Lấy cảm hứng từ cuộc đời ông tổ ngành bầu sô, tạp kỹ P.T. Barnum, “The Greatest Showman” tái hiện sinh động thế giới của những rạp xiếc đầu tiên dưới lăng kính thể loại ca vũ nhạc.
Thể loại: Ca vũ nhạc, tiểu sử, lãng mạn
Đạo diễn: Michael Gracey
Diễn viên chính: Hugh Jackman, Michelle Williams, Rebecca Ferguson, Zac Efron, Zendaya
Zing.vn đánh giá: 7/10
The Greatest Showman là bộ phim ca vũ nhạc lấy cảm hứng từ cuộc đời ông trùm ngành tạp kỹ thuở sơ khai P.T. Barnum (1810-1891). |
Nhân vật trung tâm của The Greatest Showman là Barnum (Hugh Jackman), con trai của một thợ may nghèo, có địa vị thấp kém trong xã hội.
Thuở thiếu thời, ông sớm phải lòng tiểu thư Charity (Michelle Williams) của một gia đình giàu có, thuộc tầng lớp thượng lưu.
Cùng với tình yêu vượt qua mọi rào cản, định kiến xã hội, Barnum hứa hẹn mang đến cho Charity cuộc sống hạnh phúc, xứng đáng với những gì cô đánh đổi.
Trên hành trình nỗ lực hiện thực hóa lời hứa ấy, chàng trai mang đến cuộc cách mạng cho ngành giải trí.
Đồng thời, người quản trò đầy tham vọng còn nhận được không ít bài học sâu sắc, thấm thía về cuộc đời, và những giấc mơ không hoàn toàn màu hồng.
Chất lượng kỹ thuật nổi trội
Câu chuyện tưởng chừng đơn giản, dễ đoán của The Greatest Showman được các nhà làm phim kể lại đầy sinh động trên nền là những ca khúc viết riêng cho tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim gợi cho khán giả nhớ tới một cái tên đình đám cùng thể loại là La La Land (2016).
Bởi phần âm nhạc của The Greatest Showman với nhiều ca khúc đi vào lòng người cũng do chính bộ đôi chỉ đạo âm nhạc của La La Land là Beji Pasek và Justin Paul thực hiện.
Các ca khúc The Greatest Show, This Is Me, A Million Dreams chuyển tải thành công chủ đề bộ phim, và lôi cuốn nhờ phần hoà âm phối khí bắt tai, qua đó góp phần tạo dựng nên bầu không khí riêng biệt của thời kỳ đáng nhớ trong lịch sử ngành ca múa nhạc tạp kỹ.
Cả một thời kỳ hào hứng của ngành công nghiệp tạp kỹ được tái hiện qua câu chuyện về P.T. Barnum trong The Greatest Showman. |
Song, để lại ấn tượng hơn cả trong phim thực tế là màn trình diễn hơi “thiếu liên quan”. Ca khúc Never Enough thuộc dòng thính phòng – thứ âm nhạc hay được coi là cao cấp – xuất hiện ở The Greatest Showman như tình tiết đầy ẩn ý về câu chuyện xoay quanh giấc mơ rạp xiếc.
Ca khúc do nhân vật Jenny Lind (Rebecca Ferguson) thể hiện đầy cảm xúc và khiến cả hội trường như “đóng băng”. Còn ở góc cánh gà, bản thân ông bầu P.T. Barnum không giấu nổi ánh mắt ngỡ ngàng, thán phục đầy ngưỡng mộ trước từng âm vang mà nữ ca sĩ người Thụy Điển ngân lên.
Sự so sánh giữa nghệ thuật đích thực, phục vụ giới thượng lưu, và nghệ thuật bình dân, phục vụ đám đông, được kín đáo cài cắm đầy ẩn ý theo cách đó.
Ngoài phần âm nhạc và dàn dựng hoành tráng, câu chuyện về “bậc thầy của những giấc mơ” trên phương diện nào đó còn truyền cảm hứng cho người xem theo các cách khác nhau. Đó có thể là câu chuyện tình yêu vượt qua chông gai, thử thách để tìm thấy bến đỗ, hoặc là câu chuyện về một người dám ước mơ và theo đuổi ước mơ.
Mỗi khán giả sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng theo nhiều hướng khác nhau. Nhưng kỳ diệu hơn cả có lẽ là cách mà Barnum giúp những con người yếu đuối, bé nhỏ, tự ti tìm lại chính mình.
Nhóm nhân vật kẻ dị thường tuy chỉ là tuyến phụ, nhưng lại trở nên vô cùng đáng nhớ. Họ mang đặc điểm nhân dạng khác nhau như người lùn, người khổng lồ, người béo, người nhiều lông, người da màu…
Nhưng điểm chung lớn nhất chính là việc họ đều bị xã hội xa lánh, khinh miệt, coi thường. Cuộc đời họ mãi mãi khép lại sau cánh cửa, trong những khu lao động thấp hèn, cho đến khi Barnum xuất hiện.
Ước mơ liệu có thật?
Ý tưởng về một gia đình, một cuộc đời khác mà rạp xiếc Barnum mang đến cho những người bị chối bỏ trong xã hội lẽ ra sẽ trở thành điểm nhấn của bộ phim nếu đạo diễn Michael Gracey biết cách phát triển và đẩy lên cao trào hơn nữa.
Song, nếu nghiên cứu các tài liệu ở ngoài đời thực, công chúng có thể dễ dàng nhận ra sự thật phũ phàng. P.T. Barnum từng không ít lần bị chỉ trích là đã lạm dụng nhóm “dị nhân” cho công việc giải trí, thậm chí có dấu hiệu phân biệt chủng tộc. Do đó, ngay cả khi chỉ lấy cảm hứng từ nhân vật, The Greatest Showman có lẽ không dám đào sâu hơn tuyến truyện này.
The Greatest Showman khơi gợi nhiều chi tiết thú vị về ngành tạp kỹ. Nhưng hầu hết không được đào sâu đúng mức. |
Trở lại bộ phim, việc đặt ông bầu Barnum đứng trước lựa chọn giữa cô đào Thuỵ Điển với âm nhạc thính phòng hay nhóm xiếc mua vui di động đã mở ra luồng xung đột tất yếu giữa nghệ thuật đỉnh cao và nghệ thuật bình dân. Tuy nhiên, cách giải quyết mâu thuẫn chưa triệt để cùng phần kịch bản tương đối lan man ở đoạn kết có thể khiến người xem hụt hẫng.
Phục trang và hoá trang tuy không quá nổi bật nhưng cũng góp phần quan trọng trong việc tái dựng bầu không khí một thời của ngành tạp kỹ. Ẩn dụ hóm hỉnh về “nghệ thuật là ánh trăng lừa dối” thông qua hoá trang cũng xuất hiện rất khéo léo, dù rất tiếc, cũng không được giải quyết triệt để.
The Greatest Showman có thể là một bộ phim giúp gợi nhắc đến nhiều câu chuyện điện ảnh khác nhau như La La Land, hay thậm chí là Step Up, tuỳ theo khía cạnh mỗi người tâm đắc ở bộ phim.
Trên một phương diện nào đó, đạo diễn và các nhà sản xuất đơn thuần muốn xây đắp niềm tin vào ước mơ và những điều kỳ diệu trong tâm hồn khán giả.
Như trong phim, Barnum đã khai sinh ra ngành tạp kỹ, con gái ông đã bước những bước tự tin trên đôi giày múa bale, chàng diễn viên nghiệp dư đã chọn được con đường cho riêng mình, những ca sĩ nghiệp dư đã cất cao tiếng hát…
Tất cả điều đó bất giác khiến người xem nhớ tới rạp chiếu bóng thiên đường, nơi nuôi nấng ước mơ và thắp lên những phép màu kỳ diệu. “Tuổi tác có thể làm nhăn nheo làn da, nhưng từ bỏ ước mơ khiến nhăn nheo tâm hồn”. The Greatest Showman, Cinema Paradiso và vô vàn câu chuyện điện ảnh khác đã khẳng định điều đó.
The Greatest Showman đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Bậc thầy của những ước mơ.