Tác phẩm tiếp nối câu chuyện về cuộc chiến giữa các Jaeger và Kaiju có tính giải trí rất cao. Tuy nhiên, “Pacific Rim: Uprising” tỏ ra còn nhiều thiếu hụt so với phần đầu.
Thể loại: Giả tưởng, hành động
Đạo diễn: Steven S. DeKnight
Diễn viên chính: John Boyega, Scott Eastwood, Cảnh Điềm
Zing.vn đánh giá: 6/10
Pacific Rim: Uprising tiếp nối câu chuyện của bộ phim ra đời cách đây 5 năm. |
Sau 10 năm kể từ ngày nhân loại đánh bại lũ quái vật khổng lồ (kaiju) và phá hủy kết nối đến chiều không gian của chúng, thế giới đã dần đứng lên từ đống tro tàn và ngày một phát triển hơn.
Không ngủ quên trên chiến thắng, chính phủ các nước tiếp tục phát triển dự án Jaeger, với mục tiêu nâng cấp những chú robot khổng lồ cùng tên. Con người tự tin nắm trong tay thế chủ động, sẵn sàng phản công nếu một ngày nào đó bè lũ Kaiju có quay trở lại.
Chuyện phim nay theo chân Jake Pentecost (John Boyega) – con trai của vị tướng quân Stacker Pentecost (Idris Elba) từng hy sinh trong trận kịch chiến cách đây 10 năm. Anh vốn là một Ranger, trực tiếp huấn luyện cho các phi công trẻ có thể điều khiển thuần thục đám người máy Jaeger.
Biến cố bắt đầu xảy ra khi một Jaeger lai lịch bất minh bỗng nhiên xuất hiện tại Australia, điên cuồng tấn công người dân vô tội. Trong quá trình truy lùng tung tích con người máy bí ẩn, Jake Pentecost phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy bọn Kaiju đã sẵn sàng trở lại để báo thù cho thất bại trong quá khứ.
Kỹ xảo đẹp mắt, hoành tráng
Đối với ai là fan của bộ phim Pacific Rim (2013), khoảnh khắc loài quái vật khổng lồ có tên Kaiju trồi lên từ Vịnh Thái Bình Dương chính là một trong những trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời nhất.
Khác với thương hiệu người máy biến hình Transformers chuyên tràn ngập kỹ xảo và các cảnh cháy nổ, bộ phim của đạo diễn Guillermo del Toro mang phong cách rất riêng. Cũng đậm đặc kỹ xảo, nhưng tác phẩm gợi nhắc đến hình tượng những chiến binh robot khổng lồ trong văn hóa đại chúng Nhật Bản (mecha).
Đó có lẽ là điều giúp Pacific Rim chiếm trọn tình cảm của nhiều khán giả trẻ, giúp bộ phim trở nên hoàn toàn tách biệt so với nhiều tác phẩm cùng thể loại, cũng như cho thấy Guillermo del Toro là một nghệ sĩ thực thụ, chứ không đơn thuần là “con buôn” phim ảnh.
Đạo diễn Steven S. DeKnight đã cố gắng đem tới nhiều đổi mới cho Pacific Rim: Uprising. |
Nhưng đến Pacific Rim: Uprising năm nay, Guillermo del Toro gần như “ngồi ngoài” do ông quá bận rộn với The Shape of Water (2017) – bộ phim mới thắng giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2018.
Ghế đạo diễn nay thuộc về Steven S. DeKnight – cái tên đứng sau một số series truyền hình mang đậm chủ nghĩa anh hùng như Daredevil hay Spartacus. Do đó, thay đổi trong phong cách của Uprising gần như là điều đương nhiên.
Kể từ trước khi bộ phim mới chính thức ra mắt, hàng loạt hình ảnh, trailer, trích đoạn… như khẳng định rằng Pacific Rim: Uprising sẽ mang màu sắc tươi sáng hơn, cùng cốt truyện đơn giản hơn.
Lần này, loài quái thú Kaiju tiếp tục tiến hóa lên cấp độ cao hơn, đòi hỏi các chiến binh Jaeger cũng buộc phải được nâng cấp. Vũ trang dành cho các dòng người máy nay trở nên đa dạng, nhiều kiểu dáng, mang đến cho khán giả tâm lý tò mò, hồi hộp.
Nếu như phong cách kỹ xảo của tập phim năm 2013 đi sâu khai thác nhân vật với nhiều góc quay tập trung vào chi tiết như máy móc robot, lớp da sần sùi của Kaiju…, thì tập phim mới lại tập trung tạo hiệu ứng thị giác nhờ hàng loạt đại cảnh có quy mô lớn.
Phim chứa đựng nhiều trường đoạn chiến đấu gây ấn tượng mạnh, với các chiêu thức hành động tỉ mỉ, sống động. Những màn quyết đấu ở nhiều môi trường phức tạp khác nhau như thành phố, núi tuyết, cảng biển… liên tục thay đổi, giúp người xem cảm thấy mãn nhãn.
John Boyega và Scott Eastwood nhiều lần phối hợp ăn ý với nhau trong phim. |
Thay đổi cốt truyện và thông điệp, dàn diễn viên của Pacific Rim: Uprising cũng được “thay máu” gần như toàn bộ. Ngôi sao của thương hiệu Star Wars – John Boyega – nay không còn xa lạ với khán giả bởi lối diễn hài hước tự nhiên.
Đồng hành với anh là Scott Eastwood – con trai của huyền thoại Clint Eastwood. Cả hai tạo ra một số màn tung hứng khá ăn ý trong phim. Còn “mỹ nữ số một Bắc Kinh” Cảnh Điềm thì có nhiều đất diễn hơn hẳn so với các dự án Hollywood trước đây mà cô tham gia.
“Mất chất” so với phần trước
Có lẽ do quá quen với kịch bản phim truyền hình, Steven S. DeKnight đã mở đầu Pacific Rim: Uprising một cách lê thê, mang nặng tính kể lể. Với thời lượng 110 phút dành cho phần nội dung thực tế không có nhiều điều để phát triển, nhân vật và cốt truyện càng bộc lộ rõ sự thiếu chiều sâu.
Ngoài Jaeger chủ đạo Gypsy Avenger được nâng cấp cho các món vũ khí độc đáo, bắt mắt, dàn người máy còn lại chỉ tỏ ra “lòe loẹt”, và vô cùng thiếu ấn tượng khi chiến đấu.
Ở thế đối trọng, loài Kaiju cũng không hề khá khẩm hơn. Trong phần một, loài sinh vật giống như những bóng ma gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhân loại. Nhưng tới Uprising, chúng trở nên vô cùng hời hợt. Dù mang ngoại hình to lớn và gai góc hơn, các chủng Kaiju mới không hề sở hữu thần thái đáng sợ như các “bậc tiền bối”.
Cái chất rất riêng của Pacific Rim gần như đã mất đi ở phần hai. |
Nếu như ở phần trước, hình bóng của đất nước Trung Quốc chỉ thấp thoáng và được nhắc đến như một kho hàng khổng lồ, thì đến Pacific Rim: Uprising, vai trò của quốc gia tỷ dân trở nên nổi bật hơn hẳn. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi đứng sau toàn bộ dự án là Legendary Pictures – đơn vị điện ảnh nay đã thuộc về tay người Trung Quốc.
Nhìn chung, Pacific Rim: Uprising vẫn hoàn toàn có thể đem tới những giây phút giải trí, thư giãn bằng hàng loạt màn chiến đấu giữa người máy và quái vật đậm đặc kỹ xảo. Nhưng với những ai đã trót yêu tập phim ra đời cách đây 5 năm của Guillermo del Toro, họ có lẽ xứng đáng nhận được nhiều hơn thế.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.