Phần ba của loạt “Tây du ký” đến từ đạo diễn Trịnh Bảo Thụy mang góc nhìn hiện đại về câu chuyện Tây Lương Nữ Quốc. Song, ấn tượng mà tác phẩm để lại còn thua phiên bản 1986.
Thể loại: Giả tưởng, hành động, lãng mạn
Đạo diễn: Trịnh Bảo Thụy
Diễn viên chính: Phùng Thiệu Phong, Triệu Lệ Dĩnh, Quách Phú Thành
Zing.vn đánh giá: 6/10
Tết Nguyên đán 2014, bom tấn Tây du ký: Đại náo Thiên cung chính thức ra mắt khán giả sau nhiều năm thai nghén. Với dàn sao Hoa ngữ gồm Chân Tử Đan, Quách Phú Thành, Châu Nhuận Phát, Trần Kiều Ân, Hà Nhuận Đông…, cùng câu chuyện quen thuộc nhưng vẫn hấp dẫn về Tề thiên Đại thánh, bộ phim thắng lớn về mặt doanh thu, dẫu bị chỉ trích không ít vì phần kịch bản nghèo nàn và hiệu ứng hình ảnh tệ hại.
Hai năm sau, Tây du ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh (2016) ra mắt. Quách Phú Thành – người sắm vai Ngưu Ma Vương trong tập đầu tiên – nay đảm nhận vai chính Tôn Ngộ Không. Bộ phim còn có sự tham gia của minh tinh Củng Lợi trong vai phản diện Bạch Cốt Tinh.
Với chất lượng vượt trội so với tập đầu, Tây du ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh tiếp tục gặt hái thành công về mặt doanh thu, mở đường cho nhà sản xuất bắt tay thực hiện phần tiếp theo.
Nữ nhi quốc là tập phim điện ảnh Tây du ký thứ ba do đạo diễn Trịnh Bảo Thụy thực hiện. |
Phần ba – Tây du ký: Nữ nhi quốc – được phóng tác từ tập truyện liên quan đến Tây Lương Nữ Quốc trong nguyên tác văn học. Trên hành trình đi Tây Thiên thỉnh kinh, bốn thầy trò Đường Tăng (Phùng Thiệu Phong) tình cờ lạc vào vùng đất bí hiểm, tách biệt với thế giới bên ngoài. Con người ở đây đều là nữ giới, và thiếu vắng hoàn toàn các đấng nam nhi.
Họ tự gọi xứ sở là Tây Lương Nữ Quốc, coi nam nhân là những kẻ độc ác phải bị tiêu diệt. Chỉ có Nữ vương (Triệu Lệ Dĩnh) là muốn bảo vệ Đường Tăng và ba đồ đệ. Cô bao che cho bốn thầy trò, đồng thời giúp họ tìm cách thoát khỏi Nữ Quốc.
Trong suốt quá trình đó, tình cảm giữa cô và Đường Tăng ngày một lớn lên, tạo ra thử thách không ngờ đối với cả hai khi phải lựa chọn giữa tình cảm cá nhân với trách nhiệm cầu đạo, cứu đời.
Tây Lương Nữ Quốc là thử thách đáng nhớ trong Tây du ký, và khác biệt rất nhiều so với những kiếp nạn khác mà bốn thầy trò Đường Tăng từng trải qua. Ở nguyên tác, sự kiện tương đối sơ sài. Hành động cầu thân của Nữ vương Tây Lương Nữ Quốc thiên về lợi ích chính trị hơn là cảm xúc cá nhân, còn tư tưởng Đường Tăng là một lòng rời bỏ Nữ Quốc, không màng vinh hoa phú quý.
Ở các phiên bản chuyển thể, Tây Lương Nữ Quốc thường được phóng tác, mở rộng với nhiều chi tiết sáng tạo hơn, tập trung khai thác khía cạnh tâm lý tình cảm của Đường Tăng và Nữ Vương. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là bản phim truyền hình kinh điển 1986 của đạo diễn Dương Khiết.
Nữ vương do Chu Lâm thể hiện trong bản Tây du ký 1986 từng khiến nhiều khán giả xao xuyến. |
Dưới sự chỉ đạo tài tình của nữ đạo diễn họ Dương, cùng diễn xuất ấn tượng của người đẹp Chu Lâm trong vai Nữ vương, phần Tây Lương Nữ Quốc trong Tây Du Ký 1986 đã tái hiện một câu chuyện tình đẹp đẽ, ý nhị, đầy tương tư và nuối tiếc.
Hình ảnh Đường Tăng cùng Nữ vương cùng nhau thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình trên nền nhạc Nữ nhi tình đầy da diết, ngập tràn tình ý đã đi vào hàng kinh điển, đến nay vẫn chưa có phiên bản nào có thể vượt qua.
Câu chuyện tình với sự rung động đến từ cả hai phía
Đúng như tựa đề, Tây du ký: Nữ nhi quốc tập trung khai thác hành trình của bốn thầy trò Đường Tăng qua Tây Lương Nữ Quốc. Một số kiếp nạn chính ở nguyên tác như nhóm thầy trò uống nước sông Mẫu Tử rồi mang thai, hay phải đối phó với yêu quái rết đều được đề cập tới. Song, chúng bị cải biên nhiều, trở thành chi tiết phụ với thời lượng hạn chế.
Điểm nhấn của tác phẩm nằm ở mối quan hệ giữa Đường Tăng và Nữ vương của Tây Lương Nữ Quốc. Giống hai tập trước, đạo diễn Trịnh Bảo Thụy sáng tạo thêm nhiều chi tiết liên quan đến hoàn cảnh, tâm lý nhân vật trong phim so với nguyên tác, giúp câu chuyện tình của Tây du ký: Nữ nhi quốc độc đáo và chứa đựng tư tưởng khác biệt hơn.
Trong phim, Đường Tăng và Nữ vương gặp gỡ nhau tình cờ, và dường như “tình yêu sét đánh” đã nảy sinh từ đó. Điểm đặc biệt ở đây là sự rung động không đến chỉ từ một phía mà là cả hai bên.
Câu chuyện tình trong tác phẩm khá trong trẻo và hiện đại. Nữ vương của Triệu Lệ Dĩnh khác biệt hoàn toàn so với nguyên tác lẫn phiên bản của Chu Lâm. Không còn là bậc quân vương cao quý, dẫu tình cảm dạt dào nhưng vẫn giữ khí chất vương giả lịch thiệp, Nữ vương trong Tây du ký: Nữ nhi quốc là một thiếu nữ ngây thơ, trong sáng, mang rung động đầu đời khá tự nhiên, đáng yêu.
Câu chuyện tình cảm giữa Đường Tăng và Nữ vương phảng phất nhiều nét hiện đại. |
Cô thể hiện tình cảm thông qua những hành động quen thuộc thông thường như e thẹn, bẽn lẽn trước mặt người thương, tìm mọi cách để được ở bên cạnh người bất cứ lúc nào, để rồi thậm chí liều lĩnh cả tính mạng hay rời bỏ cả Vương quốc vì tiếng gọi của trái tim.
Mục tiêu cầu thân vì lợi ích của vương quốc hoàn toàn không tồn tại trong phim. Thay vào đó, Nữ vương của Triệu Lệ Dĩnh sẵn sàng đánh đổi cả Nữ nhi quốc vì tình yêu, vì tự do. Nàng không màng đến vinh hoa phú quý, mà chỉ muốn khám phá thế giới bên ngoài, muốn vượt thoát khỏi thế giới ngột ngạt, tù túng đang giam giữ tuổi thanh xuân của bản thân.
Có thể thấy Tây du ký: Nữ nhi quốc chứa đựng quan điểm khá mới mẻ và độc đáo về Tây Lương Nữ Quốc. Ngoài việc là kiếp nạn thử thách ý chí của Đường Tăng, bản thân nơi đây còn phản ánh một số bi kịch mà nữ giới phải chịu đựng trong xã hội.
Việc thay đổi tư tưởng của Nữ vương giúp bản thân nhân vật sở hữu tâm lý đa dạng, phong phú hơn. Không chỉ có tình yêu bị động đơn thuần, cô cũng phải lựa chọn giữa tình cảm cá nhân và trách nhiệm với vương quốc.
Về phía Đường Tăng, tuy lý tưởng của anh cơ bản vẫn là trung thành với nguyên tác, nhưng tâm lý nhân vật đã có nhiều biến chuyển hơn. Đường Tăng cũng ít nhiều rung động trước Nữ vương qua nét diễn của Phùng Thiệu Phong ngay từ ban đầu.
Giữ tình cảm ở thế bị động, anh vẫn đứng giữa lựa chọn khó khăn: chọn đạo hay chọn đời. Chỉ khác là ở đây xung đột trong Đường Tăng mạnh mẽ hơn, lựa chọn khó khăn hơn. Điều đó giúp chuyện tình cảm trong phim trở nên cân bằng, không nghiêng về một phía như nguyên tác hay các bản chuyển thể khác.
Tăng cường hài hước và tri ân nguyên tác kinh điển
Không chỉ đi sâu khai thác khía cạnh tâm lý tình cảm, Tây du ký: Nữ nhi quốc còn tăng cường tính hài hước cho tác phẩm. Lần này, ba đồ đệ của Đường Tăng đều trở thành kép phụ, nhường đất diễn chính cho sư phụ để bằng lòng với vai trò… cây hài của phim.
Từ Tôn Ngộ Không (Quách Phú Thành) đến Trư Bát Giới (Tiểu Thẩm Dương) và Sa Tăng (La Trọng Khiêm), cả ba thường xuyên đem đến nhiều tình huống hài hước, giúp đem lại tiếng cười cho khán giả. Điều này giúp Tây du ký: Nữ nhi quốc thiên về thể loại tình cảm – hài nhiều hơn là phiêu lưu – hành động như hai phần trước.
Nhóm đồ đệ của Đường Tăng trong phim chủ yếu làm nhiệm vụ… tấu hài. |
Bên cạnh đó, tác phẩm cũng mang tính tri ân đến phiên bản truyền hình kinh điển năm 1986. Bản nhạc Nữ nhi tình huyền thoại thêm một lần nữa xuất hiện, đồng thời khéo léo bổ sung thêm phần lời nhạc thể hiện tâm tình của Đường Tăng và trở thành bản Nữ nhi quốc.
Dưới sự thể hiện của hai ca sĩ Trương Lương Dĩnh và Lý Vinh Hạo, Nữ nhi quốc vang lên giữa phim đem đến không ít cảm xúc hoài niệm cho khán giả.
Tuy nhiên, tăng thời lượng cho các chi tiết hài là con dao hai lưỡi. Nhiều chi tiết hài bị lạm dụng thái quá, tiêu tốn thời lượng, nhưng tỏ ra lệch tông, không cần thiết trong việc xây dựng nội dung, như trường đoạn truy tìm lời giải cho lối thoát khỏi Tây Lương Nữ Quốc, hay đoạn Tôn Ngộ Không đi tìm thuốc rụng thai là điển hình.
Đồng thời, tăng cường tính hài hước còn khiến phần hành động trong phim bị giảm sút. Các trường đoạn hành động trong phim diễn ra với thời lượng ngắn, kém hấp dẫn và kịch tính. Các đồ đệ của Đường Tăng do đó không có cơ hội thể hiện pháp lực cao cường. Đây là điểm trừ đáng tiếc có thể khiến người hâm mộ Tây du ký cảm thấy đôi chút hụt hẫng.
Câu chuyện rời rạc và diễn xuất gây tranh cãi
Nỗ lực đem đến câu chuyện Tây Lương Nữ Quốc hiện đại, mới lạ hơn, nhưng Tây du ký: Nữ nhi quốc chưa thực sự thành công trong việc truyền tải ý tưởng và cảm xúc đến cho khán giả.
Tình trong phim được nhắc tới nhiều, nhưng lại thiếu những cảnh phim đắt giá thể hiện sự kết nối tâm hồn giữa Nữ vương và Đường Tăng. So với bản 1986, Tây du ký: Nữ nhi quốc gần như không còn sự ý nhị thầm kín, thiếu đi nét tương tư dằn vặt của những trái tim đang yêu và khao khát được yêu. Sự đau đớn, nuối tiếc cũng là chưa rõ rệt để tạo ra cảm xúc mạnh mẽ như xưa.
Bên cạnh câu chuyện chính, bộ phim còn đem đến một câu chuyện tình không thành khác giữa người phàm và Yêu Hà nhằm xây dựng cao trào. Trớ trêu thay, câu chuyện phụ còn có đáng nhớ hơn cả chuyện tình cảm của đôi nhân vật chính.
Triệu Lệ Dĩnh mang đến hình tượng Nữ vương gây tranh cãi. |
Tình là vậy, đạo trong phim cũng không khá hơn. Tư tưởng, đạo lý Phật pháp xuất hiện theo cách khiên cưỡng, thông qua hình tượng Phật tổ và Quan thế âm hiển linh một cách phô trương không cần thiết.
Hiệu ứng hình ảnh của Nữ nhi quốc cũng là bước lùi so với phần trước, với nhiều trường đoạn lộ rõ sự giả tạo của kỹ xảo vi tính bị lạm dụng thái quá, khiến trải nghiệm của người xem có thể bị ảnh hưởng.
Diễn xuất trong phim chắc chắn gây tranh cãi. Dàn diễn viên cũ không gặp nhiều khó khăn trong lần trở lại, nhưng Triệu Lệ Dĩnh trong vai Nữ vương tỏ ra yếu kém hơn. Ngoại hình xinh đẹp theo hơi hướm trẻ con, ngây thơ, trong sáng của cô có lẽ phù hợp với vai công chúa hơn là Nữ vương.
Đáng buồn hơn, khi đặt cạnh các nhân vật phụ không tên khác, thần thái, cá tính của Triệu Lệ Dĩnh thậm chí trở nên nhạt nhòa. Nét diễn xuất của cô không để lại ấn tượng nào đặc biệt bởi biểu cảm gương mặt còn hạn chế. Điều đó khiến tình cảm và tâm lý của Nữ vương chưa rõ ràng, và họ Triệu còn lâu mới có thể khiến người xem quên đi Chu Lâm.
Về tổng thể, Tây du ký: Nữ nhi quốc là bước lùi so với tập trước khi chưa thể truyền tải trọn vẹn cảm xúc đến cho khán giả, đồng thời lạm dụng các chi tiết hài khiến diễn biến trở nên lộn xộn. Tuy nhiên, đây nhìn chung vẫn là tác phẩm phù hợp với nhu cầu giải trí thông thường của khán giả trong dịp Tết Nguyên đán.
Phim chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ 16/2, tức mùng 1 Tết Nguyên đán.