Là dự án Hollywood quay hầu hết tại Việt Nam, “A Tourist’s Guide to Love” gây ấn tượng với cảnh sắc tuyệt đẹp nhưng kịch bản còn yếu.
Genre: Tình cảm, Lãng mạn, Hài hước
Director: Steven K. Tsuchida
Cast: Rachael Leigh Cook, Scott Ly, NSƯT Lê Thiện, Quinn Trúc Trần,…
Rating: 6,5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
A Tourist’s Guide to Love (tựa Việt: Hành trình tình yêu của một du khách) là phim do ê-kíp Hollywood thực hiện với sự kết hợp cùng nhiều diễn viên, cộng sự Việt. Tác phẩm được mong chờ vì có khoảng 90% cảnh quay tại Việt Nam, góp phần quảng bá du lịch đất nước.
Cảnh sắc, văn hóa, con người Việt Nam sống động, mượt mà
A Tourist’s Guide to Love kể về hành trình khám phá Việt Nam của một nữ giám đốc điều hành công ty du lịch Mỹ – Amanda Riley (Rachael Leigh Cook đóng). Sau khi bất đắc dĩ kết thúc mối tình 5 năm, cô được phân công sang Việt Nam để khảo sát thị trường, đồng thời chữa lành vết thương lòng.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Amanda gặp Sinh – chàng hướng dẫn viên gốc Việt (Scott Ly đóng). Anh là người đồng hành cùng cô trong suốt chuyến đi. Khởi đầu với những quan điểm trái ngược về du lịch và cách nhìn cuộc sống, hai con người xa lạ dần đồng điệu, cảm mến nhau.
Không chỉ hướng dẫn du lịch, Sinh như một người bạn, khơi gợi nhiều cảm hứng cho Amanda. Anh dần giúp cô cởi mở hơn với cuộc sống, biến cô từ một người cứng nhắc, luôn tuân theo những quy tắc đã định sẵn dám phá bỏ khuôn khổ và giới hạn, sống thoải mái, yêu đời hơn.
Bên cạnh chuyện tình ngọt ngào xoay quanh bộ đôi chính, A Tourist’s Guide to Love phác họa chân dung những du khách luôn tò mò, muốn khám phá Việt Nam và triết lý tình yêu vượt tuổi tác, giới tính. Từ tình cảm lãng mạn, ân cần của đôi vợ chồng ở tuổi xế chiều đến tình yêu sôi nổi của hai người phụ nữ, bộ phim lồng ghép nhiều ý nghĩa bên cạnh khám phá thiên nhiên, con người.
Rachael Leigh Cook từng chia sẻ bộ phim như bức thư tình gửi tặng Việt Nam, được viết bằng cả trái tim và sự hài hước. Bởi thế, khoảng 90% cảnh quay được thực hiện tại mảnh đất này.
Trải dài từ Nam ra Bắc, các danh thắng ở TP.HCM, Hội An, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Nội được hiện lên một cách sống động, mượt mà. Qua lăng kính của các nhà làm phim Âu Mỹ, cảnh sắc và con người Việt Nam trở nên lãng mạn, nên thơ, có sức hút.
Việt Nam nên thơ trên phim Hollywood. |
Từ sự nhộn nhịp, huyên náo của đường phố Sài Gòn, sự tấp nập của chợ Bến Thành đến nét cổ kính của Thánh địa Mỹ Sơn; từ sự lãng mạn khi thả đèn trên sông Hoài đến nét hùng vĩ, bao la của núi rừng Hà Giang,… thiên nhiên Việt Nam gần như được hiện hữu trong mắt bạn bè quốc tế.
Những nét văn hóa Việt được nhà làm phim lồng ghép đan xen. Các hoạt động đón Tết cổ truyền, gói bánh chưng, thắp hương, múa lân, múa rối nước,… được đan cài suốt mạch câu chuyện. Ngoài ra, con người Việt Nam cũng hiện lên một cách đôn hậu, hiếu khách, hiền hòa.
Sự nỗ lực tìm hiểu văn hóa Việt và khâu chọn bối cảnh, trang phục của đoàn phim được đánh giá cao. Qua các bài hát của Bích Phương, Suboi, Mai Lệ Huyền,… đoàn phim cho thấy có sự đầu tư tìm hiểu thị hiếu, gu âm nhạc của giới trẻ Việt.
Kịch bản còn yếu, nhiều khuyết điểm
Dù giới thiệu là dự án được đầu tư hoành tráng bởi ê-kíp Hollywood, A Tourist’s Guide to Love vẫn yếu ở khâu kịch bản. Phim được chọn kể theo lối nhẹ nhàng, nhưng đây cũng là điểm yếu. Mạch phim đều đều. Quá nửa hồi đầu, nhịp phim bắt đầu đuối, cuối cùng không để lại ấn tượng với khán giả.
Nhà làm phim cố gắng khai thác nhiều chi tiết về triết lý sống, tình yêu,… nhưng lại đưa vào một cách qua loa, không nổi bật. Kể cả đối với tuyến chính, chuyện tình của Amanda và Sinh cũng được kể theo mô-típ cũ, không có điểm nhấn. Chỉ qua vài ngày quen biết, đồng hành, họ đã yêu nhau mà không có nhiều tình tiết đẩy cảm xúc, cao trào.
Hai diễn viên chính Rachael Leigh Cook và Scott Ly vốn không có nhiều “phản ứng hóa học”. Lên phim, họ cũng ít có tương tác tình cảm. Vì vậy, các diễn biến tâm lý nhân vật diễn ra khá nhanh, chưa đủ sức thuyết phục người xem.
Đảm nhận vai nam chính song hành cùng ngôi sao người Mỹ, Scott Ly lộ nhiều điểm yếu trong cả diễn xuất lẫn đài từ. Nam diễn viên gốc Việt đôi khi bị luống cuống, không thể phác họa Sinh một cách rõ nét, dù sự cố gắng của anh đối với vai diễn là không ít.
Bên cạnh đó, tuyến nhân vật của anh cũng được xây dựng yếu. Điều này càng khiến Scott Ly mờ nhạt trong mắt người xem. Ngoài mái tóc lãng tử bồng bềnh và thân hình vạm vỡ 6 múi được khoe khéo trong phân đoạn ở biển, anh dường như không để lại nhiều ấn tượng trên màn ảnh.
Nam chính diễn xuất kém khi đặt cạnh các bạn diễn nữ. |
Với bề dày kinh nghiệm diễn xuất, nữ chính Rachael Leigh Cook dễ dàng hóa thân vào nhân vật. Ban đầu là toan tính kinh doanh đến khi rơi vào lưới tình, cô thể hiện khá tròn vai trong tác phẩm do chính mình làm nhà sản xuất. Nhưng với kẽ hở trong khâu kịch bản, Amanda dường như kéo Rachael xuống một bậc so với phong độ vốn có của cô.
Về phía các diễn viên Việt, NSƯT Lê Thiện được đánh giá là điểm sáng. Với kinh nghiệm dày dặn và được mệnh danh là “bà nội quốc dân”, nữ nghệ sĩ vào vai bà nội của Sinh một cách mượt mà, hài hước. Lối nói dí dỏm cùng cách diễn xuất thoải mái, tự nhiên của bà làm người xem vui vẻ, cười đùa theo từng diễn biến của nhân vật.
Lần đầu hợp tác cùng ê-kíp Hollywood, Quinn Trúc Trần cũng có nhiều cố gắng với vai Anh (em họ của Sinh) trong phim. Có vốn tiếng Anh tốt, diễn tự nhiên, Quinn nhập vai cô gái cá tính, sôi nổi. Tuy nhiên, nhân vật của cô cũng được xây dựng qua loa, bởi thế nữ diễn viên khó có cơ hội tỏa sáng.
Ngoài ra, phim tồn đọng nhiều điểm phi logic như mùa Tết ở Hà Giang, Hà Nội vẫn mặc áo cộc tay; người vùng Tây Bắc nhưng nói giọng miền Nam,… Tổng thể, dù đoàn phim nỗ lực, phim vẫn còn nhiều hạn chế, cần được trau chuốt nhiều hơn, đặc biệt về kịch bản.