‘Ác nữ báo thù’: Phim hành động đẫm máu 18+ của xứ kim chi

Bộ phim “The Villainess” gây ấn tượng mạnh bởi những trường đoạn hành động đẫm máu, qua đó giúp khán giả phần nào quên đi sự tham lam và rời rạc của nội dung kịch bản.

Thể loại: Hành động
Đạo diễn: Jung Byung-gil
Diễn viên chính: Kim Ok-bin, Shin Ha-kyun, Kim Seo-hyung
Zing.vn đánh giá: 7/10

Sook-hee (Kim Ok-bin) là một cô bé có tuổi thơ bất hạnh. Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh cha đẻ bị sát hại, cô được Lee Joong-sang (Shin Ha-kyun) – đại ca của một băng đảng – giải cứu và thu nhận làm đệ tử. Sau quá trình huấn luyện khắc nghiệt, Sook-hee trở thành một sát thủ máu lạnh.

Sau một phi vụ trả thù đẫm máu, Sook-hee bị Cục Tình báo Hàn Quốc bắt giữ. Nhận thấy khả năng và tư chất của cô gái trẻ, giám đốc Kwon-sook (Kim Seo-hyung) đề nghị Sook-hee trở thành mật vụ ngầm trong vòng 10 năm để đánh đổi lấy tự do.

Từ bỏ cuộc sống ngoài vòng pháp luật, Sook-hee bắt đầu cuộc đời mới không kém phần thử thách và nghiệt ngã. Mọi việc càng trở nên phức tạp khi bóng ma quá khứ không ngừng trở lại ám ảnh cô.

review phim Ac nu bao thu anh 1
Bộ phim The Villainess thuộc thể loại hành động và từng tham dự LHP Cannes 2017.

The Villainess là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Jung Byung-gil, người từng gây tiếng vang với tác phẩm hành động, tội phạm cân não Confession of Murder (2012). Sau 5 năm xây dựng, Jung Byung-gil đã đem đến cho khán giả một xuất phẩm hành động sáng tạo, đột phá, gây bất ngờ cho cả khán giả Hàn Quốc lẫn thế giới.

Mô-típ điệp viên ngầm quen thuộc, đậm chất phương Tây

Bộ phim The Villainess có phần nội dung sở hữu nhiều ý tưởng tương đồng với các tác phẩm hành động nổi tiếng mà nhân vật nữ sắm vai trò chủ đạo, đặc biệt là những tác phẩm của đạo diễn Luc Besson.

Câu chuyện nữ tội phạm được tổ chức tình báo chiêu dụ thành mật vụ ngầm từng xuất hiện ở La Femme Nikita (1990), còn chuyện cô bé được tên trùm tội phạm đào tạo thành sát thủ từ nhỏ giống với ý tưởng của Léon: The Professional’ 1994).

Không chỉ học hỏi về mặt ý tưởng, cách thể hiện chúng trong phim của đạo diễn Jung Byung-gil cũng rất “Tây”, đặc biệt là trong nửa đầu diễn ra tại cơ sở đào tạo mật của Cục Tình báo Hàn Quốc. Cuộc sống ngầm của các nữ mật vụ rất ít khi xuất hiện trong điện ảnh Hàn Quốc, và nay được kể lại khá thú vị, tạo ra điểm nhấn cho The Villainess.

review phim Ac nu bao thu anh 2
Nội dung tác phẩm lấy cảm hứng từ không ít bộ phim nổi tiếng phương Tây, nhưng đồng thời vẫn sở hữu những “đặc sản” riêng của xứ Hàn.

Bên cạnh phần mô-típ quen thuộc học hỏi từ các bộ phim nổi tiếng của nước ngoài, đạo diễn Jung Byung-gil cũng cố gắng đưa thể loại tâm lý, tình cảm đặc trưng của điện ảnh Hàn vào trong phim, thông qua một số chi tiết miêu tả cuộc sống đời thường của nhân vật chính Sook-hee.

Chúng được xây dựng khá nhẹ nhàng và lãng mạn, giúp giảm bớt bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt chung của toàn tác phẩm, đồng thời giúp khắc họa rõ nét hơn tâm lý phức tạp của nhân vật chính.

Hành động điên cuồng và đẫm máu

Điểm nhấn lớn nhất của The Villainess chính là phần hành động đỉnh cao. Ngay từ giây phút đầu tiên, cảm xúc của khán giả được đẩy lên cao hết mức bằng một trường đoạn hành động dài hơi cực kỳ kịch tính và đẫm máu, với góc nhìn từ người thứ nhất vô cùng ấn tượng.

Tiếp sau đó, hàng loạt cảnh hành động phân bổ rải rác liên tục trong phim, với ít nhất hai điểm nhấn mạnh mẽ tiếp theo là trường đoạn Sook-hee bị truy sát bằng xe gắn máy rồi giao chiến bằng kiếm Nhật trên đường cao tốc; và trường đoạn hành động dài hơi đa phong cách cuối phim. Mỗi phân cảnh hành động trong phim đều được thực hiện công phu, đẫm máu và tạo hiệu ứng kích thích cao.

review phim Ac nu bao thu anh 3
Phần hành động của bộ phim thực sự mãn nhãn, không thua kém bất cứ tác phẩm nào của Hollywood.

Đạo diễn Jung Byung-gil đã dày công áp dụng nhiều thủ pháp quay phim hành động tân thời như sử dụng góc nhìn thứ nhất (POV) của nhân vật, khung hình có độ rung lắc cao (shaky cam) và các cú máy dài (long take) chạy theo nhân vật, nhằm tạo ra các cảnh hành động độc đáo nhất.

Đặc biệt, ông cố gắng khắc phục sự hạn chế của từng thủ pháp bằng cách kết hợp nhiều cách quay cùng lúc đầy linh hoạt, không lặp lại nhàm chán. Tất cả giúp tạo nên một siêu phẩm hành động vô tiền khoáng hậu trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc.

Điều đặc biệt của The Villainess còn nằm ở nhân vật chính: “ác nữ” Sook-hee. Hàn Quốc từng có nhiều tác phẩm hành động xuất sắc, nhưng đa số nhân vật chính đều là phái mạnh. Rất hiếm khi có nhân vật đả nữ nào được ưu tiên cho sắm vai chính.

Nhưng The Villainess đã giúp thay đổi hoàn toàn định kiến trên. Không chỉ góp phần đem đến tiêu chuẩn mới cho thể loại hành động, bộ phim còn xây dựng nên biểu tượng đả nữ gai góc, tàn bạo, không hề thua kém bất cứ bậc nam nhi nào. Do đó, nhân vật Sook-hee của Kim Ok-bin chắc chắn sẽ trở thành nguồn cảm hứng mới cho các nhà làm phim Hàn Quốc trong tương lai gần.

Lỗ hổng về mặt kịch bản

Về mặt phong cách, đạo diễn Jung Byung-gil đã vượt qua chính mình. Nhưng xét tổng thể, The Villainess có thể coi là bước lùi so với Confession of Murder.

Bộ phim mới cố gắng đưa vào nhiều sự kiện nhằm xây dựng nhân vật chính Sook-hee một cách đa chiều, nhưng không làm nổi bật được bất cứ mặt nào cụ thể: từ miêu tả cuộc sống ban đầu tại cơ sở đào tạo mật vụ, cho đến cuộc sống bên ngoài của cô trong lớp vỏ bọc diễn viên kịch.

review phim Ac nu bao thu anh 4
Nhiều lỗ hổng về mặt nội dung khiến The Villainess chưa thực sự trọn vẹn.

Hàng loạt mối quan hệ trong phim nảy sinh như giữa Sook-hee với người cũ Lee Joong-sang và người mới Jung Hyun-soo (Sung Joon), giữa các thành viên của Cục Tình báo hay tình mẫu tử giữa Sook-hee và cô con gái nhỏ… Nhưng tất cả giống như những mảnh ghép rời rạc, thiếu sự gắn kết, khiến tác phẩm trở nên lan man, mất phương hướng.

Khán giả rất khó để nắm bắt được rốt cuộc lý tưởng mà các nhân vật hướng đến trong phim là gì, động lực nào thực sự thúc đẩy bản thân họ có những hành động như vậy.

Bộ phim chứa đựng nhiều sự kiện cài cắm lộ liễu một cách bất hợp lý, nhằm tạo nên nút thắt kịch tính cho câu chuyện. Điển hình chính là chi tiết Sook-hee phải tiến hành ám sát chồng cũ vào ngày cưới của mình, hay cách hành động của Cục Tình báo khi có sự kiện bất ngờ xảy ra. Điều đó khiến diễn biến của The Villainess bị giả tạo và kém thuyết phục, gây ảnh hưởng trái chiều tiêu cực đến cảm xúc của khán giả.

Diễn xuất hạn chế của nữ chính Kim Ok-bin cũng là điểm trừ của bộ phim. Từ đầu đến cuối phim, cô hầu như chỉ thể hiện duy nhất một kiểu biểu cảm trên gương mặt. Điều đó khiến nhân vật Sook-hee của cô luôn toát ra vẻ ngoài lạnh lùng, nhưng chưa thể hiện được sự phức tạp trong tâm lý, tính cách.

Kịch tính, tàn bạo và đẫm máu, The Villainess là một trong những bộ phim hành động ấn tượng và đáng nhớ của điện ảnh Hàn Quốc. Song, khán giả có quyền kỳ vọng nhiều hơn ở Jung Byung-gil, bởi ông rõ ràng có thể làm nội dung tốt hơn, chứ không chỉ nên chăm chút cho phần hành động hào nhoáng bên ngoài.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa đề Ác nữ báo thù.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *