Phim hoạt hình ‘Đội quân cảm xúc’: Không đến mức thảm họa

Từng gây xôn xao dư luận khi ban đầu có điểm 0% trên Rotten Tomatoes, nhưng “The Emoji Movie” không quá tệ hại và vẫn rất phù hợp đối với khán giả trẻ em.

Trailer bộ phim ‘Đội quân cảm xúc’ Tác phẩm hoạt hình lấy nhân vật là những biểu cảm (emoji) trong các phần mềm chat mà con người vẫn sử dụng mỗi ngày.

Thể loại: Hoạt hình
Đạo diễn: Tony Leondis
Diễn viên lồng tiếng: T.J. Miller, James Corden, Anna Faris, Maya Rudolph
Zing.vn đánh giá: 6/10

Bộ phim hoạt hình The Emoji Movie khi mới ra mắt đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số chỉ trích rằng tác phẩm không có sự mới lạ, với phần kịch bản như “xào nấu” từ các tựa đề hoạt hình nổi tiếng như Shrek hay Wreck-It Ralph. Rồi các chuyên gia liên tục phê phán The Emoji Movie, khiến bộ phim ban đầu nhận điểm 0% trên Rotten Tomatoes.

Liệu tác phẩm hoạt hình lấy tâm điểm là những biểu tượng cảm xúc trong các phần mềm chat thực sự kém cỏi, hay đó chỉ là hiệu ứng đám đông?

The Emoji Movie lấy bối cảnh là thế giới bên trong chiếc điện thoại thông minh, khi những Emoji chung sống tại một thành phố. Nhiệm vụ của các Emoji là phải thực hiện đúng biểu cảm của mình suốt đời.

Song, biến cố xảy ra khi Gene (T.J. Miller), một icon “Meh” lại có nhiều hơn một cách thể hiện cảm xúc. Điều đó khiến cậu bị xem là “mắc lỗi” và đứng trước nguy cơ bị “đào thải”. Để tái tạo bản thân, Gene dấn thân vào chuyến hành trình mạo hiểm cùng với hai người bạn là Hi-5 (James Corden) và Jailbreak (Anna Faris).

Sáng tạo về mặt hình ảnh

Có một thực tế rằng nội dung của The Emoji Movie không mới mẻ, nhưng bộ phim vẫn sở hữu những nét sáng tạo riêng từ tiểu tiết. Câu chuyện vốn diễn ra ở bối cảnh thế giới điện thoại thông minh – nơi mà các ứng dụng phi vật thể biến hoá vô cùng sinh động.

Chẳng hạn như ứng dụng tin nhắn được xây dựng như thành phố, còn icon trong đó vừa là “người”, vừa là cảnh quan. Trò chơi Candy Crush thì biến thành thiên đường bánh kẹo với bảng trò chơi khổng lồ ngay giữa thị trấn, cùng một máy hút cực mạnh nhằm loại bỏ nhóm viên kẹo đã xếp cùng màu…

review phim Emoji anh 1
Thế giới của các emoji hiện lên rất sinh động trong màn ảnh.

Đó là sản phẩm đến từ óc sáng tạo của đội ngũ nhà làm phim khi họ đã biến những ứng dụng phần mềm hàng ngày trở thành thế giới vô cùng thu hút, chặt chẽ trong cách vận hành.

Không dừng lại ở đó, một điểm đặc biệt nữa của bộ phim là các bản hit xưa cũ được lồng ghép khéo léo thông qua chuyến phiêu lưu thử thách của Gene và hội bạn.

Trường đoạn nhân vật chính cùng cô nàng Jailbreak đi qua ứng dụng Streaming cũng là lúc khán giả trải qua “bữa tiệc” âm nhạc với hàng loạt ca khúc được hình tượng hóa bằng dòng suối có khúc êm đềm, có đoạn đổ xiết.

Ban đầu, khi trailer bộ phim xuất hiện, nhiều người e ngại rằng việc xây dựng mỗi icon chỉ mang một gương mặt suốt đời có thể khiến các nhân vật có quá ít chất liệu để thể hiện bản thân. Song, đó lại là điểm chứng tỏ sự bản lĩnh của ê-kíp.

Với phần đồ họa vui nhộn, The Emoji Movie truyền tải thành công tính cách của từng nhân vật. Ví dụ như icon mặt cười luôn tươi cười ở mọi nơi, nhưng khi ả phản diện Smiler (Maya Rudolph) giận dữ, giọng nói, điệu bộ lại khiến ả ta trông vẫn hung tợn hơn bao giờ hết.

review phim Emoji anh 2
Các emoji sở hữu tính cách hệt như ngoại hình, nhưng không hề tỏ ra nhàm chán.

Hay như nhân vật chính, Gene, là một biểu tượng cảm xúc đại diện cho sự thờ ơ, nhưng chính cậu thì lại mang tính cách đầy sôi động.

Tuy nhiên, nhóm biểu tượng cảm xúc trong phim nhìn chung tỏ ra quá “nhí nhố”. Cục phân Poop hay biểu tượng bàn tay Hi-5 đôi lúc thực hiện đúng vai trò gây cười, nhưng thiếu đi sự tiết chế cần thiết và trở nên hơi lố bịch.

Cốt truyện quá thiếu đột phá

The Emoji Movie sở hữu kịch bản khá cũ kỹ. Đó là mô-típ nhân vật sở hữu khả năng khác biệt so với nhóm còn lại, sau khi trải qua hành trình thì biết trân trọng bản thân hơn. Việc phim ban đầu bị so sánh với Shrek, The LEGO Movie hay Wreck-It Ralph là điều hoàn toàn có cơ sở.

Việc sử dụng bối cảnh thế giới bên trong chiếc điện thoại là điểm mới mẻ. Nhưng nó tiếp tục khiến tín đồ điện ảnh liên tưởng tới Ráp-phờ đập phá – một tác phẩm cũng lấy bối cảnh là cuộc sống trong thế giới ảo.

review phim Emoji anh 3
Những chỉ trích về phần kịch bản “xào nấu” mà The Emoji Movie phải gánh chịu là không sai.

Thông điệp của The Emoji Movie rất nhân văn: hãy là chính mình. Nó hợp thời, nhưng không còn mới lạ, và vốn đã được truyền tải qua rất nhiều bộ phim đình đám của Pixar hay Walt Disney.

Ngoài ra, thông điệp phụ về lòng dũng cảm, tình bạn cũng không mới mẻ. Không dám vượt qua ngoài phạm vi an toàn của dòng hoạt hình đã khiến The Emoji Movie thiếu đi sự sáng tạo về mặt nội dung, sau khi đã gây thiện cảm ban đầu về mặt hình ảnh.

Nhìn chung, The Emoji Movie chắc chắn sẽ gây hứng thú cho trẻ em – đối tượng khán giả chính của bộ phim – nhiều hơn là người lớn. Tuy nhiên, phim không đến mức thảm họa như những gì giới phê bình đánh giá ban đầu.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Đội quân cảm xúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *