Đối lập vỏ bọc là phim cho trẻ em, “IF” gợi nhắc người lớn về những người bạn tưởng tượng thuở ấu thơ. Bộ phim chưa thể trọn vẹn với nhiều điểm trừ tiếc nuối.
Genre: Hài hước, Hoạt hình
Director: John Krasinski
Cast: Cailey Fleming, Ryan Reynolds, John Krasinski, Steve Carell…
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Trở về tuổi thơ, hầu hết đứa trẻ nào cũng có cho mình một người bạn trong tưởng tượng. Đồng hành từng bữa ăn, giấc ngủ, người bạn đặc biệt đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ em. Vậy, hình thù những người bạn đó ra sao và họ ở đâu khi chúng ta lớn lên được trả lời qua bộ phim IF (tựa Việt: Những người bạn tưởng tượng) do John Krasinski đạo diễn, viết kịch bản và góp một vai diễn nhỏ.
So với thông tin ban đầu, bộ phim gây bất ngờ khi nội dung hướng đến nhóm khán giả trưởng thành, gợi nhắc họ về đứa trẻ ngây ngô bên trong mình. Đáng tiếc, IF lại bộc lộ nhiều điểm trừ khiến tác phẩm chưa thể trọn vẹn.
Chuyến du hành trở về tuổi thơ
Ngay tựa đề phim đã là một cách chơi chữ thú vị đến từ John Krasinski. Ngoài viết tắt cho cụm từ Imaginary Friends, IF còn dịch nghĩa là “nếu như” trong tiếng Việt. Theo nghĩa đó, Krasinski liên tục cài cắm câu hỏi “nếu như” xuyên suốt 104 phút bằng nhiều cách khác nhau.
Bộ phim xoay quanh Bea (Cailey Fleming đóng), cô bé có một tuổi thơ đắm chìm trong trí tưởng tượng với vô vàn đồ chơi, hình vẽ màu sắc hay những lần nghịch ngợm hóa trang cùng cha mẹ. Bỗng chốc, cuộc sống chỉ còn gam màu u tối khi bệnh tật cướp đi mẹ của Bea. Tới hiện tại, mọi thứ chẳng tươi sáng hơn là bao khi cô bé phải chuyển tới sống cùng bà ngoại do bố của Bea (John Krasinski đóng) phải trị bệnh.
Mọi thứ dần thay đổi khi cô gặp Cal (Ryan Reynolds đóng) và những người bạn hoạt hình gồm Blue (Steve Carell lồng tiếng) và Blossom (Phoebe Waller-Bridge lồng tiếng). Bộ ba tiết lộ về sự tồn tại của những người bạn tưởng tượng (IF) cũng như việc khi trẻ em trở thành người lớn, các IF không còn giá trị nữa.
Do đó, nhóm đang thực hiện nhiệm vụ mang ý nghĩa sống còn là giúp các IF liên kết với những đứa trẻ mới và họ cần Bea giúp đỡ. Đáng nói, Bea là người duy nhất nhìn thấy các IF trong khi họ vô hình với người thường. Qua lời thuyết phục của nhóm, cô bé nhận lời và lập tức vào việc.
Những người bạn tưởng tượng rơi vào cảnh thất nghiệp khi trẻ em lớn lên. |
Bằng sự nhiệt huyết, trí tưởng tượng phong phú, Bea nhanh chóng thu thập thông tin các IF từ vẻ ngoài, tính cách, sở thích, tài lẻ và mối quan hệ với chủ cũ. Qua việc thử nghiệm và điều chỉnh, Bea nhận ra việc gợi nhớ kỷ niệm thông qua âm thanh, ánh sáng, màu sắc, hương vị là cách để IF và con người kết nối với nhau.
Khi người xem đang tập trung vào các IF thì cao trào của phim như một gáo nước lạnh dội thẳng vào người xem. Đó là khoảnh khắc Bea trải lòng bên cạnh bố khi bệnh tình trở nặng. Quá khó hiểu khi John Krasinski chọn tình tiết này thay vì đi sâu vào câu chuyện của các IF.
Tác phẩm khép lại ngổn ngang với việc người bố khỏe lại, hai bố con rời khỏi căn hộ, trở lại cuộc sống thường nhật ở một nơi khác. Trong lúc dọn đồ, cô bất chợt nhận ra rằng Cal chính là IF của mình. Bằng phương pháp từng sử dụng, Bea và Cal tái ngộ trong giây lát trước khi cô rời đi.
Với Bea, cụm từ “nếu như” xuất hiện như một chìa khóa mở toang cánh cửa, giải phóng trí tưởng tượng của cô. Kể từ khi người mẹ qua đời, cô cũng rời bỏ đứa trẻ ngây ngô khi đó để đối mặt với thực tại, như người ta thường nói: “Những đứa trẻ hiểu chuyện thường không có kẹo ăn”. Trong phim, các nhân vật đều tỏ ra hào hứng trong mỗi hành động hay suy nghĩ, đó cũng là cách cụm từ “nếu như” xuất hiện.
Khai thác chủ đề thú vị về tâm lý con người ở độ tuổi trưởng thành, John Krasinski gợi nhắc người xem về đứa trẻ bên trong chúng ta. Dù cuộc sống có bộn bề, khó khăn tới đâu, mọi người vẫn luôn có thể lên chuyến tàu trở về tuổi thơ, gặp gỡ người bạn tưởng tượng. Đáng tiếc, Krasinski bộc lộ quá nhiều vấn đề trong việc thể hiện một tác phẩm triển vọng.
Cú vấp của John Krasinsk
Qua cách triển khai ý tưởng, xây dựng nhân vật, IF mang lại cảm giác cũ kỹ khi gợi nhớ về một số tác phẩm hoạt hình nổi tiếng. Những đứa trẻ lớn lên khiến các IF lỗi thời, rơi vào cảnh thất nghiệp là điều khán giả từng thấy trong loạt phim Toy Story.
Sở hữu kịch bản giàu tiềm năng, John Krasinski lại loay hoay và vụng về trong cách triển khai các tình tiết. Đơn cử, cậu bé điều trị một mình mà không có ai bầu bạn tại bệnh viện là nhân vật cần thiết cho phân cảnh các IF trổ tài. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Bea và cậu bé này lại tiêu tốn quá nhiều thời lượng, người xem không thấy được sự kết nối.
Cây bút Sandra Hall từ Sydney Morning Herald nhận định: “Bất kỳ thế giới giả tưởng nào, dù phức tạp đến đâu đều có thể triển khai hiệu quả nếu tác phẩm được xây dựng logic và nội dung nhất quán, song thế giới này để lại quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp”.
Tác phẩm cho thấy sự chật vật trong cách triển khai một chủ đề thú vị. |
Bên cạnh Ryan Reynolds, bộ phim có sự góp mặt của dàn sao đồ sộ như Matt Damon, Emily Blunt, Bradley Cooper hay George Clooney trong vai trò lồng tiếng cho các IF. Thế nhưng, điểm yếu về mặt kịch bản đã hạn chế tài năng của dàn diễn viên. Tài tử Ryan Reynolds có nhiều pha tung hứng hài hước cũng trở nên lạc lõng. Nữ chính do Cailey Fleming thể hiện nhạt nhòa, gượng gạo trong các phân đoạn tương tác, thể hiện tình cảm.
Dẫu vậy, bộ phim vẫn có một vài điểm sáng hiếm hoi. Từ loạt phim A Quiet Place, John Krasinski cho thấy sự khéo tay trong các phân cảnh thể hiện tình cảm gia đình. Tới IF, vị đạo diễn người Mỹ tiếp tục khiến người xem xúc động qua mối quan hệ giữa Bea với bà ngoại và bố, hay cách Blue kết nối lại người bạn năm xưa. Phần âm nhạc mang phong cách cổ điển cùng ánh sáng kết hợp hài hòa, thuyết phục khán giả về phần nhìn.
Hiện tại, IF gây chia rẽ khi nhận về điểm số 50% từ giới phê bình và 87% từ khán giả, theo Rotten Tomatoes. Phản hồi từ người xem cho thấy IF dễ dàng thuyết phục bởi tác phẩm có yếu tố vui nhộn, hài hước, gửi gắm thông điệp về tuổi thơ tươi đẹp mà người lớn đã quên. Song, ý tưởng tốt, chạm tới cảm xúc khán giả là chưa đủ nếu kịch bản, tuyến nhân vật và cách triển khai còn lỏng lẻo, khiên cưỡng.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu cuốn Khán giả học cho thấy ngành khoa học điện ảnh phải đối mặt với nhiều thử thách. Tác giả kể câu chuyện thực tế trong các buổi chiếu thử phim giúp người đọc khám phá hậu trường Hollywood.
Ảnh: Paramount Pictures
Ryan Reynolds
IF
phim ảnh
phim rạp
Hollywood
hài hước
vui vẻ
tuổi thơ
giải trí