Bộ phim mới về Vua Arthur mang phong cách đặc trưng “ngầu” từng giúp đạo diễn Guy Ritchie gặt hái thành công. Song, tác phẩm mắc phải không ít vấn đề và trở nên “nửa nạc nửa mỡ”.
Thể loại: Phiêu lưu, hành động, giả tưởng
Đạo diễn: Guy Ritchie
Diễn viên chính: Charlie Hunnam, Jude Law, Eric Bana
Zing.vn đánh giá: 6/10
Là một trong những truyền thuyết dân gian nổi tiếng nhất Anh quốc, giai thoại huyền ảo về Vua Arthur cùng hội Hiệp sĩ Bàn tròn từng không ít lần được Hollywood chuyển thể lên màn ảnh rộng.
Năm nay, điển tích “thanh gươm trong đá” tiếp tục được kể lại dưới bàn tay chỉ đạo của đạo diễn Guy Ritchie, cùng sự tham gia của hai tài tử điển trai là Charlie Hunnam và Jude Law.
King Arthur: Legend of the Sword thêm một lần nữa kể lại câu chuyện quen thuộc về Vua Arthur trên màn ảnh rộng. |
Được nuôi lớn trong nhà thổ, chàng trai trẻ Arthur (Charlie Hunnam) không hề biết rằng mình thực chất là giọt máu cuối cùng của Vua Urther Pendragon (Eric Bana).
Trong cuộc đảo chính của gã em ruột độc ác Vortigern (Jude Law), Uther đã hy sinh tính mạng để bảo vệ con trai, còn thanh kiếm báu Excalibur của ông bị kẹt lại trong phiến đá.
Qua thời gian, người ta truyền tai nhau rằng chỉ nhà vua đích thực mới có thể cầm trên tay Excalibur, đồng thời cứu rỗi nước Anh khỏi bàn tay tàn bạo của Vortigern.
Hai nhân vật chính nổi bật
Điểm nổi bật của bộ phim khi so với các phiên bản điện ảnh trước đây nằm ở tạo hình và tính cách nhân vật chính. Không mang vẻ điềm đạm của một bậc quân vương, Arthur qua sự thể hiện của Charlie Hunnam mới chỉ là gã trai trẻ kiêu ngạo, bốc đồng nhưng không kém phần ranh mãnh.
Rút được thanh kiếm báu hóa ra chỉ là khởi đầu cho những thử thách mà Arthur phải trải qua, bởi chàng trai trẻ không ít lần phải đối mặt hiểm nguy bởi chính hàng loạt hành động thiếu suy nghĩ của mình.
Nhân vật chính toát ra sự mạnh mẽ và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng thời mang ngoại hình lực lưỡng cùng khuôn mặt ưa nhìn. Có thể thấy Charlie Hunnam là lựa chọn đầy bất ngờ, nhưng hoàn toàn có lý của đạo diễn Guy Ritchie.
Charlie Hunnam có thể chưa phải là ngôi sao lớn, nhưng anh rất thuyết phục trong hình tượng mới mẻ của Arthur. |
Ở phía đối trọng, Vortigern của Jude Law không hề tỏ ra kém cạnh. Đây là vị bạo chúa có thật trong lịch sử và thường xuất hiện trong những giai thoại về Vua Arthur. Qua sự thể hiện của Jude Law, hắn toát lên vẻ vương giả và sự quyến rũ khó cưỡng.
Ánh mắt như rồ dại, dáng vẻ thiếu sức sống ẩn mình trong những bộ cánh sang trọng, cầu kỳ của Vortigern thực sự khiến người xem ám ảnh, đúng với chuẩn mực của một “vua điên”.
Việc xây dựng mối quan hệ chú – cháu giữa Vortigern và Arthur giúp mâu thuẫn trong phim được đẩy lên cao trào, khiến giới mê phim liên tưởng ngay đến mối thù hoàng tộc kinh điển giữa Hamlet và Glaudius trong các áng văn của William Shakespeare.
Song, nhân vật về cuối phim trở nên hơi một màu và thường chỉ “tỏ ra nguy hiểm”. Hắn dành quá nhiều thời gian để độc thoại, hoặc kể lể với nhân vật chính về kế hoạch độc ác của mình. Gã phản diện có nhiều cơ hội để kết liễu Arthur nhưng lại “than thân” thay vì hành động, khiến kịch bản phim trở nên khiên cưỡng.
Nhân vật Vortigern của Jude Law ban đầu rất thú vị. Song, gã phản diện lại trở nên rập khuôn đầy đáng tiếc khi phim đi đến hồi kết. |
Ngoài hai nhân vật chính, các tuyến nhân vật phụ tương đối mờ nhạt. Nhóm đồng sự mà sau này sẽ trở thành thành viên của hội Hiệp sĩ Bàn tròn như Sir Bedivere (Djimon Hounsou), Sir Percival (Craig McGinlay), Sir William (Aidan Gillen) chưa bộc lộ được cá tính riêng, dù đây là những gương mặt có thực lực.
Sự góp mặt của David Beckham chỉ ở mức “cho vui” bởi vai trò của anh đơn thuần là cameo (khách mời).
Lợi và hại từ phong cách đặc trưng của Guy Ritchie
Do Guy Ritchie nhào nặn, King Arthur: Legend of the Sword sở hữu phong cách làm phim nổi bật của tác giả nước Anh. Song, lần áp dụng này chưa chắc mang đến được sự hứng khởi cho khán giả.
Các fan của vị đạo diễn hẳn nhớ rằng ngay từ thời Lock, Stock and Two Smoking Barrels (1998) cho tới hai tập phim Sherlock Holmes gần đây với Robert Downey Jr. và Jude Law, ông thường xây dựng những cảnh chiến đấu hoặc trò chuyện theo lối giật cục, như thể đó là một loạt hình ảnh được xâu chuỗi chứ không phải mạch phim nhất quán.
Thủ pháp này giúp đẩy nhanh nhịp phim, tạo ra phong cách riêng cho Guy Ritchie. Song, nó bị lạm dụng quá đà trong King Arthur: Legend of the Sword. Hậu quả là mạch phim bị đứt đoạn, khó theo dõi. Ông cũng tốn nhiều thời gian để giới thiệu các nhân vật, với số lượng thoại dầy đặc và điều đó dễ gây ra cảm giác nhàm chán.
Phong cách đặc trưng của đạo diễn Guy Ritchie trở thành “con dao hai lưỡi” đối với tác phẩm. |
Sự gỡ gạc nằm ở các trường đoạn chiến đấu. Chúng rất “bốc” và kịch tính đúng như phong cách trước nay của Guy Ritchie. Đây là yếu tố chắc chắn giúp khán giả ra rạp với mục đích giải trí cảm thấy thỏa mãn.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ lưỡng, các màn giao đấu kể từ khi Arthur có thể sử dụng thuần thục thanh Excalibur lại lạm dụng kỹ xảo điện ảnh. Kết hợp với góc quay đa diện và giật lắc, người xem cảm thấy như đang được theo dõi cắt cảnh của một trò chơi nhập vai hơn là một sản phẩm điện ảnh.
Nhìn chung, có thể ví King Arthur: Legend of the Sword như một “nồi lẩu thập cẩm”, với những ý tưởng hay ho cùng chuỗi hình ảnh bắt mắt. Nhưng bản thân chúng lại thiếu đi sự đồng điệu, nhất quán. Bộ phim vẫn sở hữu giá trị giải trí đối với khán giả phổ thông, nhưng khó có thể làm hài lòng các fan khó tính của Guy Ritchie.
King Arthur: Legend of the Sword đang được trình chiếu trên toàn quốc với tựa đề Vua Arthur: Thanh gươm trong đá.