Bộ phim do Lưu Thành Luân đạo diễn lựa chọn đề tài táo bạo, song nội dung chưa mấy ấn tượng, còn lãng phí các chất liệu kinh dị đắt giá.
Genre: Kinh dị, Giật gân
Director: Lưu Thành Luân
Cast: Quang Tuấn, Kim Xuân, Vân Dung, Quốc Quân, Nam Thư, Mie…
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Câu chuyện Quỷ cẩu bắt đầu kể từ khi ông Mạnh – chủ lò mổ chó lớn nhất vùng qua đời một cách đột ngột, kéo theo hàng loạt sự việc ma quái xảy ra. Các thành viên trong gia đình ông liên tục bị rình rập, quấy nhiễu bởi một thế lực ma quỷ vô hình.
Dần dà, mọi người bắt đầu tự nghi ngờ và quay sang hãm hại lẫn nhau hòng tranh giành sự sống. Đồng thời, những bí mật đen tối trong gia đình cũng bắt đầu bị vạch trần, khiến Nam (Quang Tuấn) không khỏi nghi ngờ chính người thân của mình.
Chủ đề thú vị
Do Lưu Thành Luân đạo diễn, dự án Quỷ cẩu gây chú ý ngay từ tựa phim. Chẳng riêng tại Việt Nam, hiếm phim kinh dị nào trên thế giới từng làm về đề tài giết hại và ăn thịt chó. Đây vốn dĩ là chủ đề nhạy cảm, là một nét ẩm thực gây không ít tranh cãi tại nước ta cũng như một số quốc gia khác thuộc khu vực châu Á.
Với lợi thế đề tài, tác phẩm lại ra rạp đúng dịp khán giả Việt đang dần có thiện cảm với phim kinh dị nội địa. Sau thành công của Tết ở làng Địa Ngục, hay gần nhất là Kẻ ăn hồn, Quỷ cẩu rõ ràng có màn ra sân dễ dàng hơn, “rộng đường” hơn.
Thuộc thể loại kinh dị giật gân, bộ phim của Lưu Thành Luân đi theo motif kinh dị hiện đại: thời lượng ngắn, lối nhập đề nhanh và một đề tài đào bới vấn đề xã hội, không đơn thuần là “horror for horrors-sake”.
Phim gắn nhãn 18+ vì chứa nhiều cảnh kinh dị giết mổ, chặt chém, máu me, tử thi… |
Sau cái chết của ông Mạnh, con trai ông là Nam (Quang Tuấn) cùng bạn gái Xuân (Mie) vội vã trở về đội tang. Cũng từ đây, vô vàn rắc rối ập đến với gia đình. Nam dần nhận ra mối quan hệ rạn nứt của các thành viên trong nhà. Đó là những rắc rối hôn nhân cùng bí mật tình ái, sự tham lam cùng tính ích kỷ, và cả những mưu toan chiếm đoạt cương vị chủ lò mổ.
Mọi thứ hình thành nên lớp vỏ bí mật bao trùm ngôi nhà hiện chỉ còn 5 thành viên. Chưa dừng lại ở đó, việc bà Nga (Kim Xuân) cùng bà Thúy (Vân Dung) liên tục gặp phải các hiện tượng lạ càng gây tò mò về đầu dây mối nhợ của tất cả sự việc.
Dễ thấy, Quỷ cẩu đã xây dựng được một khởi đầu đầy triển vọng. Phim đánh thức sự hoài nghi trong người xem từ khá sớm nhờ màn nhập đề ngắn gọn, ấn tượng. Cái chết tức tưởi, ghê rợn của ông Mạnh cùng với bối cảnh, không khí u uất nó gây ra là liều thuốc kích thích tâm lý hiệu quả với người xem, khiến họ không khỏi thắc mắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Ở một diễn biến khác, phim còn cố gắng khai thác câu chuyện đô thị linh dị “chó đội nón mê”. Cụ thể, sự xuất hiện của con chó trắng mũi đỏ chính là “điềm gở” cho chủ nhân ngôi nhà. Theo truyền thuyết dân gian, đây thực chất là quỷ đội lốt chó, đến trừng phạt những gia đình có quá nhiều nghiệp báo. Nó không có biểu hiện gì kỳ lạ vào ngày thường. Nhưng khi màn đêm buông xuống, con chó sẽ biến hình và gieo rắc tai ương cho gia chủ.
Trong Quỷ cẩu, chó đội nón mê được tái hiện ghê rợn theo đúng truyền thuyết đô thị. Nó có đôi mắt đỏ ngầu, hàm răng nhọn lởm chởm, đầu đội nón, chân chống gây và bước đi lộc cộc trên mái nhà vào lúc trăng tròn.
Nội dung kém ấn tượng
Hình dung về Quỷ cẩu, thực chất không gì ngoài “bình mới, rượu cũ”. Phim có chất liệu tốt, chủ đề tốt, mở màn cũng tốt, song “càng đi lại càng chệch đường”.
Thay vì tập trung đào bới sâu những góc khuất của vấn đề xã hội đã đề cập, của lò mổ chó với trùng trùng nghiệp báo, Lưu Thành Luân dần sa đà vào câu chuyện gia đình. Những chất liệu kinh dị chủ yếu được sử dụng làm mồi nhử, hay tiền đề cho những cú jump-scare chưa thực sự đắt giá.
Phim để lộ điểm yếu ở một số góc quay, cùng với phần kỹ xảo chưa mấy hoàn thiện. |
Thuộc tuyến chính của phim, Nam (Quang Tuấn) có màn trình diễn đáng quên. Nhân vật này xuất hiện mờ nhạt, lại thường xuyên có phản ứng tâm lý phi logic, rất bất thường. Sự non tay trong kịch bản càng lộ rõ trong cách khai thác mối quan hệ giữa Nam và các thành viên khác. Chính vì vậy, những quyết định của nhân vật này không mang tính thuyết phục, càng khó tạo được đồng cảm với khán giả.
Cùng với đó, một số nhân vật như Xuân (Mie) tỏ ra dư thừa, không đóng góp giá trị cho sự phát triển lũy tiến của mạch truyện. Cô xuất hiện rồi gần như “tàng hình” cho đến cuối phim, khiến người xem hoài nghi về việc đạo diễn dành thời lượng xây dựng câu chuyện tình yêu giữa cô và Nam.
Sự rời rạc trong cách phát triển quan hệ nhân vật khiến các thông điệp đưa ra còn gượng gạo. Để rồi, việc dùng câu chuyện xoay quanh gia đình mà mọi thành viên đều làm nghề mổ chó để lên án nạn ăn thịt chó tỏ ra khá khiên cưỡng. Nếu Quỷ cẩu không “đi chệch hướng”, thông điệp nhân văn có lẽ đã được truyền tải thuyết phục hơn, tinh tế hơn.
Bù lại, phim vẫn biết cách duy trì bầu không khí nặng nề suốt hầu hết thời lượng – điều rất cần thiết đối với một dự án kinh dị. Điều này xuất phát một phần từ màu phim u ám cùng cái cách nhà làm phim lợi dụng bóng tối. Nó tạo ra cảm giác bất an và bầu không khí ngột ngạt. Song, việc lạm dụng quá đà cũng dễ phản tác dụng, đôi lúc gây ảnh hưởng tới trải nghiệm xem phim của khán giả.
Cảnh phim gây được ấn tượng nhờ diễn xuất của NSND Kim Xuân. |
Các mánh khóe hù dọa nhìn chung vẫn có hiệu quả, dù chưa mới, chưa quá ấn tượng. Có thể thấy được sự đầu tư của ê-kíp khi đã học hỏi từ nhiều tác phẩm kinh dị nổi tiếng, nhưng còn thiếu sự chắt lọc, sáng tạo. Một số góc quay cũng tỏ ra chưa phù hợp và tối ưu. Bên cạnh những cú máy cận khoe biểu cảm sợ hãi đã quá rập khuôn, không ít nhà làm phim kinh dị quốc tế hiện ưa chuộng các cú máy biến hóa, hoán đổi điểm nhìn của khán giả và góc nhìn nhân vật.
Cuối cùng, Quỷ cẩu không quên lồng một cú plot-twist lớn cuối phim. Điều này nhằm nhấn mạnh “Con quỷ bên trong con người mới là thứ đáng sợ nhất” – thông điệp bất tử với hầu hết phim cùng thể loại. Đây cũng là thứ cứu vãn hồi cuối tác phẩm, phần nào che mờ bớt cái kết tẻ nhạt và gượng gạo.