Phim sử dụng nhiều chất liệu, song lại lãng phí vì chưa khai thác chúng đủ sâu, tinh tế để tạo nên câu chuyện thực sự ấn tượng.
Genre: Kinh dị
Director: Trần Hữu Tấn
Cast: Hoàng Hà, Võ Điền Gia Huy, Thanh Trực, Chiều Xuân, Viết Liên…
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Sau khi bị dời lịch chiếu vì chưa được cấp phép, phim điện ảnh Kẻ ăn hồn chính thức ra rạp từ ngày 15/12. Theo ê-kíp sản xuất, tác phẩm phải trải qua 3 lần kiểm duyệt trước khi trình diện khán giả. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cây bút Thảo Trang, Kẻ ăn hồn được gắn nhãn 18+ vì có nhiều cảnh máu me, kinh dị.
Dự án được thực hiện bởi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân – bộ đôi đứng sau thành công của Tết ở làng Địa Ngục. Series này ngay khi ra mắt đã lọt bảng “hot pick” trên kênh K+ và nền tảng Netflix khu vực nội địa suốt nhiều tuần liền.
Giàu chất liệu
Lấy bối cảnh nhiều năm trước các sự kiện trong Tết ở làng Địa Ngục, Kẻ ăn hồn mở ra với đám cưới của Phong (Hoàng Hà) và Sang (Võ Điền Gia Huy). Ngay sau đó, dân làng liên tục phải chứng kiến những vụ án giết người rùng rợn. Mỗi nạn nhân đều bị hung thủ lấy mất một bộ phận, lúc là đầu, khi là đôi mắt, lá gan hay kể cả tay chân…
Sống trong nỗi lo sợ, mọi người bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau.
Sở hữu dòng máu thuần âm, Phong có thể nhìn thấy linh hồn người đã khuất. Ngay trong đám cưới của mình, cô phát hiện hình bóng một người đàn bà áo đỏ kỳ lạ. Sau hàng loạt kỳ án, cô con gái trưởng làng suy đoán đã có kẻ luyện tà thuật “đoạt xác hoàn hồn”, cho phép hồi sinh người chết, điều binh khiển quỷ. Chỉ là chẳng có ai, kể cả gia đình chịu tin cô.
Tương tự Tết ở làng Địa Ngục, Kẻ ăn hồn đầu tư chỉn chu về bối cảnh, đúng chất sơn cùng thủy tận. Bầu không khí ma quái, kinh dị duy trì tương đối ổn định. Màu phim u tối, ám xanh xám tạo cảm giác rùng rợn. Nổi bật là sự xuất hiện của gam màu đỏ, chủ yếu tới từ ánh sáng ngọn lửa. Đây vốn là điềm báo về sự bất ổn, ma quái trong các phim cùng thể loại.
Ngoài ra, ê-kíp chủ ý đan cài những chất liệu văn hóa dân gian một cách sáng tạo. Ví như phong tục cưới hỏi được lấy cảm hứng từ câu chuyện “đám cưới chuột”, hay kẻ sát nhân ra tay dựa trên bài vè quen thuộc với nhiều thế hệ dân làng.
Kẻ ăn hồn lấy bối cảnh trước các sự kiện của Tết ở làng Địa Ngục. |
Một số chi tiết gây chú ý từ bản truyền hình cũng được sử dụng, như đò chở vong hồn, hay thuật chế rượu sọ người. Chúng xuất hiện và gây được ấn tượng, tạo cảm giác ma mị mà lôi cuốn. Không ít cảnh nặng đô, chặt chém, máu me cũng được đưa vào tác phẩm. Điều này phần nào chiều lòng các mọt phim kinh dị, song có thể “quá sức” với những người xem yếu tim. Ngoài ra, yếu tố âm nhạc chưa phải xuất sắc nhưng cũng góp phần làm tăng tính nặng nề, u ám.
Với Kẻ ăn hồn, đạo diễn vẫn chọn cách kết hợp kinh dị và một chút trinh thám, làm tăng nét kịch tính, giật gân. Song, dưới hình hài của một dự án điện ảnh, thuật kể chuyện theo đó cũng mang tính khúc chiết hơn.
Nhân vật chính được khắc họa khá rõ nét. Câu chuyện về Phong cùng hành trình vén màn sự thật đằng sau những cái chết bí ẩn có sức nặng. Mọi chuyện được khéo léo dẫn dắt từ giai thoại “ngoại trừ gia đình trưởng làng, người dân nơi đây hứng chịu lời nguyền không thể xuống núi”. Chính vì vậy, khi bi kịch xảy ra, họ buộc phải đưa ra lựa chọn giữa “ra ngoài kia đối mặt với lời nguyền nguy hiểm”, hay “ở yên trong làng và không biết bị giết lúc nào”.
Thiếu tận dụng
Kẻ ăn hồn dài khoảng 109 phút – khoảng thời lượng trung bình dành cho các tác phẩm kinh dị. Song, đứa con tinh thần của đạo diễn Trần Hữu Tấn vẫn khiến người xem cảm thấy dài. Điều này tới từ việc hồi đầu lê thê, kể lể quá nhiều.
Hoàng Hà thủ vai Phong – con gái của trưởng làng, mang dòng máu thuần âm. |
Gần một tiếng trôi qua, mọi thứ vẫn diễn ra nửa vời, chỉ quanh quẩn phát hiện thêm những cái xác mới. Việc lặp đi lặp lại mà không có yếu tố bất ngờ thay đổi dễ khiến khán giả cảm thấy nản. Phải hồi lâu sau, mối nguy hiểm mới chính thức xuất đầu lộ diện. Để rồi, mất quá nhiều thời gian chuẩn bị, nhưng màn ra mắt lại tỏ ra nhạt nhòa, cũ kỹ.
Kẻ ăn hồn có những pha chuyển cảnh khá kém duyên. Một vài tình tiết bị đứt đoạn, hay một số cảnh xuất hiện lộn xộn khiến người xem khó hiểu.
Ngoại trừ Phong, các tuyến nhân vật phụ hay thứ chính đều chưa được xây dựng cẩn thận. Chính vì vậy, hành trình của họ không đủ sức thuyết phục, không tạo được ấn tượng. Một số tình tiết còn mang tính khiên cưỡng, sắp đặt như mâu thuẫn cha con, vợ chồng hay giữa một số dân làng. Chúng xuất hiện thiếu tự nhiên, cùng với cách kể diễn giải khiến người xem khó đồng cảm.
Ngoài ra, thoại cũng là điểm trừ không thể bỏ qua với Kẻ ăn hồn. Thoại chưa đồng nhất, người Bắc kẻ Nam, chưa kể nhiều lúc khó nghe, bị hiệu ứng nhạc lấn át. Cá biệt, xuất hiện tình trạng nhân vật “đợi nhau đến lượt để thoại”, dù là lúc nóng nảy hay đang trong cuộc tranh cãi.
Một số lời thoại dư thừa, như cái cách Phong hỏi “Bác Mộc Tang, chuyện này là như thế nào vậy bác?”, ngay khi cô vừa chứng kiến người dân kẻ thương vong, kẻ hóa điên vì cố tình rời làng dù trước đó mới biết được sự thật từ cha.
Sở hữu nhiều chất liệu tốt, song Kẻ ăn hồn vẫn chưa thể thực sự bùng nổ. |
Bàn về diễn xuất, Hoàng Hà chưa quá đặc biệt nhưng ít nhiều vẫn tạo được thiện cảm. Các tuyến nhân vật phụ đều chỉ dừng lại ở mức tròn vai cho tới mờ nhạt, chủ yếu vì chưa có đất diễn.
Dàn diễn viên quần chúng trong vai dân làng tỏ ra quá gượng gạo, nhiều phen thừa thãi, cốt chỉ làm đầy khung hình. Đây cũng là sự thiếu tinh tế của đạo diễn khi cho họ xuất hiện trong nhiều cảnh phim một cách thiếu tính toán.
Nhìn chung, Kẻ ăn hồn vẫn chưa “lột xác” so với Tết ở làng Địa Ngục. Phim hấp dẫn vì giàu chất liệu, song còn lãng phí, chưa khai thác chúng đủ sâu để tạo nên câu chuyện thực sự ấn tượng với người xem.