Thế giới khắc nghiệt của đầu bếp

“Hunger” kể lại hành trình khỏa lấp khát vọng thành công của một đầu bếp trẻ với hình ảnh đẹp mắt, cùng kịch bản có phần đen tối.

Genre: Tâm lý, giật gân
Director: Sitisiri Mongkolsiri
Cast: Nopachai Chaiyanam, Chutimon Chuengcharoensukying, Gunn Svasti Na Ayudhya
Rating: 6,5/10

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung bộ phim

Hunger là phim lẻ từ Thái Lan, xoay quanh câu chuyện nữ đầu bếp Aoy (Chutimon Chuengcharoensukying) chật vật theo đuổi nghề đầu bếp. Khởi điểm là thợ nấu cho quán hủ tiếu gia đình, Aoy được Tone (Gunn Svasti Na Ayudhya) tìm thấy và mời thi thử ở giải đấu Hunger.

Vượt qua vòng loại, cô được chọn làm phụ tá cho bếp trưởng Paul (Nopachai Jayanama) nổi tiếng khó tính, chỉ nấu cho người giàu. Cũng từ đó, sự nghiệp đầu bếp của Aoy có sự thay đổi lớn, sóng gió và những tranh đấu không ngừng tìm đến cô.

Hunger anh 1

Aoy nỗ lực dùng lửa trong bài học đầu tiên cùng Paul.

Buổi tiệc thị giác đầy kịch tính

Về ý tưởng, phim tạo được sự thu hút khi chọn đề tài ẩm thực để khắc họa khát khao cũng như những tham vọng của con người. Thực chất, đây không phải là tác phẩm đầu tiên chọn cách khai thác này, vì năm vừa qua đã có The Menu với tiền đề tương tự. So với đàn anh đã thành công thì hậu bối đến từ châu Á dù có nhiều điểm mới.

Tiếp đến, hình ảnh phim truyền sự kích thích tới người xem qua cả thị giác lẫn thính giác. Hunger ghi điểm với chi tiết bếp lưu động, biến bếp nấu thành một sân khấu theo yêu cầu của thực khách.

Giống The Menu có nhân vật Bếp trưởng Slowik cực đoan đến tàn nhẫn, thế giới đầu bếp trong Hunger cũng khắc nghiệt không kém. Nhà làm phim dùng tông màu chủ đạo là màu đỏ của máu, nhấn mạnh từ đầu đây sẽ là tác phẩm đậm chất thriller (kịch tính). Cách bếp trưởng Paul thiết kế các chủ đề, sáng tạo món ăn cũng mang nhiều ẩn ý. Điều này thể hiện rõ nét qua bữa tiệc “máu” lấy bò Wagyu làm nguyên liệu chính. Việc ông thao túng thực khách thượng lưu bằng cách ăn ngấu nghiến, rơi vãi nước sốt được đặc tả rõ nét. Chi tiết này là phép ẩn dụ độc đáo, nhấn mạnh ý đồ châm biếm lối sống trịch thượng của nhóm này.

Hunger anh 2

Tạo hình các món ăn ấn tượng, mang đến trải nghiệm thị giác độc đáo.

Ngoài ra, bối cảnh đa dạng khi các nhân vật tìm đến nguồn nguyên liệu tươi sống ở biển, nông thôn hay rừng sâu cũng là điều thú vị. Đây cũng là một cách tốt để truyền bá văn hóa, đưa người xem trải nghiệm thiên nhiên trù phú ở Thái Lan.

Diễn xuất chắc tay của Chutimon và Nopachai

Trong lần trở lại này, cả tài tử Nopachai Chaiyanam lẫn nữ diễn viên trẻ Chutimon Chuengcharoensukying đều làm tốt vai trò của mình. Một phần sức hút đến từ gốc gác của hai nhân vật Paul và Aoy mang tính biểu tượng cao. Họ đại diện cho sự tương phản song hòa hợp của ẩm thực cao cấp với thức ăn đường phố tại thủ đô của Thái Lan.

Nam diễn viên Nopachai Chaiyanam kiểm soát và bộc lộ tốt diễn biến tâm lý nhân vật xuyên suốt phần xuất hiện của mình. Ở Paul, khán giả nhìn thấy sự dày dặn kinh nghiệm, tính kỷ luật đến “khó sống” khi đứng ở đỉnh cao sự nghiệp. Là kẻ đứng đầu, tài giỏi nhưng trong ông vẫn luôn tồn đọng nỗi sợ bị thay thế.

Điều này thể hiện rõ qua tính cách nhân vật cùng căn bệnh OCD (Obsessive compulsive disorder/ Rối loạn ám ảnh cưỡng chế) nặng của Paul. Các hành động mang tính nhất quán, cộng thêm biểu cảm tự nhiên giúp nhân vật giống với đời thực.

Diễn xuất của Chutimon lần này nhận được phản hồi tích cực, khi cô phát huy tối đa nét diễn tự nhiên của mình. Chặng đường Aoy trải qua trên màn ảnh cũng gắn liền với không ít người đã, đang và sẽ gặp phải trong quá trình phát triển bản thân. Đặc biệt, sự đấu tranh tâm lý của Aoy trong từng quyết định được lột tả tốt, gợi lên ranh giới cho các chuẩn mực đạo đức khi làm nghề.

Ngoài ra, trong nữ chính Aoy hiện hữu sự hiếu thắng, nỗi sợ nghèo đói không ngừng thôi thúc cô vượt qua giới hạn của bản thân. Hành trình đi tìm chân lý trong sự nghiệp đầu bếp của cô cũng là một cách truyền động lực tốt tới khán giả. Đương nhiên, những vấp ngã Aoy gặp phải đều là lời cảnh báo cho sự đánh đổi vô tội vạ mà không màng đến hậu quả của con người.

Hunger anh 3

Chutimon chuyển mình tích cực trong vai diễn mới.

Kịch bản muốn đặc tả chặng đường sự nghiệp nhiều cạm bẫy, mang nhiều hàm ý giáo dục và răn đe giới trẻ. Tuy nhiên, càng về cuối, tác phẩm lộ nhiều điểm yếu trong khâu biên kịch. Một số tình huống diễn ra chưa hợp lý, số khác lại dư thừa khiến nỗ lực bày biện mâm cỗ đến cuối cùng lại không thỏa mãn được người xem. Trang Decider bình luận: “Bộ phim được làm khá tốt và hấp dẫn về mặt hình ảnh, nhưng lại loay hoay trong cách truyền tải”.

Về bố cục, thời lượng phim lên đến 130 phút nhưng lại phân bổ chưa đều. Mở đầu có sự gãy gọn, lời kể và diễn biến được thôi thúc nhanh. Dần về sau, mạch truyện bắt đầu lung lay, phong độ không ổn định. Đơn cử là cách nhân vật hành động, sự xung đột trong các mối quan hệ được mô tả rối, chồng chéo lên nhau. Thêm nữa, một số nút thắt chưa được gỡ bỏ ổn thỏa khiến cảm xúc người xem không thể chạm đến cao trào.

Những thiếu sót trong việc xây dựng nội dung kèm theo các tình tiết dễ đoán cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng chung. Dù vậy, không thể phủ nhận việc chọn lựa màu sắc, cách quay và bối cảnh đa dạng đã tạo nhiều không gian trải nghiệm cho khán giả. Nhờ vậy mà vị giác người xem được kích thích liên tục với chủ đề ẩm thực phong phú.

“Cốt truyện được đặt để nhiều yếu tố bất ngờ, song kết cục lại khá quen thuộc. Tuy nhiên, sức hút của phim đến từ sự tinh tế của đạo diễn khi sáng tạo phần nhìn. Các bối cảnh xa hoa, phong cách đa dạng trải dài từ thượng lưu đến hè phố mang lại trải nghiệm đặc sắc, tạo cảm giác ngon miệng khi xem” – tờ The Indian Express nhận định.

Ai cứu thế bí phim Việt mùa hè sau cú ngã ngựa của ‘Biệt đội rất ổn’?

Sau mùa phim Tết sôi động, thị trường điện ảnh nội địa đầu quý II thiếu vắng những cái tên lớn. Kỳ vọng đổ dồn vào cuối tháng 4, khi “Lật mặt 6” và “Chuyện xóm tui” ra mắt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *