“Missing” xây dựng bầu không khí căng thẳng cùng những cú plot-twist dày đặc đánh lừa người xem.
Genre: Hồi hộp, Tâm Lý
Director: Nick Johnson, Will Merrick
Cast: Storm Reid, Nia Long, Joaquim de Almeida,…
Rating: 8/10
* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Ra mắt năm 2018, Searching gây được tiếng vang và làm bùng nổ sức hút của dòng phim Screenlife. Giữa bối cảnh xã hội hiện đại, thể loại này thu hút sự chú ý của khán giả khi mang trong mình những đặc tính khám phá khó trộn lẫn. Nhận thức được tiềm năng này, ê-kíp làm phim tiếp tục tạo ra Missing (tựa Việt: Mất Tích).
Người cầm trịch và lên kịch bản cho dự án này không ai khác ngoài Aneesh Chaganty – cái tên đằng sau thành công của Searching. Vị đạo diễn gốc Ấn vốn xuất thân là một đạo diễn kiêm biên kịch chuyên quay quảng cáo của Google. Dưới bàn tay của anh, cả Searching hay Missing đều trở thành những lăng kính nhìn xuyên qua mặt tối của Internet.
Sức hút từ gia vị Screenlife
Song hành với sự bùng nổ của Internet, Screenlife đem lại nhãn quan điện ảnh mới lạ. Theo Screenlifer, đây là thể loại mới với chuỗi sự kiện, tình tiết gói gọn trong màn hình thiết bị điện tử. Với concept thú vị, không ngạc nhiên khi dòng phim này “refresh” khẩu vị của khán giả, tạo nên những trải nghiệm điện ảnh đắt giá.
“Ăn theo” thành công của Searching, Mất tích hoặc rầm rộ kéo dài chuỗi thắng, hoặc ngã đau trong thầm lặng. Với mẫu số chung là thể loại Screenlife, áp lực đè nặng trên vai đoàn làm phim khi phải tìm ra biến số mới. Bởi với cùng một lối kể chuyện mà tình tiết không sáng tạo, bại cục là điều sẽ xảy ra khi bộ phim không thể níu chân khán giả.
Mẹ của cô bé June bất ngờ mất liên lạc sau kỳ nghỉ với tình nhân. |
Chuyện phim Missing xoay quanh gia đình cô bé June Allen (Storm Reid). Sau vài ngày không liên lạc, June bất ngờ nhận ra mẹ mình – Grace Allen (Nia Long) – đã mất tích. Không chịu ngồi yên chờ đợi trong lúc cảnh sát điều tra, cô phải tìm cách đăng nhập vào các tài khoản liên lạc và mạng xã hội để truy vết mẹ. Trong hành trình này, từng bí mật dần được bóc tách, hé lộ những sự thật được giấu kín bấy lâu.
Tiếp nối Unfriend và Searching, Missing đào sâu chủ đề về mạng xã hội và mối quan hệ giữa con người trên thế giới ảo. Vì lẽ đó, Missing dễ “chạm” tới khán giả khi tạo ra cảm giác gần gũi và hiện thực hơn. Ít đột phá về nội dung, nhưng điều mới lạ mà tác phẩm đem lại là gia vị về tình cảm gia đình. Dẫu vậy, tính chất này chưa thực sự được khám phá quá sâu.
Không cần những phân cảnh hành động bốc lửa hay soundtrack giật gân, việc vận dụng khéo léo thể loại Screenlife biến Missing trở thành một bộ phim đầy kịch tính. Ở đó, khán giả phải hồi hộp theo dõi từng chuyển động nhỏ qua chiếc màn hình. Nhãn quan bị thu hẹp khiến trí tò mò và mong muốn khám phá được đẩy lên cao trào.
Kịch bản thông minh, plot-twist đầy tính toán
Giữ nguyên concept của tiền truyện Searching, phim sử dụng yếu tố hồi hộp, trinh thám làm chất liệu tô điểm bức tranh gia đình. Cô bé June trưởng thành trong vòng tay mẹ mà không có ba cạnh bên. Khủng hoảng tuổi thành niên cùng với việc mẹ có nhân tình mới khiến cục diện thay đổi. Để rồi, khi biến cố ập tới, tất cả khám phá ra sự thật và thay đổi suy nghĩ về nhau. Đây hẳn là một bức tranh quá quen thuộc mà người xem có thể gặp bất cứ đâu trong thế giới điện ảnh. Tuy nhiên, điểm thú vị của Missing đến từ những toan tính trong ngòi bút biên kịch.
Cốt truyện đơn giản, nhưng ngôn ngữ kể của Aneesh Chaganty đầy tính lớp lang. Cùng với sự khéo léo của bàn tay đạo diễn Nick Johnson và Will Merrick, Missing tăng dần sức kịch tính theo mỗi khung hình. Đặc biệt, những cú plot-twist trong phim mang hiệu quả khá mạnh mẽ. Chúng dẫn dắt người xem đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác, khiến họ mắc kẹt trong hàng loạt manh mối, để rồi phải nóng lòng chờ đợi những gợi ý tiếp theo.
Missing khiến khán giả “ngợp” trong những pha plot-twist với tần suất dày đặc. |
Theo motif thông thường của dòng phim hồi hộp, Missing đẩy biến cố tới sớm. Kể từ đó, mạch phim tăng tốc và “bẻ lái” dồn dập. Tất cả được kể bằng kết cấu bồi đắp, sử dụng lớp sau để gỡ rối cho lớp đầu. Càng nhiều lớp bí mật được bóc tách, càng nhiều bất ngờ được gợi mở, từ đó thúc đẩy bản năng tâm lý khám phá của khán giả. Phương pháp này từng được nhiều đạo diễn thử nghiệm, đơn cử như Jordan Peele, “vị vua mới lên ngôi” của dòng phim hồi hộp/kinh dị những năm gần đây.
Chỉ có điều, Jordan ưa thích sử dụng các hoán dụ điện ảnh, nhấn nhá chút German Expressionism (chủ nghĩa biểu hiện Đức) trong phim. Trong khi đó, đạo diễn Nick Johnson cùng Will Merrick lại thích tạo ra “chữ ký” riêng bằng cách kể chuyện thực tế. Missing tái hiện toàn bộ những sự kiện luôn có thể xảy ra trong hiện thực, nhưng vẫn làm người xem thấy bất ngờ và tò mò điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Không chừa chỗ cho những pha nghỉ, bộ phim buộc khán giả phải chú ý để không bỏ lỡ bất kỳ chi tiết nào. Chưa kể, những khung hình chật chội càng làm gia tăng cảm giác căng thẳng, bí bách.
Nhân vật và cách truyền tải thông điệp chưa mới
Missing tạo thiện cảm vì mang đúng đặc tính “kể chuyện bằng hình”. Tuy nhiên, nếu tình tiết cuốn hút khán giả thì cách xây dựng nhân vật chưa thực sự đắt giá. Hệ thống nhân vật trong phim tương đối lớn, không để lại nhiều ấn tượng, một phần do hạn chế thời lượng lên hình. Tuy nhiên, ngay cả nhân vật chính cũng khó lòng khiến khán giả phải ghi nhớ.
Bộ phim có kinh phí sản xuất khá khiêm tốn với 7 triệu USD. |
Xuyên suốt Missing, June nhiều phen bị phai mờ khi đứng trước câu chuyện về người mẹ mất tích. Chuyện phim xoay quanh hành trình truy vết mẹ mà bỏ quên khám phá những mâu thuẫn đang nảy mầm trong cô bé mới lớn. Ban đầu, June phớt lờ sự quan tâm của mẹ và chọn làm bạn với chiếc màn hình máy tính. Chỉ tới khi mẹ đột ngột mất tích, cô mới hối hận và tìm cách bù đắp lỗi lầm.
Tâm lý nhân vật chưa được “phẫu thuật” triệt để, chỉ mang tính đơn biến. Bởi vậy, thông điệp đạo diễn gửi gắm ở cuối phim chưa đủ chiều sâu, đâu đó còn có phần “cliché”. Bù lại, thoại phim ghi điểm vì khá tự nhiên, không rập khuôn hay giáo điều.
Trên trang đánh giá Rotten Tomatoes, Missing nhận về số điểm khá cao lên tới 88% từ các chuyên gia. Đa số ý kiến cho rằng đây là một bộ phim kịch tính đầy cuốn hút, với những pha twist gây sốc khán giả. Tuy nhiên, cây bút Steven Warner của In Review Online cho rằng biên kịch có vẻ như quá “ám ảnh” với Google hay Gmail, dường như biến phim trở thành quảng cáo. Việc cô bé June sử dụng công nghệ một cách thượng thừa cũng bị cho là “làm quá”.
Ngoài ra, tờ Should I See It không đánh giá cao kết cục của Missing. Nó có thể tạo ra bất ngờ, nhưng không phải lời giải thích thuyết phục cho những gì đặt ra ngay từ đầu phim.