hiệu ứng do các cảnh đấu kiếm gây ra.

Bên cạnh các diễn viên thể hiện tốt, thì vẫn có một vài gương mặt để lộ ra sự hạn chế, còn thô cứng, chưa linh hoạt trong nét diễn. Hoặc có nhân vật như Matako Kijima của Nanao, hay Tae Shimura của Masami Nagasawa, lại quá cường điệu.

Nhìn chung, Gintama không phải là tác phẩm dành cho số đông đại chúng. Nhưng sự trung thành với tinh thần hài hước của nguyên tác chính là món quà tuyệt vời dành cho những ai đã trót yêu bộ truyện tranh của Sorachi Hideaki trong suốt gần 15 năm qua.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Gintama: Linh hồn bạc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *